Sự im lặng hoang mang

1. Liên tiếp những câu chuyện phi giáo dục xảy ra trong môi trường giáo dục thời gian qua, nó khiến cho niềm tin của xã hội vào nghề và hình ảnh người thầy bị ảnh hưởng lớn.

Một quốc gia mà không giữ gìn được giáo dục thì rất khó có cơ hội cho những hy vọng, cho tương lai.

“Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” điều mà ai cũng hiểu cả, cũng biết và cũng đồng tình cả.

Không bi quan đến mức xem những câu chuyện tiêu cực xảy ra vừa qua là tiêu biểu, là bộ mặt của nền giáo dục hiện tại. Nhưng đó là những triệu chứng rõ ràng của một nền giáo dục không lành mạnh.

Phụ huynh bắt cô giáo quỳ vì con mình bị cô bắt quỳ trước đó; học trò, phụ huynh hành hung thầy cô giáo; cô giáo bắt trò uống nước giặt giẻ lau bảng; cô giáo im lặng suốt 3 tháng trên bục giảng;…

Không khó để chúng ta lý giải về những câu chuyện xảy ra vừa qua trong ngành giáo dục bởi dễ thấy nó xuất phát từ những bất ổn trong mối quan hệ giữa thầy - trò, gia đình - nhà trường.

Phụ huynh nào cũng có niềm tin rằng con mình đến trường sẽ được học hành tử tế và trở thành người tốt. Cho nên, có người đã không thể giữ bình tĩnh khi con mình bị bắt quỳ, bị phạt đánh. Nhưng dù là mất bình tĩnh thì trường hợp của người đàn ông ở Long An cũng là bất trí khi bắt giáo viên quỳ.

Bạo lực trong giáo dục là điều không thể chấp nhận dù bất cứ lý do gì. Nhưng đâu đó vẫn có những thầy cô hành hạ học trò của mình bằng đòn roi, bằng quỳ gối,… thậm chí là bắt uống nước giặt giẻ lau.

Minh họa: Lê Phương.

Nhiều người đã bàng hoàng không hiểu vì sao lại có giáo viên vô nhân tính với học trò nhỏ của mình đến như thế?! Phải chăng cô cho mình có quyền đó?

Và vì sự độc ác đó được chấp nhận nên nó cứ thế tồn tại và cứ thế lớn lên? Bởi khi những đứa trẻ không ý thức về quyền được tôn trọng, không ai được hành hạ, sỉ nhục người khác thì chúng xem việc bị thầy cô trừng phạt là tất nhiên, cũng là điều dễ hiểu!

Mối quan hệ của phụ huynh và nhà trường đang trở nên rất phức tạp, một giáo viên đã nói như thế. Mối quan hệ đó giờ đây đã không còn theo hướng tích cực kiểu: phụ huynh cùng chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con với nhà trường, thầy cô giáo mà thường là đẩy hết trách nhiệm cho thầy cô và yên tâm là phía thầy cô phải làm điều đó thật tốt với những sự “gửi gắm”.

Ở đây, ít nhiều thì mối quan hệ đã bị vật chất chi phối và khi đó, hình ảnh tôn nghiêm của người thầy trong mắt phụ huynh và cả trong mắt học sinh đã dần trở nên mờ nhạt.

Từ đó, sự uất ức dẫn đến những hành động bất trí là điều dễ xảy ra khi phụ huynh gặp những chuyện bất như ý. Phụ huynh bắt giáo viên quỳ, hành hung giáo viên đến nhập viện hay trường hợp học sinh đâm trọng thương giáo viên,… phải chăng cũng từ đó mà ra?!

Người xưa nói: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nếu người làm thầy không mẫu mực thì khó có thể trách học trò hư đốn. Một giáo viên áp dụång trừng phạt học trò bằng đòn roi, quỳ gối là thể hiện sự bất lực của trong nghiệp vụ sư phạm, chứ chưa nói đến đạo đức nghề giáo, kiến thức chuyên môn.

Những sự việc vừa qua làm niềm tin của hàng triệu phụ huynh học sinh vào sự tử tế, lành mạnh của môi trường giáo dục mất đi ít nhiều. Và bao giờ cũng vậy, khi không có niềm tin thì người ta dễ có những hành vi mang tính bộc phát.

2. Nhưng điều đáng buồn nhất là cho đến giờ này, người đứng đầu ngành giáo dục vẫn im lặng. Sau bao vụ việc nghiêm trọng trong lĩnh vực mà ông phụ trách, mới chỉ thấy ông lên tiếng duy nhất ở vụ giáo viên bị bắt quỳ bằng công văn đòi xử lý phụ huynh kia. Vì sao vậy?

Chúng ta đã nghe về vấn đề đổi mới giáo dục, chấn hưng giáo dục, “trận đánh lớn” trong ngành giáo dục từ khá lâu rồi. Song cho đến giờ này, môi trường giáo dục vẫn bộc phát những bất ổn theo chiều hướng càng ngày càng nghiêm trọng.

Và trước khi những hành vi phản giáo dục xảy ra, người ta còn sửng sốt khi biết chỉ cần đạt 3 điểm/môn là có thể vào trường sư phạm. Có nghĩa là một học sinh yếu kém vẫn có thể trở thành giáo viên và dạy người khác!

Rõ ràng rằng không ai có thể tin về chất lượng giáo viên với chỉ 3 điểm/môn ở đầu vào. Mà khi chất lượng giáo viên không có, giáo dục đổi mới và tiến bộ như thế nào?

Cải cách, đổi mới giáo dục là gì nếu không vì mục đích tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh? Và đổi mới những chỗ nào nếu không phải là chất lượng giáo viên, cũng không phải là những bất ổn cụ thể đang hằng ngày phơi bày ra trước mắt về quan hệ thầy trò?

Nếu đổi mới, cải cách giáo dục chỉ ở chương trình học, ở những điều vĩ mô mà những thực tế cụ thể đang tồn tại thì không đụng đến, liệu ngành giáo dục có thể khá lên được hay không? Niềm tin của hàng triệu dân vào ngành giáo dục đang ngày càng một mất đi có lấy lại được không?!

Vậy ngành giáo dục cần làm gì để lấy lại niềm tin của phụ huynh? Khi đó, người đứng đầu ngành phải nhìn nhận những câu chuyện phản giáo dục vừa qua là một vấn đề thật sự của ngành mình để từ đó đưa ra những cam kết về việc xây dựng chương trình hành động nhằm chấn hưng giáo dục.

Còn với sự im lặng hiện tại hay chỉ là công văn đòi xử lý những cá nhân tiêu cực, có nghĩa đó chỉ là chuyện của những cá nhân chứ không phải là vấn đề thật sự của giáo dục. Mà chuyện cá nhân bất trí thì có thể xảy ra ở bất cứ đâu và thời điểm nào khi mà niềm tin vào giáo dục không còn nữa.

Đồng ý rằng những chuyện tiêu cực trong giáo dục có thể xảy ra nhiều hơn nữa thì nó cũng không mang tính đại diện cho nền giáo dục quốc gia. Song, ở góc độ quản lý ngành, nếu chỉ nhìn nhận đó là chuyện cá nhân sai phạm thì thật sự nguy hiểm.

Giáo dục được gọi là quốc sách hàng đầu để nói về tầm quan trọng của giáo dục quốc gia, song tương lai của quốc sách đó sẽ như thế nào nếu chúng ta không sớm có giải pháp cho những vấn đề đó!

Hoàng Lãm

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/17cuthang__-su-im-lang-hoang-mang-488641/