Sự hồi sinh diệu kỳ của thôn đảo Trí Nguyên

Thôn đảo Trí Nguyên (thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) gồm nhiều hòn đảo nhỏ, hiện có hàng nghìn hộ dân sinh sống. Vùng biển thôn đảo Trí Nguyên có nhiều loại hải sản như: Mực, tôm hùm, cá lồng bè tươi ngon. Cơn bão số 12 cuối năm 2017 đã làm hàng trăm ngôi nhà trên đảo bị sập. Hàng chục tàu, bè bị nhấn chìm. Người dân thôn đảo nuôi hải sản gần như trắng tay. Tuy nhiên, hơn nửa năm sau, những 'vết thương' do cơn bão gây nên đang liền da, một sự hồi sinh kỳ diệu với thôn đảo tươi đẹp này.

Thôn đảo Trí Nguyên yên bình sau bão. Ảnh: XH

Thôn đảo Trí Nguyên yên bình sau bão. Ảnh: XH

Trở lại thôn đảo Trí Nguyên sau hơn nửa năm cơn bão số 12 đi qua, chúng tôi ngỡ ngàng với sự thay da đổi thịt của mảnh đất nơi đây.

Cây cối xanh mát, thuyền ghe tấp nập, nụ cười rạng rỡ của người dân trên đảo hiển hiện khắp nơi. Đảo Trí Nguyên vào tháng năm bầu trời xanh, những con sóng biếc xô bờ tạo nên một bức tranh đẹp nao lòng. Rẽ vào đảo Vũng Ngán - Hòn Đảo (thuộc thôn đảo Trí Nguyên) bị thiệt hại nặng nhất do bão số 12, bà con ngư dân đang tất bật vá lưới để chuẩn bị cho một chuyến đánh bắt xa bờ. Tiếng cười nói, hòa với tiếng sóng biển thể hiện một cuộc sống vui tươi tràn đầy niền tin.

Chị Nguyễn Thị Nhỏ, nhà ở tổ 1, đảo Vũng Ngán cho biết: “Sau cơn bão số 12, người dân chúng tôi gặp nhiều khó khăn lắm, điện bị cắt, nhiều nhà bị sập, trường trạm bị hư hại nặng, tôm, cá, lồng bè nuôi bị mất trắng. Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cùng sự nỗ lực của nhân dân... đến nay thôn đảo đã trở lại bình thường. Đời sống người dân đều rất tốt, vui vẻ, no ấm và tràn đầy niềm vui”.

Không chỉ những ngư dân, nông dân trên đảo, nhiều công nhân gắn bó với đảo Trí Nguyên như anh Võ Kim Ban, công nhân ngành Điện chia sẻ: “Dù cuộc sống trên đảo có khó khăn hơn ở đất liền nhưng những người công nhân như chúng tôi vẫn luôn cố gắng khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Hàng ngày được gắn bó với đảo, góp một phần công sức nhỏ làm thay đổi cuộc sống người dân là niềm vui lớn của chúng tôi”.

Lớp học tại đảo Vũng Ngán. Ảnh: XH

Rời Vũng Ngán, chúng tôi đến đảo Bích Đầm (một hòn đảo khác trên thôn đảo Trí Nguyên). Toàn bộ đảo Bích Đầm được ôm trọn bởi vịnh nước xanh biếc. Trên đảo những cây bàng xum xuê che mát con đường vào xóm. Tàu bè nối đuôi nhau ra vào tấp nập. Đảo Bích Đầm có diện tích lớn hơn 10ha, với hơn 260 hộ dân đang sinh sống. Trên đảo ngoài nuôi tôm, đánh bắt cá người dân còn trồng rau xanh để cải thiện cuộc sống.

Anh Bùi Văn Nhớ, vừa chăm sóc vườn rau xanh đủ loại (xà lách, cải xanh, mồng tơi, bạc hà, rau muống) vừa nói: “Vườn rau sạch 100% đấy, rau xanh trên đảo khan hiếm, mua từ đất liền mang ra thì vừa đắt lại không đảm bảo an toàn, rất nhiều hộ dân đã chọn cách tự trồng rau sạch”. Theo anh Nhớ, chăm sóc vườn rau hàng ngày vừa có rau cải thiện, vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Vườn rau xanh của công nhân trên đảo Bích Đầm. Ảnh: XH

Bà Võ Thị Lệ Chua, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên cho biết: “Mỗi lần trở lại thôn đảo Trí Nguyên lại thêm một lần chúng tôi chứng kiến sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của người dân trên đảo. Những hộ dân đã ngày ngày chung tay sát cánh cùng chính quyền địa phương lao động, sản xuất vượt qua những khó khăn, đặc biệt là những khó khăn sau bão 12. Thôn đảo Trí Nguyên được như hôm nay, biết bao công sức của những người dân trên đảo gây dựng, xây đắp. Sau hơn 6 tháng khắc phục, hiện nay vết tích của bão 12 không còn tồn tại trên thôn đảo nữa”.

Chia tay thôn Trí Nguyên khi phố đã lên đèn, thôn đảo yên bình như chưa từng xảy ra trận bão lịch sử. Tất cả đã trở lại bình thường, cuộc sống của người dân trên đảo đang hồi sinh mạnh mẽ. Lần sau khi trở về thăm thôn đảo, chúng tôi hy vọng sẽ chứng kiến sự đổi thay diệu kỳ, to lớn của bà con nơi đây.

Xuân Hướng

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/su-hoi-sinh-dieu-ky-cua-thon-dao-tri-nguyen_t114c1159n134529