Sự kết hợp lợi hại của tiêm kích MiG-31 và tên lửa 'sát thủ' R-37M

Không quân Nga đã triển khai các máy bay chiến đấu tối tân kết hợp tên lửa tầm xa để bắn hạ máy bay chiến đấu của Ukraine, trong số này phải kể đến tiêm kích đánh chặn MiG-31 Foxhound.

Dù có ưu thế vượt trội và nhiều máy bay chiến đấu hiện đại hơn so với Ukraine, nhưng đến nay không quân Nga vẫn chưa thể làm chủ bầu trời Ukraine. Một số nhà phân tích cho rằng, việc Ukraine triển khai các hệ thống phòng không và vũ khí chống máy bay đã khiến không quân Nga gặp nhiều khó khăn dù có lợi thế về quân số 10:1 trước đối thủ.

Nga có một số lượng lớn tiêm kích đánh chặn MiG-31 Foxhound. Nguồn: militarywatchmagazine.com

Nga có một số lượng lớn tiêm kích đánh chặn MiG-31 Foxhound. Nguồn: militarywatchmagazine.com

Trong cuộc xung đột kéo dài hơn 8 tháng qua, khả năng của Nga trong việc theo dõi theo dõi hoạt động của đối phương đã bị hạn chế do nước này gặp nhiều thách thức khi vận hành các máy bay trinh sát có người lái trên chiến trường. Tuy nhiên, ngay cả khi chưa giành được hoàn toàn ưu thế trên không, Nga vẫn có máy bay chiến đấu vô cùng lợi hại, gây nhiều tổn thất cho Ukraine, đó là MiG-31 Foxhound.

MiG-31 là máy bay chiến đấu đánh chặn tầm cao siêu thanh 2 chỗ ngồi có thể sử dụng nhiều loại tên lửa tầm xa. Tiêm kích MiG-31 được cho là đã bắn hạ nhiều máy bay chiến đấu của Ukraine, nhờ sử dụng tên lửa không đối không tầm xa Vympel R-37M.

R-37M được ví là sát thủ trên không nhờ khả năng tấn công mục tiêu ấn tượng. Tên lửa có tốc độ hơn 7.400 km/giờ, tầm bắn lên đến 398 km, xa hơn nhiều so với AIM-54 Phoenix của Hải quân Mỹ có tầm bắn chỉ 190km. R-37M dùng động cơ nhiên liệu rắn tăng cường, được trang bị radar chỉ thị mục tiêu Agat 9M1103M-350 có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly tới 70km và khóa mục tiêu ở cự ly 40km. Khi tới gần mục tiêu, R-37M sẽ bật radar dẫn đường và tăng tốc nhanh chóng lên vận tốc siêu vượt âm, khiến đối phương không kịp trở tay.

Theo báo cáo do Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI) công bố trong thời gian gần đây, tốc độ, tầm hoạt động và độ cao của máy bay cũng như tên lửa Ukraine không đủ để đối phó hiệu quả với những tên lửa như vậy. Báo cáo của RUSI cho biết, các cuộc tuần tra phòng thủ của Không quân Nga đã chứng minh hiệu quả cao khi chống lại máy bay chiến đấu của Ukraine. Đặc biệt sự kết hợp giữa tiêm kích MiG-31BM và tên lửa không đối không tầm xa R-37M đã gây ra nhiều vấn đề cho các phi công Ukraine.

MiG-31 mang lại nhiều lợi thế cho Nga

Báo cáo của RUSI cho rằng, ngay cả những máy bay đánh chặn Sukhoi Su-27 tốt nhất của không quân Ukraine cũng không thể bắt kịp với với độ cao, tốc độ hoặc tầm hoạt động của MiG-31.

MiG-31 có thể bay cực nhanh với tốc độ Mach 2,5 trong thời gian ngắn, bán kính chiến đấu vượt quá 700 km. Máy bay cũng có khả năng bay cao lên 18.000 m. Với tầm hoạt động như vậy, MiG-31 hầu như nằm ngoài tầm với của mọi hệ thống phòng thủ mà Ukraine đang sở hữu. Phi công điều khiển MiG-31 có thể bắn tên lửa R-37M gắn dưới bụng máy bay vào các mục tiêu cách xa hơn 300km, tính từ vị trí của họ trên không. Tuy nhiên, tên lửa R-37M được cho là hoạt động tốt nhất ở phạm vi không quá 128km. Trong khi đó, một chiếc Su-27 của Ukraine chỉ có thể phóng tên lửa Vympel R-27 nhằm vào mục tiêu cách xa 50km.

Nhờ tốc độ cao, tính linh hoạt và cơ động, MiG-31 có thể bắn hạ máy bay chiến đấu của đối phương và nhanh chóng ra khỏi vùng nguy hiểm để tránh bị hệ thống phòng không phát hiện.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga nhiều lần tuyên bố, tiêm kích MiG-31 được triển khai để phòng thủ tại các khu vực quan trọng. Khi phi hành đoàn phát hiện ra máy bay thù địch, họ sẽ nhanh chóng phóng tên lửa tên lửa không đối không để loại bỏ mục tiêu.

Vào cuối tháng 10 vừa qua, một chiếc MiG-31 của Nga, trang bị tổ hợp tên lửa RVV-BD (hoặc R-37M) và RVV-SD (hoặc R-77) đã bắn hạ một chiếc Su-24 của Không quân Ukraine.

Không quân Nga đã duy trì các cuộc tuần tra suốt ngày đêm tại 8 khu vực trên lãnh thổ Ukraine kể từ khi quân đội Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công kép ở phía Đông và phía Nam vào cuối tháng 8/2022. Mỗi cuộc tuần tra thường có một cặp MiG-31 hoặc Sukhoi Su-35.

Trong khuôn khổ hoạt động này, các lực lượng tuần tra của Nga sẽ săn lùng cường kích Su-25, Su-24 và tiêm kích đa nhiệm Mikoyan MiG-29 của Ukraine hỗ trợ cuộc phản công. Theo các nhà phân tích độc lập, kể từ khi tiến hành cuộc phản công vào cuối tháng 8, Ukraine đã mất 4 chiếc MiG-29, 6 chiếc Su-25, một chiếc Su-24 và một chiếc Su-27.

“Không quân Nga bắn tới 6 quả tên lửa R-37M mỗi ngày trong tháng 10. Nhờ tốc độ cực lớn cùng tầm bắn hiệu quả và thiết bị tìm kiếm được thiết kế để tấn công các mục tiêu ở độ cao thấp, R-37M trở thành tên lửa cực khó bắn hạ”.

Những chuyên gia quân sự cho rằng, sức mạnh vượt trội của MiG-31 so với những máy bay chiến đấu cũ, đa phần có từ thời Liên Xô của Không quân Ukraine đã giúp Nga duy trì lợi thế đáng kể trên chiến trường dù không kiểm soát không phận Ukraine. Hiện, Nga cũng đã triển khai một phiên bản khác của MiG-31 được trang bị tên lửa siêu thanh ‘Killjoy’ tới Belarus, khiến phương Tây lo lắng./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/su-ket-hop-loi-hai-cua-tiem-kich-mig-31-va-ten-lua-sat-thu-r-37m-post983303.vov