Sử dụng thuốc nhuộm tóc có an toàn?

Nhuộm tóc từ lâu đã trở nên thông dụng, phổ biến trong mọi lứa tuổi. Ngày càng có nhiều người sử dụng thuốc nhuộm tóc như một 'công cụ' để làm đẹp, để 'trẻ hóa' hay để thể hiện 'đẳng cấp'.

Tiến sĩ Shilpi Khetarpal, bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Cleveland cho biết: "Có rất nhiều tranh cãi xung quanh những nguy cơ sức khỏe mà thuốc nhuộm tóc có thể gây ra".

Vào nhiều thập kỷ trước, các sản phẩm nhuộm tóc cũ được phát hiện có chứa chất gây ung thư nhưng ngày nay, mối liên hệ giữa một số thành phần thuốc nhuộm và ung thư càng ngày càng khó xác định chính xác hơn.

Vào cuối những năm 1970, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, một số hóa chất trong thuốc nhuộm tóc, như 4-MMPD và 2,4-toluenediamine làm tăng nguy cơ ung thư ở động vật thí nghiệm. Vì vậy, các nhà sản xuất đã loại bỏ chúng khỏi sản phẩm của họ. Thế nhưng, hiện tại lại có rất ít bằng chứng về một mối liên kết giữa ung thư và thuốc nhuộm tóc.

Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ tiềm năng giữa việc sử dụng thuốc nhuộm tóc và ung thư bàng quang. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các nhà tạo mẫu nhuộm tóc cho khách hàng phải thường xuyên tiếp xúc với thuốc nhuộm tóc, và do đó có "nguy cơ ung thư bàng quang tuy không quá lớn nhưng rõ ràng là lớn hơn" so với công chúng nói chung, theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS).

Nghiên cứu chưa tìm thấy mối liên hệ nào mang tính khoa học giữa việc tự sử dụng thuốc nhuộm tóc cá nhân và ung thư bàng quang, theo một phân tích tổng hợp từ năm 2008 của 12 nghiên cứu trên tạp chí Cancer Causes & Control.

Các nghiên cứu điều tra về mối quan hệ giữa thuốc nhuộm tóc với ung thư vú và các loại ung thư liên quan đến máu có những kết quả hỗn hợp và không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy mối liên hệ. Không có đủ dữ liệu cho các loại ung thư khác, ACS báo cáo.

"Dựa trên nghiên cứu, chúng tôi thực sự không rõ việc sử dụng thuốc nhuộm tóc cá nhân có thể làm tăng nguy cơ ung thư đến mức nào. Hầu hết các nghiên cứu không tìm thấy một liên kết mạnh mẽ" – TS Shilpi Khetarpal cho biết.

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế, một bộ phận của Tổ chức Y tế Thế giới, vẫn chưa phân loại các thuốc nhuộm tóc có liên quan đến nguy cơ bị ung thư, cho rằng vẫn không có đủ bằng chứng để kết luận.

Một mối quan tâm y tế lớn khác về thuốc nhuộm tóc là một số người bị dị ứng với các thành phần nhuộm tóc. Hầu hết những người có phản ứng với thuốc nhuộm tóc đều dị ứng với chất hóa học paraphenylenediamine (PPD). Đó là một thành phần tương đối phổ biến trong nhiều loại thuốc nhuộm tóc màu tối.

Theo một nghiên cứu năm 2018 được đăng tải trên Annals of Dermatology, những người bị dị ứng với hóa chất này có thể bị ngứa, đỏ da, chàm và nổi mề đay. Khi sử dụng thuốc nhuộm tóc lần đầu tiên hoặc khi chuyển sang sử dụng một nhãn hiệu mới, trước tiên hãy thực hiện thử nghiệm áp da trước bằng cách nhúng một chút thuốc nhuộm ra sau tai và đợi 48 giờ để xem bạn có bị dị ứng không.

Nhuộm tóc cũng có thể gây kích ứng da nếu bôi không đúng cách. Vì vậy, đây là một số lời khuyên: Để bảo vệ bàn tay của bạn, luôn đeo găng tay trong khi bôi thuốc nhuộm tóc. Thuốc nhuộm vĩnh viễn có thể gây bỏng hóa chất trên da đầu nếu để quá lâu, vì vậy hãy sử dụng thuốc nhuộm tạm thời trong lần đầu tiên bạn nhuộm tóc tại nhà để thực hành kỹ thuật này.

Và quan trọng hơn là, đừng nhuộm lông mày vì chúng quá mỏng. Vì vậy nếu bạn muốn một màu chuẩn ý, tốt nhất là hãy đến thăm một thẩm mỹ viện. Mặt khác, không có sự khác biệt về an toàn giữa thuốc nhuộm đóng hộp và thuốc nhuộm tóc ở salon.

Theo Livescience

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/su-dung-thuoc-nhuom-toc-co-an-toan-20200715105848020.html