Sử dụng Quỹ Bảo vệ môi trường phải đúng mục đích

Nhất trí đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải song các doanh nghiệp cho rằng dự thảo quy chế quản lý, sử dụng Quỹ có nhiều điểm bất hợp lý, nhiều tiêu chí không rõ ràng dễ nảy sinh tiêu cực.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải (sau đây gọi là dự thảo Thông tư). Dự thảo này cũng quy định về cơ chế quản lý tài chính của Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR quốc gia (gọi tắt là Văn phòng EPR Việt Nam).

Nhiều khoản chi không đúng mục đích?

Tại hội thảo góp ý mới đây, các hiệp hội và doanh nghiệp ủng hộ đóng góp Quỹ nhưng cho rằng dự thảo Thông tư có nhiều điểm bất hợp lý và mâu thuẫn với Luật Bảo vệ môi trường. Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết có 3 điểm mấu chốt khiến doanh nghiệp đặc biệt lo ngại.

Đầu tiên là nhiều khoản chi phí sử dụng không đúng mục đích khoản đóng góp của doanh nghiệp và trái với Luật Bảo vệ môi trường. Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường (Điểm b, Khoản 4, Điều 54) quy định: “Đóng góp tài chính được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì”. Tuy nhiên, trong số 11 loại chi phí của Văn phòng EPR (Điều 26 của dự thảo Thông tư) chỉ có 1 loại dùng để hỗ trợ tái chế bao bì, sản phẩm, xử lý chất thải; 10 loại còn lại là cho các mục đích khác như: hoạt động gửi tiền; hội thảo, lễ tân, khánh tiết; hỗ trợ hoạt động của Đảng, đoàn thể Văn phòng EPR; chi phí cho Cổng thông tin EPR quốc gia…

Bên cạnh đó, việc xét duyệt hỗ trợ tái chế bao bì, sản phẩm, xử lý chất thải như dự thảo là theo cơ chế xin - cho (các doanh nghiệp, dự án tái chế bao bì, xử lý chất thải nếu muốn nhận được hỗ trợ phải nộp hồ sơ xin hỗ trợ về Văn phòng EPR). Các tiêu chí xét duyệt lại không rõ ràng, ví dụ như “căn cứ điều kiện kinh tế, xã hội”; hoặc dùng các từ không định lượng được như “lớn hơn”, “cao hơn”, “ít hơn” "các dự án khác”, như vậy rất dễ nảy sinh tiêu cực. Tương tự, mức hỗ trợ cũng chỉ nêu chung chung là Hội đồng EPR thông qua dựa theo phân nhóm sản phẩm, khối lượng đề nghị hỗ trợ, không có tiêu chí cụ thể.

Ở các nước tiên tiến, như EU và Mỹ, EPR do các Hiệp hội doanh nghiệp tự đóng góp, tự quản lý, và thực hiện tại từng địa phương, vì vấn đề môi trường trực tiếp ảnh hưởng đến các địa phương. Trong khi đó, dự thảo Thông tư lại tạo ra 1 cơ quan hành chính mới để quản lý tiền doanh nghiệp đóng góp (Văn phòng EPR) gây tăng biên chế, đồng thời doanh nghiệp không được tham gia để quản lý số tiền chính mình đóng góp - như vậy không đủ minh bạch.

Văn phòng EPR phải hoạt động kiêm nhiệm

Liên quan đến mô hình Văn phòng EPR, theoNghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Hội đồng EPR quốc gia có văn phòng giúp việc đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị cần quy định rõ ràng cơ cấu tổ chức, quyền hạn, trách nhiệm của Văn phòng EPR để không phát sinh biên chế, không sử dụng tiền đóng góp sai mục đích, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của VASEP cho biết.

Cụ thể, Văn phòng EPR làm việc theo chế độ kiêm nhiệm theo đúng của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Chi phí phụ cấp và chi phí văn phòng lấy từ “lãi tiền gửi ngân hàng” chứ không được trích từ khoản đóng góp của doanh nghiệp. Đồng thời, các khoản chi của Quỹ Bảo vệ môi trường chỉ cho mục đích hỗ trợ tái chế bao bì, xử lý chất thải theo đúng Luật Bảo vệ môi trường, không chi cho mục đích khác và chi phải hợp lý, hợp lệ theo quy định quản lý hành chính cho cán bộ nhà nước.

Các hiệp hội doanh nghiệp cũng kiến nghị Hội đồng EPR cần có thành viên của các hiệp hội, vì đây là tiền doanh nghiệp nộp, doanh nghiệp cần được tham gia giám sát để bảo đảm việc sử dụng minh bạch, đúng mục đích.

Đặc biệt, quản lý thu chi khoản đóng góp của các doanh nghiệp, xét duyệt hỗ trợ tái chế bao bì, xử lý chất thải cần phân cấp và minh bạch. Theo đó, việc giải quyết các vấn đề môi trường ở địa phương nên phân cấp cho địa phương giống như kinh nghiệm quốc tế. Hội đồng EPR, Văn phòng EPR chỉ nên đưa ra chủ trương, kế hoạch hành động và giám sát việc thực hiện nói chung. Đồng thời, tiêu chí chọn dự án được hỗ trợ trong hoạt động tái chế các sản phẩm, bao bì rõ ràng cần cụ thể và có điểm cho từng tiêu chí.

Trước đó, những điểm bất cập và các kiến nghị nêu trên đã được 11 Hiệp hội doanh nghiệp góp ý với cơ quan soạn thảo quy chế quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ môi trường. Dự kiến Thông tư này được ban hành trong tháng 12 tới và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2023.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/su-dung-quy-bao-ve-moi-truong-phai-dung-muc-dich-i308539/