Sử dụng thùng rượu làm nhà vệ sinh thời Phục Hưng

Khoảng hơn 300 năm trước (giai đoạn 1680), sau khi uống hết những giọt cuối cùng của 2 chum rượu khổng lồ, ai đó đã nảy ra một ý tưởng sáng tạo để tái sử dụng chúng một cách hợp lý – chôn các thùng rỗng xuống đất ở sân sau của một ngôi nhà và biến chúng thành nhà vệ sinh.

Đó là phát hiện của một nhóm các nhà khảo cổ trong một cuộc khai quật tại Copenhagen trước khi khu di tích này bị biến thành công trình xây dựng.

Trái với sự ngần ngại của nhiều người khi phải bước vào một nhà vệ sinh 300 năm tuổi, các nhà khoa học đã tiến hành khảo cứu và sàng lọc những hợp chất hữu cơ còn sót lại để tìm kiếm manh mối về chế độ ăn, liên hệ thương mại và thói quen của những người từng sử dụng chúng rất lâu về trước. Kết quả này đã được công bố trên Tạp chí Journal of Archaeological Science.

Ý tưởng sử dụng chum rượu làm nhà vệ sinh của người Copenhagen trong thời Phục Hưng. Ảnh: Mette Marie Hald

"Theo nghiên cứu của chúng tôi, họ đã thường ăn bánh mì, cá, thịt, cùng nhiều loại trái cây, thảo mộc và gia vị. Hầu hết những thực phẩm này đều là sản phẩm bản địa, nhưng có một số thì phải nhập ở nước ngoài, chẳng hạn đinh hương (đến từ Indonesia) – cho thấy người Đan Mạch có lẽ đã tiếp cận với những sản vật của vùng Viễn Đông thông qua các công ty thương mại Hà Lan, vì Indonesia khi ấy là một thuộc địa của Hà Lan, và những thương nhân Hà Lan lại từng sinh sống ở Copenhagen những năm 1680" - nhà nghiên cứu cao cấp Mette Marie Hald, chuyên về khảo cổ học môi trường tại Bảo tàng Quốc gia Đan Mạch, nhận định. "Thật thú vị khi biết rằng chúng tôi đã là một mắt xích của mạng lưới giao dịch toàn cầu từ hơn 300 năm trước” - Hald nói.

Khi phân tích các mẫu vật, nhóm khảo cổ đã sử dụng cả kính hiển vi lẫn mắt thường (nếu vật thể còn sót lại đủ lớn) để tìm hiểu về chế độ ăn của người sống trong thời Phục Hưng. Và một điều chắc chắn, rằng những ai đã sử dụng nhà vệ sinh này đều có chế độ ăn uống khá lành mạnh và đa dạng. Những khảo cứu về xương động vật và hạt giống cho thấy họ đã ăn rất nhiều cá trích và bánh mì làm từ lúa mạch đen. Ngoài ra, họ có thể cũng đã ăn những loại cá khác như cá chình, cá tuyết và cá rô, bên cạnh rất nhiều trái cây và thảo dược, bao gồm táo, mâm xôi, anh đào, thì là và rau mùi.

Dấu vết sự tồn tại của thực vật trong khu vực nhà vệ sinh. Ảnh: Mette Marie Hald

Trong một email gửi Live Science, Hald viết: “Chúng tôi cũng tìm thấy dấu vết của một số loại trái cây như sung, nho khô và vỏ chanh – tới từ vùng Địa Trung Hải và thường được phơi khô để tránh bị hỏng trên đường vận chuyển lên phương Bắc.”

Bên cạnh chức năng nhà vệ sinh, nơi đây cũng được tận dụng như như một thùng rác để đổ đồ ăn thừa - điều này lý giải cho sự xuất hiện của xương gia súc. “Chúng tôi cũng tìm thấy những mẩu xương mèo, không có nghĩa là họ đã ăn thịt mèo, mà có lẽ ai đó đã ném xác một con mèo chết vào thùng sau khi quét sân” - Hald bổ sung.

“Mặc dù có chế độ ăn khá phong phú, nhưng dường như những người này đã không thường xuyên nấu thức ăn đủ chín. Kết quả nghiên cứu bằng kính hiển vi cho thấy sự hiện diện của một số loại ký sinh trùng bên trong nhà vệ sinh – chúng đến từ thức ăn chưa chín hoặc do người dùng đã không rửa tay trước khi ăn và làm truyền nhiễm qua thức ăn”. Tuy nhiên, hiện tượng này là khá phổ biến vào thời đó. Ngoài ra, liên quan đến ký sinh trùng, “nghiên cứu của chúng tôi cũng phát hiện thấy chế độ ăn của người Copenhagen trong giai đoạn 1680 thực sự là khá phức tạp” - Hald phát biểu.

Hải Đăng (Theo Live Science)

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/doc%20la/su-dung-thung-ruou-lam-nha-ve-sinh-thoi-phuc-hung/20180713123130835p879c939.htm