'Sứ giả chiến tranh' Tomahawk phiên bản mặt đất của Mỹ một lần nữa lại tái xung trận?

BGM-109G - phiên bản Tomahawk phóng từ mặt đất của Mỹ từng làm Liên Xô kinh sợ. Sau khi đạt được thỏa thuận cắt giảm vũ khí với Liên Xô, loại vũ khí này đã được rút ra khỏi biên chế năm 1991, tuy nhiên Mỹ có thể tái triển khai lại loại vũ khí này sau khi thỏa thuận hạt nhân với Nga sụp đổ.

BGM-109G - phiên bản Tomahawk phóng từ mặt đất của Mỹ từng làm Liên Xô kinh sợ, có thể sẽ tái được triển khai sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp ước cắt giảm tên lửa hạt nhân chiến lược tầm trung với Nga.

"Mỹ duy trì và tôn trọng thỏa thuận nhưng đáng tiếc là Nga không làm điều tương tự. Họ vi phạm hiệp ước này và chế tạo vũ khí mới suốt nhiều năm qua trong khi Washington không được phép làm vậy. Chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra, Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF)", Tổng thống Donald Trump ngày 20-10 tuyên bố.

Quyết định này được Trump đưa ra sau nhiều lần cáo buộc Moskva vi phạm hiệp ước INF khi phát triển tên lửa hành trình Novator 9M729.

Dù nhiều lần khẳng định 9M729 vi phạm hiệp ước INF, Mỹ gần như không công bố thông tin chi tiết và khả năng tác chiến của loại tên lửa này.

Truyền thông Mỹ cho biết Nga thử tên lửa 9M729 lần đầu vào năm 2008 tại bãi thử Kapustin Yar, vùng Astrakhan. Năm 2014, Nga hoàn tất các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước tên lửa 9M729 cùng các phiên bản cải tiến và phóng thành công một năm sau đó với khoảng cách xấp xỉ 500 km.

Tuy nhiên, truyền thông Nga chưa công bố bất cứ thông tin nào liên quan đến các vụ thử tên lửa 9M729.

Trong báo cáo công bố vào tháng 4-2017, Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc Nga trong năm 2016 tiếp tục vi phạm các cam kết của mình trong hiệp ước INF.

Mỹ cáo buộc Nga đã sản xuất và phóng thử tên lửa hành trình mặt đất với tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.

Trong trường hợp phá vỡ thỏa thuận với Nga, rất có thể Mỹ sẽ tái trang bị tên lửa Tomahawk phiên bản mặt đất.

Đây là loại tên lửa Mỹ buộc phải loại bỏ sau khi đạt được thỏa thuận với Liên Xô về cắt giảm tên lửa đạn đạo tầm trung.

Ít ai biết rằng, trong quá khứ Mỹ từng có một biến thể tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ mặt đất.

Trước đó người ta chỉ biết đến tên lửa hành trình Tomahawk được phát triển để phóng từ tàu chiến hoặc từ máy bay ném bom chiến lược.

Phiên bản tên lửa hành trình Tomahawk bắn từ mặt đất được định danh là BGM-109 Gryphon bắt đầu được phát triển từ những năm 1970 và được phóng thử nghiệm lần đầu tháng 5-1982.

Tới năm 1983, loại tên lửa này đã được triển khai tới châu Âu đặt ở 6 nước gồm Anh, Bỉ, Hà Lan, Đức và Italy, với mục đích phá hủy hệ thống tên lửa đạn đạo di động RSD-10 Pioner (SS-20 Saber) của Liên Xô.

Đạn tên lửa hành trình BGM-109 Gryphon dài 6,4m, đường kính thân 0,52m và trọng lượng khi phóng 1.470kg. N

goài đầu đạn thông thường nặng 176kg với thuốc nổ mạnh, tên lửa còn mang được đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa được lắp đầu đạn hạt nhân đơn khối W-84 vốn dựa trên bom hạt nhân B61, sử dụng hệ thống dẫn đường INS/TERCOM, được lắp trên hệ thống phóng TEL.

BGM-109 Gryphon sử dụng động cơ đẩy bằng nhiên liệu rắn MK 106, có tốc độ cận âm 880 km/h và phạm vi tác chiến 2.500km.

Mỗi hệ thống phóng tự hành có 4 ống phóng mang theo 4 quả tên lửa BGM-109 Gryphon.

Vào tháng 12-1987, Mỹ và Liên Xô cùng ký kết một Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Điều này buộc một số loại tên lửa đạn đạo tầm trung nguy hiểm của Mỹ buộc phải rút khỏi biên chế.

Tới năm 1991, các tên lửa BGM-109 Gryphon đã bị rút khỏi biên chế hoàn toàn trong quân đội Mỹ.

Tuy vậy tài liệu và những thứ liên quan đến việc sản xuất loại vũ khí này vẫn được Mỹ lưu trữ và có thể tái sử dụng trong trường hợp cần thiết.

Những biến động gần đây cho thấy có thể chính quyền Mỹ đang thúc đẩy các cuộc thảo luận về khả năng triển khai tên lửa trên đất liền ở châu Âu, đồng thời xem xét việc cải thiện kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Việc Mỹ tố Nga chỉ là bước đầu tiên để Mỹ tái triển khai một số hệ thống vũ khí bị ràng buộc bởi Hiệp ước INF, trong đó có hệ thống tên lửa Tomahawk phóng từ mặt đất.

Trong trường hợp BGM-109G Gryphon được tái triển khai tại châu Âu, thì Iskander-M - vũ khí chiến lược vốn là công cụ răn đe đối phương của Nga không còn ý nghĩa bởi tầm bắn của tên lửa Mỹ lên tới 2.500 km trong khi đó tầm bắn xa nhất của Iskander-M chỉ vỏn vẹn trên dưới 500km.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng việc Mỹ phá bỏ hiệp ước hạn chế tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung là không nhằm trực diện vào Nga mà là vào Trung Quốc, quốc gia đang dần trở thành đối thủ số một của Mỹ tại khu vực Châu Á, Thái Bình Dương.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-su-gia-chien-tranh-tomahawk-phien-ban-mat-dat-cua-my-mot-lan-nua-lai-tai-xung-tran/787232.antd