Sử dụng vốn đầu tư công - vẫn chưa theo nguyên tắc thị trường

Đó là ý kiến được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) do Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Phân bổ nguồn lực chủ yếu vẫn theo nguyên tắc hành chính

Có thể nói, sau hơn 3 năm triển khai (Luật Đầu tư công chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015), Luật đã khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư công. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số bất cập, vướng mắc như thủ tục hành chính còn phức tạp; nhiều điểm chưa thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai…

Cùng với đó, một số quy định về thẩm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương còn chưa rõ ràng, thủ tục hành chính phức tạp qua nhiều cấp, nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án, giao kế hoạch vốn nhiều lần... dẫn đến mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ dự án ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Văn Trung, hiện nay vấn đề phân bổ nguồn lực chủ yếu vẫn theo nguyên tắc hành chính thay vì nguyên tắc thị trường. Mặt khác, có một số quy định trong Luật tạo ra nhiều cách hiểu khiến việc thực hiện vẫn còn lúng túng, kể cả đối với Bộ KH&ĐT.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, tồn tại trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là việc chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Đầu tư công chưa được sự quan tâm đúng mức; một số cơ quan, đơn vị, địa phương chấp hành các quy định pháp luật về đầu tư công chưa nghiêm, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn không phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, nên phải điều chỉnh kế hoạch phân bổ, giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn…

Phải rõ khái niệm “đầu tư công” là gì?

Chính từ những bất cập trên, tại hội thảo, hầu hết ý kiến đều cho rằng, việc sửa đổi Luật Đầu tư công là cần thiết nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập hiện nay. Trong đó, Luật cần làm rõ thế nào là dự án, phải rõ khái niệm “đầu tư công” là các hoạt động của Nhà nước để tạo ra tài sản công (hữu hình và vô hình) mới. Luật cũng cần tăng cường phân cấp, gắn trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan trong khâu bảo đảm phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước. Về thanh toán, cần tiếp tục thực hiện chuyển tiếp bởi có nhiều dự án đầu tư công cần tới nhiều năm thực hiện…

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng cần phải nhìn nhận rõ ràng về những khó khăn, bất cập hiện nay không phải vấn đề nào cũng xuất phát từ hạn chế của luật mà còn từ khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy cần có đánh giá toàn diện để có hướng sửa đổi, bổ sung luật cho phù hợp. Với việc cơ quan soạn thảo đã xác 18 vấn đề chính sách được sửa đổi, bổ sung của Luật Đầu tư công lần này cần được làm khẩn trương, làm rõ mối quan hệ của Luật này với các luật khác xem vướng mắc ở đâu, sửa đổi như thế nào?...

“Những cái gì thuộc phạm vi làm luật, liên quan thẩm quyền, mối quan hệ với các luật khác, sử dụng ngân sách thì thuộc chức năng của Quốc hội, còn trình tự thủ tục đầu tư, quy trình kỹ thuật như thế nào đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo cố gắng hoàn chỉnh sớm, khi đưa ra không gây tranh luận quá nhiều về mặt kỹ thuật”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách lưu ý, đồng thời cho biết, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Hiện, Chính phủ đang trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để gửi Ủy ban Tài chính- Ngân sách thẩm tra theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kịp tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2018.

Trước đó, cuối tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về tiến độ xây dựng dự án Luật này. Liên quan đến vấn đề quyết định chủ trương đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu vừa quản lý chặt chẽ, vừa phân cấp, tăng cường hậu kiểm, bỏ thủ tục thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn vào bước quyết định chủ trương đầu tư. Với các dự án khẩn cấp nên quy định tiêu chí, phạm vi, thủ tục sử dụng vốn.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý phần chế tài, cần có quy định kiểm tra, thanh tra và xử lý sai phạm. Ông đề nghị Bộ KH&ĐT rà soát thủ tục phân cấp, quy định rõ thẩm quyền của các cấp; nghiên cứu có cơ chế riêng về thẩm quyền của HĐND, không nên để cơ chế ủy quyền.

Khánh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/su-dung-von-dau-tu-cong-van-chua-theo-nguyen-tac-thi-truong-410386.html