Sự giao thoa các tập tục, ngành nghề, văn hóa vùng miền trong đời sống cư dân Thái Bình (Bài 3)

Nhân kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890-21/3/2020), trân trọng giới thiệu Bài 3 có tính khảo cứu của Nhà nghiên cứu sử học Đặng Đình Hùng cách đây 5 năm về sự hình thành, phát triển của tỉnh đồng bằng Bắc Bộ này.

Một góc thành phố Thái Bình - tỉnh Thái Bình hôm nay. Nguồn: Internet.

1. Sự giao thoa văn hóa dẫn tới sự hình thành những vùng đất học ở Thái Bình:

Do sự di cư của nhiều dòng họ, nhiều người dân tới Thái Bình trong nhiều thời kỳ, nhiều năm khác nhau, trải qua hàng ngàn năm; đã tạo ra những con người Thái Bình yêu lao động, ham học hỏi, điều đó được thể hiện trên vùng đất này đã xuất hiện các vùng đất học. Người Thái Bình không chỉ có lao động cần cù, chịu khó làm ăn mà những người dân quê lúa còn rất ham học hỏi. Trong các dòng họ và những nhóm cư dân về đất Thái Bình sinh sống thì cũng có không ít người đã từng làm quan trong các triều đình phong kiến, chán cảnh quan trường, họ cáo lão về hưu, đưa gia đình con cháu đến vùng đất mới để sinh sống: như họ Đặng, họ Quách, họ Lưu, họ Đỗ, họ Bùi,…. Các dòng họ này đã mang theo truyền thống hiếu học của quê hương, của dòng họ mình tới vùng đất mới. Bên cạnh đó, thì chính sách đào tạo quan lại qua thi cử Nho học mau chóng mở mang hệ thống giáo dục quốc gia và tư gia. Trường học có khắp nơi, lớp trí thức bình dân xuất hiện. Thái Bình có thêm truyền thống hiếu học và đóng góp cho đất nước không ít nhân tài. Trong danh sách 2991 học vị tiến sĩ của 137 khoa thi suốt 847 năm Nho học, trấn Sơn Nam đứng sau Kinh Bắc và Hải Đông với 483 vị, Thái Bình chiếm 115 vị, đủ mặt trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa.

Xuất hiện những “đất học” như An Bài, An Mỹ, Song Lãng, mỗi nơi có từ 5 đến 10 ông nghè! Như họ Đỗ ở Phụ Dực, họ Phạm ở Hưng Nhân, họ Lê ở Duyên Hà, họ Quách ở Thái Ninh, họ Bùi ở Đông Quan có tiếng nhiều con em hiển đạt. Họ làm thành những trung tâm văn hóa thời trung đại. Cụ Quách tham gia biên soạn “Thiên Nam dư hạ tập” 100 cuốn khảo cứu nhiều mặt nước Đại Việt. Cụ có “Châu Khê thi tập” truyền tụng đến giờ. Phạm Đôn Lễ, con một bà hàng nước ở bến Triều Dương đỗ đầu ba khoa, nhân đi sứ học được kỹ thuật dệt chiếu cuộn truyền lại cho dân làng, khiến quê cụ nổi danh chiếu Hới và Hải ấp nay mang tên xã Phạm Lễ. Nguyễn Tông Quai, con một người coi chùa, đậu Hội nguyên, nhiều lần dẫn đầu sứ bộ sang Tàu, ứng đối khiến người Hoa phải nể, có “Sử Hoa tùng vịnh” lưu truyền. Lê Quý Đôn, nhà trí thức cựu học lớn nhất Thái Bình cũng là nhà bác học lớn nhất thời trung đại của dân tộc, người đã trước tác hàng loạt pho sách đồ sộ bao quát nhiều lĩnh vực hiểu biết, từ chính trị, triết học đến văn hóa, địa lý, lịch sử ngôn ngữ đạo đức… ngày nay còn hết sức bổ ích. Cũng có thể kể thêm: Phạm Thế Hiển, người cộng sự xuất sắc của Nguyễn Tri Phương tổ chức cuộc phòng thủ chống Pháp ở Đà Năng và Gia Định những năm 1858 - 1861. Bùi Viện, nhà khẩn hoang, nhà duy tân tiên phong đầu tiên đồng thời với Nguyễn Trường Tộ, người Việt đầu tiên vượt Thái Bình Dương đến gặp Tổng thống Hoa Kỳ đặng tìm một con đường cải cách quốc gia.

Đó là những gương mặt tiêu biểu của trí thức Thái Bình qua nhiều thế kỷ, ảnh hưởng không nhỏ đến truyền thống, tinh thần địa phương về đức hiếu học và sự thực học.

2. Sự giao thoa văn hóa, tập tục, lễ nghi trong đời sống sinh hoạt, trong các làng nghề … ở các vùng miền trên đất Thái Bình

Căn cứ vào Gia phả các dòng họ từ nhiều nơi di cư về Thái Bình như họ Trần, họ Tạ, họ Nguyễn, họ Phạm, họ Tô, họ Đặng, họ Lê, họ Đinh… và nhiều dòng họ khác ở các huyện, xã trong tỉnh; đồng thời qua quan sát, tìm hiểu các phong tục, lối sống sinh hoạt tập quán của các cư dân ở các làng xã trong tỉnh, chúng ta có thể thấy rõ những nét đặc trưng văn hóa riêng của từng làng quê, của từng vùng miền trong các huyện, Thành phố của tỉnh Thái Bình. Đó là sự hòa nhập đan xen về văn hóa sống, về lối sống, về cách ăn mặc mà không phải một sớm một chiều dễ dàng nhận ra được.

+ Tập tục sinh hoạt trong cuộc sống, trong ma chay, cưới xin, thanh minh, tảo mộ: Nếu như đến những gia đình mà tổ tiên họ từ xa xưa là những cư dân ở vùng Đồng bằng di cư tới Thái Bình thì chỉ cần nhìn cách họ đánh đống rơm, đống rạ rồi vỗ cho phẳng, sau đó được xếp đặt rất cẩn thận rạ rơm xếp theo hình tròn, trên có chóp mái làm phẳng phiu là chúng ta có thể nhận ngay ra dòng họ này có nguồn gốc xa xưa từ vùng đồng bằng di cư tới. Ngược lại, nếu là những cư dân có nguồn gốc ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh thì trước khi đánh đống rơm, rạ họ thường chôn một cây cọc ở giữa (gọi là cây rạ, cây rơm); sau đó mới xếp các ngọn, gốc rạ cho đều rồi xếp xây xung quanh cây cột, các cây rơm, rạ này thường thấy ở các xã ven biển Thái Thụy, Tiền Hải và một số xã thuộc Kiến Xương, Đông Hưng. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập cộng đồng ở vùng đất mới không phải tất cả những gia đình có nguồn gốc ở miền Trung hay ở miền đồng bằng đều làm như vậy; mà một khi nhận thấy đâu là cách làm hay, đẹp thì họ sẵn sàng học theo nhau.

+ Trong dịp lễ tết vào ngày đông chí hoặc sau đông chí (từ ngày 18 - 21 âm lịch) những người dân ở khu vực Tiền Hải, Thái Thụy thường có nhiều xã tổ chức chạp họ, đi đắp mộ tổ tiên, tổ chức tế tổ… việc này thường gặp hằng năm ở các xã Tây Giang, Vũ Lăng và một số xã ở Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương… Trong khi đó thì nhiều nơi trong tỉnh lại thường tổ chức thanh minh cúng tổ tiên, chạp mộ vào dịp tháng 3 âm lịch. Phải chăng đó là dư ảnh của sự ảnh hưởng văn hóa Hán qua hàng ngàn năm Bắc thuộc. Có thể nói, văn hóa sinh hoạt trong đời sống của các làng, xã trong tỉnh Thái Bình rất đa dạng và sinh động. Cùng một xã, một làng nhưng ở thôn A có tục lệ riêng, thôn B lại có tục lệ khác… điều đó góp phần chứng minh rõ ràng phong tục tập quán khác nhau của từng làng, xã trong tỉnh. Có một số địa phương vẫn còn giữ những phong tục lạ: Hiện nay tại một số xã ở Hưng Hà khi nhà có tang bố hoặc mẹ… khi đưa quan tài ra khỏi nhà thì trước đó tất cả con gái, con dâu trong gia đình đều phải nằm sấp từ sân ra tới sát ngõ để những người khênh quan tài người chết đi qua thân thể những người đang nằm sấp trên sân hoặc có nơi còn có phong tục khi khênh quan tài ra khỏi cửa thì những người con gái, con dâu trong gia đình phải chui dưới gầm quan tài. Phải chăng, đó cũng là thể hiện tập tục báo hiếu bố mẹ còn được lưu lại từ xa xưa.

Thông thường khi hạ huyệt người chết, ở nhiều địa phương con cháu, họ hàng và dân làng cùng đắp mộ cho người đã khuất sau đó mới về làng; nhưng cũng có những làng xã thì con cháu không tham gia đắp mộ mà sau khi hạ huyệt xong, họ trở về làng chia nhau đứng ở các ngã ba, ngã tư các ngõ để mời người đi đưa tang về gia đình uống rượu chia buồn cùng tang chủ; còn việc đắp mộ thì lại khoán cho làng nước. Hiện nay ở một số xã tại huyện Đông Hưng vẫn còn tập tục này.

+ Ăn cỗ chia phần: Việc này thường thấy ở một số xã huyện Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư, Thái Thụy… đó là khi mời khách tới dự cỗ, chủ nhà thường để sẵn các túi ni lon trên mâm cỗ. Người dự cỗ chỉ ăn các bát nấu (có nước ) còn các đồ ăn khô: giò, chả, thịt, cá, xôi… thì chia nhau đem về cho người ở nhà. Họ quan niệm ăn cỗ là phải mang phần về cho người thân (những người không được mời đến dự tiệc) ; người đến dự tiệc chỉ là người đại diện cho gia đình; mang phần về là tất cả các thành viên trong gia đình đều được dự cỗ. Việc ăn cỗ chia phần hiện nay vẫn còn phổ biến ở một số tỉnh, một số huyện miền Trung Thanh Nghệ Tĩnh. Đặc biệt có một số xã ở Kiến Xương, Tiền Hải khi tiếp khách dùng cơm tại nhà thì chỉ có đàn ông trong nhà mới được ngồi cùng mâm với khách; vợ và con gái phải ăn ở nhà dưới hoặc ngồi ở mâm dưới. Đó cũng là di ảnh một thời của hiện tượng trọng nam khinh nữ còn tồn tại trong xã hội.

+ Tục thờ Thành hoàng: Đa phần các xã trong tỉnh đều có đình, đền hoặc chùa. Thành hoàng được thờ ở đình; qua thực tế tìm hiểu có những vị thành hoàng được nhiều địa phương trong cả nước cùng thờ. Ví như hiện nay trong tỉnh Thái Bình có tới trên 70 nơi thờ Đông hải đại vương Đoàn Thượng. Vị nhân thần này còn được thờ ở hàng trăm nơi trên đất Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định… Văn bia Đình Vũ xã Tây Sơn (Tiền Hải) ghi rõ: Khi chuyển tới nơi ở mới dân làng đã rước 4 vị thần hoàng ở quê cũ về đây để thờ cúng. Thậm chí có những làng chài (Thủy Cơ) họ xuất xứ ở vùng đất Hải Dương hoặc ở các vùng quê khác trong nước; khi về sinh sống tại các vùng sông nước, các làng xã ven sông, ven biển ở Thái Bình, họ xây đình, đền để thờ danh tướng Yết Kiêu thời Trần. Ông được tôn làm thành hoàng của nhiều làng Thủy Cơ trước đây. Hiện ở Thái Bình đình làng Bồng Tiên (Vũ Tiến), đình làng An Giang - xã An Bài (Quỳnh Phụ) và nhiều nơi đang thờ Ông. Đó là những nét văn hóa độc đáo được hòa nhập, đan xen trong cuộc sống của những cư dân khi di chuyển về vùng đất mới, họ thường đem theo chân hương, thậm chí cả bát hương, bài vị của vị thành hoàng quê cũ đem về quê mới. Có những lễ hội vẫn thể hiện rõ cảnh lễ hội mang tính chất lễ phồn thực, ảnh hưởng của văn hóa cổ xưa và văn hóa người Việt ở miền Trung. Tiêu biểu là lễ hội Ông Đùng - Bà Đà ở quê biển Thụy Xuân - Thái Thụy. Nơi đây hiện có đền thờ bà Chúa Muối. Lễ hội thường được tổ chức vào ngày 14/4 âm lịch. Trong lễ hội người ta tổ chức lễ tế Ông Đùng - Bà Đà - một lễ hội mang tính phồn thực để cầu mong sinh con, đẻ cái, làm ăn trong năm mới gặp nhiều may mắn.

+ Tục đồng tuế (Ra Lão, Lên Lão): Là phong tục hiện được lưu truyền ở một số xã trong tỉnh. Đó là những người cùng tuổi với nhau, hàng năm tổ chức gặp nhau một lần vào dịp đầu năm, rồi đến tế lễ ở đền, đình, chùa, sau đó về nhà một người nào đó trong hội cùng liên hoan, mừng tuổi mừng năm mới. Trước đây, tục lệ này thường được gọi là lệ Ra lão, Lên lão hoặc khao lão. Thông thường thì ở tuổi 55 là ra lão, 60 tuổi mới lên lão. Thời phong kiến thì những người đến tuổi ra lão, lên lão thường được làng tổ chức khao lão ở đình vào dịp đầu xuân mới. Vào ngày đó dù là những người nông dân cùng đinh cũng được Chánh tổng, lý trưởng mời rượu ở đình làng và cung kính gọi là lão. Nhưng hiện nay ở một số địa phương trong tỉnh thì việc lên lão vẫn còn lưu lại những nét hủ tục, gây những phiền toái không nhỏ cho kinh tế của những người đến tuổi ra lão, lên lão. Tập tục ở làng Riệc(Diệc) (xã Tân Hòa - Hưng Hà), khi những người đến tuổi ra lão, lên lão có những nét về tập tục khác hẳn với các làng khác. Vào dịp đầu xuân hàng năm, các “cụ” ra lão, lên lão trong năm mới thì phải biện lễ mặn mang ra đình làng để đãi các cụ lão năm trước. Số mâm cỗ mà mỗi cụ ra lão, lên lão phải mang ra đình còn tùy thuộc vào số các cụ lên lão trong năm đó. Có những năm mỗi cụ đến tuổi ra lão, lên lão, phải chuẩn bị từ 1 - 3 mâm, thậm chí là 4 - 5 mâm cỗ để mang ra đình khao lão. Ai không có cỗ đãi làng thì không được gọi là lão mà người ta gọi là “thằng”,hoặc gọi trêu chọc là "CU LÃO"... - đây là điều khó có thể chấp nhận, nhưng nó lại được ngụy trang bằng từ : “tục lệ” của làng vốn thế; nhập gia tùy tục… Đây vẫn là sự ảnh hưởng của lệ chè chén xa xưa còn rơi rớt lại. Ngày nay việc phân biệt đối xử với những người không đủ điều kiện làm "lễ lên Lão" ở làng Diệc (xã Tân Hòa)...đã bị xóa bỏ.

Cũng là phong tục Đồng Tuế (ra lão, lên lão) thì ở làng Kỳ Hội (Đông Hưng) và một số làng khác trong tỉnh - những người đến tuổi ra lão, lên lão chỉ làm mâm cơm cúng tổ tiên tại gia đình vào dịp đầu xuân và đón con cháu họ hàng đến mừng, thưởng thức trà, bánh chứ không tổ chức rượu chè linh đình như trước.

+ Các nghề được hình thành trên vùng đất Thái Bình:

Ở Thái Bình có rất nhiều nghề đã và đang tồn tại; ở đây chúng tôi chỉ nêu một số nghề tiêu biểu mà theo cách khảo cứu thì đó là những nghề truyền thống được dân di cư mang từ vùng quê cũ đến vùng đất mới Thái Bình để sinh sống hành nghề.

- Nghề đi biển: Là nghề chủ yếu do những người dân ở vùng biển Thanh Nghệ Tĩnh di cư ra vùng biển Thái Bình, họ sống với nghề chài lưới và truyền dạy kinh nghiệm đánh bắt cá, đón luồng cá di chuyển, ngày con nước lên xuống, làm mắm tép, mắm ruốc… cho những người ở các nơi khác di cư đến cùng sinh sống trong một làng, xã. Một điều rất dễ nhận thấy ở trong những làn điệu hò của người dân chài Thái Bình chúng ta sẽ cảm nhận được di ảnh âm điệu của làn điệu hò vùng Thanh Nghệ Tĩnh xưa. Đó là sự giao thoa văn hóa tương đối rõ nét của người dân chài Thái Bình với quê hương xa xưa của mình. Ngay cả ở kỹ thuật làm mắm chắt, mắm cá, mắm tép… cũng rất giống với cách làm mắm hiện nay của người ở vùng Hoan - Diễn xưa.

Hiện ở một làng làm nghề đánh cá thì có những hộ ra khơi đánh bắt cá ngoài biển, nhưng ngược lại có những hộ chuyên đánh bắt cá trên sông, trong nội đồng, nội tỉnh. Đó là làng chài thuộc xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương. Những cư dân ở làng này di cư tới đây trên dưới 100 năm. Họ vốn là những người dân sống ở vùng biển Hải Hậu, Giao Thủy (Nam Định) sang định cư ở vùng đất này và luôn sống ở dưới thuyền ít khi chịu lên định cư sống ở trên bờ. Vào những năm đầu của thế kỷ 21 tới nay đã có gần 50% số dân của làng chài Hồng Tiến lên bờ định cư.

Nghề đan lưới, đan vó ở Thụy Hồng, Thái Thụy và một số xã trong các huyện Tiền Hải, Kiến Xương cũng giống với cách đan lưới, đan vó của một số làng biển Nghệ An, Thanh Hóa. Rõ ràng, nó là bức thông điệp di truyền về nghề nghiêp của những người di cư đem nghề về vùng đất mới.

+ Nghề dệt vải: Nghề này trước đây phát triển mạnh ở các làng: Gòi, Phong Lôi, Nguyên Xá, làng Đọ… (Đông Hưng), làng Bơn, làng Phương La, làng Đìa… (Hưng Hà); các xã Nam Cao, Lê Lợi (Kiến Xương)… Đặc biệt ở Nguyên Xá còn có nghề làm bánh cáy, làm kẹo lạc. Qua tìm hiểu có một số người cho rằng những nghề này được bà Nguyễn Thị Tần (vú nuôi của vua Lê Chiêu Thống) mang từ Ninh Bình ra truyền dạy cho dân làng.

Ngay cả nghề dệt vải, dệt tơ lụa trước đây ở làng Đìa (Hồng An), các xã Minh Tân, Phương La (Hưng Hà) thì nghề này ít nhiều có ảnh hưởng từ nghề dệt của người Chiêm Thành. Vào triều vua Lê Thánh Tông, sau khi chiến thắng quân Chiêm, nhà vua đã đưa về vùng đất Đống Cương (nay thuộc thôn Đà (Đìa) xã Hồng An) một số hộ dân Chiêm Thành. Những người dân Chiêm về vùng đất mới đã mang theo nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải. Trong một lần khảo sát thực tế về nghề dệt ở các xã Minh Tân, Hồng An, Thái Phương, chúng tôi đã gặp cụ Lê Xuân Yến 75 tuổi (vốn gốc người làng Mai Xá (huyện Lý Nhân - Hà Nam); ngay từ khi còn nhỏ tuổi, ông đã theo mẹ di cư sang đất làng Then - xã Thái Phương - ông học nghề thợ mộc từ tuổi thiếu niên và sống với nghề đóng khung cửi dệt vải, cho đến tận ngày nay. Theo cụ Yến cho biết loại khung cửi con phượng (con cò - cổ ngỗng) - cổ xưa ở làng Phương La có nhiều cấu tạo giống với khung cửi của làng Mai Xá (Hà Nam) và cũng giống với khung cửi của cư dân ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Rõ ràng trong sự phát triển chung của nghề thủ công xưa, trải qua các triều đại phong kiến thì nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng người Việt xưa. Khi di cư đến vùng đất mới, họ thường mang theo nghề của Tổ tiên ở quê hương cũ. Trước cách mạng tháng 8 - 1945, toàn tỉnh Thái Bình có khoảng 218 làng sống với nghề trồng dâu và khoảng trên 40 làng làm nghề kéo tơ, dệt lụa, vải, đũi.

+ Nghề dệt chiếu: Nghề dệt chiếu ở An Bài, An Vũ cũng phát triển mạnh mẽ (bên cạnh nghề chiếu của làng Hới) - qua tìm hiểu thì ở đây có những dòng họ Vũ, Đỗ, Nguyễn, Phạm… di cư đến làm ăn sinh sống hàng dăm bẩy trăm năm về trước và đã mang theo nghề về vùng đất mới để làm ăn, sinh sống.

Các nghề làm trống… ở Đông Phong (Đông Hưng); đúc đồng, chạm bạc ở Hồng Thái, Lê Lợi cũng có nguồn gốc xuất sứ từ Thanh Hóa, Nam Định theo người dân di cư tới vùng đất này.

Đặc biệt, hiện nay ở một số làng xã trong tỉnh còn lưu giữ tục cúng cơm mới, tục làm lễ hạ điền vào tháng 5, và thượng điền vào tháng 7. Tục lệ này còn lưu truyền ở các xã Thái Phúc, Thái Giang, Thái Sơn (Thái Thụy) và một số xã ở huyện Tiền Hải. Đặc biệt, ở làng Lộc Thọ, xã Độc Lập còn lưu truyền tục lệ lễ Thần Nông (hay còn gọi là tục té nước Thần Nông). Tục lệ này tương truyền là do những người dân ở Hoa Lư - Ninh Bình theo mẹ con vua Đinh về với xứ quân Trần Lãm rồi tới vùng đất này xây đồn, lập ấp; quá trình hòa nhập cuộc sống với dân sở tại, họ đã truyền lại tục lệ này và được lưu truyền tới ngày nay. Lễ hội tế Thần Nông thường được tổ chức vào ngày 10/5 hàng năm ở làng Lộc Thọ. Sau khi làm lễ ở Đình (nơi thờ các vị tướng họ Đinh), vị thủ nhang mặc quần lương, khăn xếp, cầm cành nêu bằng tre (dài 5cm) và một bó mạ rồi mang ra cánh đồng đầu làng. Sau khi đã cắm cành nêu ở giữa ruộng, vị thủ nhang này mang mạ xuống ruộng cấy (ruộng đã được cày, bừa và tát nước từ trước). Quan viên hàng huyện, hàng tổng, xã cùng xuống ruộng té nước vào người cấy; coi đó là vị Thần Nông. Càng té được nhiều nước vào người cấy thì càng tốt. Thông thường sau ngày làm lễ Thần Nông, người dân trong vùng mới được cấy lúa vụ mùa.

Ở làng La Vân, Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) hàng năm có lễ hội “trình nghề” được tổ chức vào ngày mùng 4 tết âm lịch với những hình thức diễn xướng dân gian độc đáo như một bức tranh thu nhỏ phản ánh xã hội xưa với trò tứ dân: “Sĩ - Nông - Công - Thương (cổ)” trong ngày hội làng.

Cũng liên quan đến tập tục té nước thì hiện tại ở xã Vũ Phúc (Thành phố Thái Bình) - xã này có dòng họ Trịnh và một số dòng họ khác di cư từ Thanh Hóa ra sinh sống khoảng đầu thời Lê Trung Hưng. Ở đây vẫn tồn tại tục lệ múc nước đổ đầy vào chum, bể và té nước ra sân, té nước mừng người đến xông nhà vào đêm giao thừa, đầu năm mới.

Một điều rất đặc biệt, là khi tham khảo các hương ước của các làng trong tỉnh Thái Bình, chúng ta đều thấy có mục ghi cụ thể về việc khuyến khích, động viên cấp tiền cho những con em nhà nghèo chịu khó học tập. Đó là nét văn hóa đẹp, đến nay vẫn được duy trì thông qua các hội khuyến học của các địa phương trong tỉnh.

Một trong những sự giao thoa văn hóa rất sinh động trong đời sống cư dân Thái Bình, đó là việc họp chợ. Chợ thường được tổ chức ở các xã ven đường, gần ngã ba, ngã tư, hoặc nơi tập trung đông dân trong vùng, trong xã, trong tỉnh; nơi thuận tiện đường giao thông thủy bộ. Chợ có chợ Phủ, chợ huyện, chợ làng (xã)…những chợ họp theo tháng, theo phiên; có chợ ngày nào cũng họp. Lại có những chợ cả năm chỉ họp một lần ví như chợ làng Gòi (xã Đông Hợp) - họp vào ngày mùng 2 tết; xã Hòa Bình (Vũ Thư) có phiên chợ cũng họp vào ngày mùng 2 tết. Đặc biệt ở Đồng Đại (Vũ Thư) trước đây có phiên chợ Tiên (họp vào rạng sáng ngày mùng 7 tết âm lịch). Chợ là nơi giao lưu hàng hóa, sản phẩm lao động của những cư dân ở vùng đất nông nghiệp. Người ta bán đủ các mặt hàng từ nông sản, thực phẩm, cây giống... đến con giống vật nuôi, cày cuốc.

Không chỉ có việc đem theo nghề nông, nghề đi biển, nghề dệt, nghề đan nát… về quê mới mà trong đời sống cộng đồng của cư dân nông nghiệp Thái Bình còn có những di ảnh về phong tục, tập quán bao đời của những cư dân cổ ở vùng núi, vùng trung du, đồng bằng về vùng biển sinh sống. Đó là, hiện tại ở hầu hết các xã trong tỉnh Thái Bình ngày nay có rất nhiều nơi trồng trầu, trồng cau… phong tục nhuộm răng, ăn trầu trước cách mạng tháng 8 rất phổ biến ở Thái Bình… “Miếng trầu là đầu câu chuyện”; từ việc làng hội họp ở đình đến việc lễ hội ở đền chùa cũng dùng trầu cau. Ngày dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ cưới cho đôi vợ chồng trẻ không thể thiếu vắng trầu cau. Đó là một tập tục đẹp, truyền thống của người dân Việt từ xa xưa vẫn còn được lưu truyền trong đời sống cộng đồng cư dân Thái Bình.

Trong những ngày nông nhàn vào những dịp lễ hội, các trò chơi, các làn điệu chèo, múa rối được tổ chức đã hấp dẫn không chỉ dân làng mà còn nức lòng du khách gần xa. Đêm đêm ở các làng xã các chiếu chèo được diễn ra ở sân đình, sân đền, sân chùa. Trước cách mạng tháng 8, Thái Bình có hàng chục chiếu chèo nổi tiếng ở các tổng, huyện trong tỉnh. Chiếu chèo làng Khuốc, chiếu chèo làng Hà Xá, chiếu chèo Sáo Đền… với những vai hề mồi, hề say… đã cuốn hút người thiên hạ tới xem.

Cần phải nói tới nghệ thuật múa rối nước, múa rối cạn; nó thể hiện đặc trưng của các cư dân vùng đất trồng lúa nước, nơi bốn bề sông nước bao quanh. Trước cách mạng tháng 8, ở Thái Bình có 12 phường rối nước, 2 làng có múa rối cạn. Nhưng nay chỉ còn phường rối nước ở Nguyên Xá và phường rối nước ở Đông Các (Đông Hưng).

Văn hóa dân gian, ca dao tục ngữ, những làn điệu chèo, các điệu hò ven sông nước, truyện cười, truyện cổ tích, thơ ca… được nảy sinh từ cuộc sống lao động của người dân, nó phát huy sức mạnh của nhân dân trong đời sống văn hóa tinh thần trên các làng quê Thái Bình.

Một lịch sử 21 thế kỷ lấn đất, lấn biển, liên tục chống chọi với thiên tai địch họa. Một cộng đồng từ nhiều miền Giao Chỉ, Cửu Chân hội tụ, đồng thời cũng xẻ đi Tây Bắc, Tây Nguyên hàng nửa triệu con em giỏi làm nông nghiệp. Một vùng đất đã cống hiến cho hai cuộc kháng chiến của dân tộc “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Thái Bình là thế đó: Cần cù, bền bỉ, đậm đà tình làng nghĩa nước. ...

Thái Bình là thế đó: Không phải địa bàn khai thiên lập quốc; không phải trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quốc gia, nhưng luôn hòa nhịp đập với cả nước và cũng có những danh nhân được cả nước tự hào. Và trong đời sống hàng ngày của nhịp sống đương đại, sự giao thoa văn hóa của các vùng miền từ bao đời nay đã hòa nhịp trong đời sống của người dân Thái Bình; thật khó mà phân biệt trong người dân Thái Bình ai là người có nguồn gốc từ vùng núi, vùng trung du, ven biển di cư tới... Bởi tất cả đã hòa là một, đó là những công dân đã và đang sống tại quê hương hoặc ở những vùng quê khác trong cả nước, góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Họ luôn tự hào với truyền thống anh hùng bất khuất của quê hương, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay; với một niềm tin không bao giờ phai: MÌNH LÀ NGƯỜI THÁI BÌNH.

Nhà nghiên cứu Đặng Đình Hùng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/su-giao-thoa-cac-tap-tuc-nganh-nghe-van-hoa-vung-mien-trong-doi-song-cu-dan-thai-binh-bai-3-75369