Sự kết thúc của cuộc cách mạng dầu đá phiến Mỹ có tác động gì đối với thế giới?

Dầu đá phiến đã đưa nước Mỹ lên hàng đầu trong hệ thống phân cấp năng lượng, nhưng sản lượng thấp và thiếu tái đầu tư đe dọa vị trí hàng đầu của Mỹ.

Cơ sở dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ sở dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Khi tàu chở dầu Decathlon, dài 274 m, tiến vào thị trấn cảng Wilhelmshaven của Đức vào tháng 12/2022, đó là bằng chứng hữu hình về sức mạnh địa chính trị của Mỹ. Vài ngày trước đó, lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga đã có hiệu lực, đe dọa gây ra nhiều gián đoạn hơn nữa trên thị trường năng lượng toàn cầu. Khi tàu Decathlon dỡ hàng, dầu của Mỹ đã đến đúng lúc.

Cuộc xung đột tại Ukraine đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và Mỹ là một trong những bên hưởng lợi lớn nhất. Khi Nga cắt giảm vận chuyển khí đốt tự nhiên đến châu Âu và phương Tây đưa ra các lệnh trừng phạt nhắm vào dầu mỏ của Nga, xuất khẩu cả hai mặt hàng này của Mỹ đều tăng vọt. Theo công ty dữ liệu OilX, khoảng 500 tàu chở đầy dầu của Mỹ đã đến châu Âu kể từ tháng 2/2022, giúp xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.

Cột mốc đánh dấu đỉnh cao của cuộc cách mạng dầu đá phiến - một biến động công nghệ và năng lượng kéo dài 15 năm, trong đó công nghệ chiết xuất dầu từ đá phiến - đã khiến Mỹ trở thành nước tiêu thụ dầu và khí đốt lớn nhất thế giới đồng thời là nhà sản xuất lớn nhất. Sự tăng trưởng nhanh chóng của dầu đá phiến đã mang lại sự kích thích to lớn cho nền kinh tế toàn cầu bằng cách giữ giá nhiên liệu ở mức thấp và giúp Washington đối đầu với các đối thủ giàu dầu mỏ như Iran và Venezuela mà không sợ tác động kinh tế đối với các cử tri trong nước.

Sản lượng dầu đá phiến tăng vọt đã giúp xoa dịu thị trường dầu thô đầy biến động - ngay cả khi “Mùa Xuân Arab” gây bất ổn cho các nhà sản xuất Trung Đông và xung đột mới nổ ra ở miền Bắc Iraq và bán đảo Arab, bao gồm cả các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Saudi Arabia. Ngày nay, đội tàu xuất khẩu dầu của Mỹ đi qua Đại Tây Dương đã giúp vô hiệu hóa cuộc chiến năng lượng của Nga.

Ông David Goldwyn, cựu cố vấn năng lượng cấp cao của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và là người đứng đầu công ty tư vấn Goldwyn Global Strategies (Mỹ) cho biết, thời kỳ hoàng kim của đá phiến “đã đưa Mỹ trở lại vị trí đầu bảng xét về ý nghĩa địa chính trị”. Mỹ không còn ở trong tình thế phải lo lắng về nguồn cung cấp dầu hoặc khí đốt thực nữa… và điều đó mang lại cho Mỹ nhiều quyền tự do hành động hơn trong các vấn đề quốc tế.

Ngoài ra, nguồn cung dầu đá phiến dồi dào tích lũy được cung cấp trong 15 năm qua tiếp tục bảo vệ người Mỹ khỏi giá nhiên liệu và khí đốt tự nhiên cao ngất ngưởng đã làm chao đảo các nền kinh tế phát triển khác, mang lại cho ngành công nghiệp của Mỹ lợi thế cạnh tranh và các hộ gia đình có thêm thu nhập khả dụng.

Nhưng theo các nhà phân tích, thời đại biến đổi đó sắp kết thúc với những hậu quả khó lường. Chi phí cao và tình trạng thiếu lao động hiện đang gây khó khăn cho mảng đá phiến. Phố Wall muốn trả lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư chứ không phải tái đầu tư vào các giàn khoan mới. Ngay cả với giá dầu thô ở mức 80 USD/thùng, mức giá cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn, các nhà sản xuất dầu đá phiến vẫn sợ vung tiền. Trên hết, các giếng mới đang sản xuất ít dầu hơn.

Ông Scott Sheffield, Giám đốc điều hành của Pioneer Natural Resources, nhà sản xuất đá phiến lớn nhất của Mỹ, cho biết: “Kỷ nguyên tăng trưởng mạnh mẽ của đá phiến Mỹ đã kết thúc. Mô hình dầu đá phiến chắc chắn không còn là nhà sản xuất tạo ra lợi thế nữa.”

Có những kịch bản mà dầu đá phiến có thể không trở thành vấn đề lớn. Nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng và xuất khẩu dầu mỏ của Nga vẫn mạnh mẽ, bất chấp lệnh trừng phạt, thì thị trường dầu mỏ sẽ có triển vọng tốt. Và nếu quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra nhanh chóng, thế giới có thể đối phó mà khôn cần có nguồn cung dầu đang tăng nhanh của Mỹ. Một số nhà bảo vệ môi trường sẽ hoan nghênh mức tăng trưởng nhiên liệu hóa thạch chậm hơn từ nhà cung cấp lớn là Mỹ.

Nhưng bằng chứng cho thấy, người tiêu dùng thế giới đang không còn “khát dầu” nữa, bất chấp nỗ lực của một số chính phủ nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon cho nền kinh tế. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, thế giới sẽ tiêu thụ thêm 1,7 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2023, đạt mức cao kỷ lục gần 102 triệu thùng/ngày. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo, nhu cầu năm nay sẽ tăng vọt lên 2,7 triệu thùng/ngày, đẩy giá dầu trở lại trên 100 USD/thùng.

Các nhà phân tích và giám đốc điều hành các hãng dầu mỏ cảnh báo, khi trật tự năng lượng toàn cầu đã được thiết lập bị phá vỡ một cách nhanh chóng, thế giới có thể đang bước vào giai đoạn biến động thị trường dầu mỏ nhiều hơn.

Đây sẽ là một vấn đề đối với các nước nhập khẩu dầu mỏ, nhưng là một kỷ nguyên quyền lực mới đối với một số nước, đặc biệt là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các quốc gia dầu mỏ khác trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Ông Jeff Currie, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Goldman Sachs, cho biết dầu đá phiến với công suất dự phòng sẵn có có thể cạnh tranh với OPEC, tạo ra cái được gọi là trật tự dầu mới. Ngày nay, sự linh hoạt đó không còn nữa, đẩy chúng ta trở lại trật tự dầu mỏ cũ với sự thống trị của OPEC.

Người đứng đầu công ty đầu tư trong lĩnh vực mảng dầu đá phiến Quantum Energy Partners, Wil VanLoh, lại nhìn nhận theo một cách khác. Ông VanLoh nói: “Thế giới đã thực sự bị ru ngủ bởi thành công của cuộc cách mạng dầu đá phiến. Mỹ nắm quyền kiểm soát giá từ OPEC, bởi vì dầu đá phiến trở thành nguồn tăng trưởng duy nhất cho nguồn cung dầu trên toàn cầu. Cho đến khi đột nhiên, tất cả những điều đó đã thay đổi”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN

* Sự bùng nổ dầu đá phiến

Không nơi nào gói gọn câu chuyện về đá phiến tốt hơn mỏ Bakken của Bắc Dakota. Trong thập kỷ tính đến năm 2020, sản lượng dầu của bang này đã tăng vọt hơn 7 lần, lên gần 1,5 triệu thùng/ngày, nhiều hơn sản lượng của một số thành viên OPEC.

Dầu đá phiến đã biến Mỹ trở thành một cường quốc năng lượng; biến ông Harold Hamm, người đã đặt cược rằng ông có thể khai thác dầu từ đá phiến của Bakken, trở thành nhà khai thác dầu nổi tiếng nhất nước Mỹ và trở thành một tỷ phú.

Năm 2014, sự sụp đổ giá dầu làm tổn thương ngành công nghiệp dầu đá phiến, nhưng đại dịch COVID-19 gần như đã tạo ra một làn sóng phá sản của các doanh nghiệp dầu đá phiến. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy tính dễ bị tổn thương của lĩnh vực dầu đá phiến, và điều này đã buộc Tổng thống lúc đó là Donald Trump phải yêu cầu Saudi Arabia và Nga tăng giá để cứu vãn ngành dầu mỏ của Mỹ.

Sản lượng của Bakken đã giảm xuống hơn 1 triệu thùng/ngày và hầu như không thể phục hồi. Chỉ có 39 giàn khoan hoạt động trên toàn mỏ trong tuần đầu tiên của tháng 1/2023, giảm so với hơn 200 giàn khoan một thập kỷ trước. Thời hoàng kim của Bakken đã qua.

Lưu vực Permian ở New Mexico và Texas đã nổi lên như “con ngựa thồ” mới của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ. Sản lượng đã đạt mức cao kỷ lục trong những tháng gần đây, nâng cao vị thế là mỏ dầu có năng suất cao nhất thế giới. Mức lương bội thu đã thu hút các tài xế, thợ hàn và thợ lắp ống quay trở lại các thị trấn dầu mỏ ở Tây Texas như Midland và Odessa. Mặc dù vậy, về tổng thể, hoạt động khai thác dầu của Mỹ không như trước đây; tốc độ sản xuất đang tăng lên ở một phần nhỏ của thời kỳ bùng nổ.

Từ năm 2011 đến 2014, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng trung bình khoảng 15% mỗi năm; sản lượng tăng hơn gấp đôi trong 10 năm tính đến năm 2019, lên mức cao nhất là 13 triệu thùng mỗi ngày. Khi đại dịch bùng phát, sản lượng đảo ngược, trong bối cảnh các công ty buộc phải đóng cửa giếng khoan, đóng băng thiết bị và sa thải hàng chục nghìn công nhân.

Sản lượng dầu đá phiến ngày nay vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch và hiện đang tăng trưởng chậm chạp, mặc dù giá dầu tăng mạnh trong 18 tháng. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự kiến nguồn cung trong 12 tháng tới sẽ chỉ tăng 250.000 thùng/ngày, tương đương 2% - thậm chí không thể theo kịp mức tăng dự báo về nhu cầu dầu mỏ của Mỹ. Sản lượng sẽ chỉ đạt mức cao mới một lần nữa vào cuối năm 2024.

Một số chuyên gia tư vấn tin rằng, các đánh giá này vẫn là quá cao, do số lượng giàn khoan đang hoạt động giảm gần đây. Công ty tư vấn Energy Aspects cho biết, trừ khi hoạt động khai thác tăng trở lại, tốc độ suy giảm của dầu đá phiến sẽ tăng nhanh vào năm tới, “thậm chí có thể dẫn đến sự sụt giảm hoàn toàn so với cùng kỳ năm ngoái” về sản lượng của Mỹ. Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Energy Aspects, Amrita Sen cho biết: “Thứ từng được coi là động lực tăng trưởng nguồn cung của thế giới có thể sắp đạt đến đỉnh điểm”.

* Phố Wall rút tiền đầu tư

Nhiều “cơn gió ngược” đang thổi qua lĩnh vực dầu đá phiến. Ngay cả ở Permian, nơi trong thời kỳ đại dịch đã trở thành khu vực tăng trưởng sản xuất chính duy nhất, các nhà khai thác cho biết nhiều năm khoan tràn lan đã thu hẹp trữ lượng có sẵn. Các nhà sản xuất lớn nhất tại khu vực này - Pioneer, Chevron, Devon Energy, ConocoPhillips và một số công ty khác - vẫn nắm giữ một lượng lớn các địa điểm khoan hàng đầu, nhưng các công ty nhỏ thì đang cạn kiệt.

Không giống như sản xuất dầu thông thường, sản lượng từ các giếng đá phiến mới khoan giảm mạnh sau 1 năm hoạt động. Để duy trì sản lượng ổn định mỗi năm, các công ty phải tiếp tục khoan thêm giếng. Hàng chục nghìn giếng dầu đã được khoan trên khắp nước Mỹ trong 15 năm qua. Một số đảng viên Đảng Cộng hòa và những người khoan dầu đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Joe Biden vì đã ngăn cản hoạt động khai thác, nhưng sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng là một lực cản hữu hình hơn đối với ngành.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho biết tình trạng thiếu lao động vẫn “trầm trọng”, với khoảng cách giữa việc làm và người lao động là khoảng 20.000 người trong những tháng gần đây. Nhu cầu trả lương cao hơn cũng góp phần làm tăng chi phí. Công ty tư vấn năng lượng Enverus cho biết, chi phí khoan giếng năm ngoái cao hơn 30% so với năm 2021 và dự kiến giá sẽ tăng thêm 12% vào năm 2023.

Theo công ty năng lượng Rystad, một giếng đá phiến trung bình chỉ tốn 7,3 triệu USD để khoan vào năm 2019, nhưng sẽ tiêu tốn 9 triệu USD trong năm 2023, giá khoan ở độ sâu 100 feet (30,48 m) khoảng từ 75.000 USD vào năm 2020 hiện đã tăng lên 100.000 USD.

Một số giàn khoan và bộ dụng cụ thiết yếu đã không được bảo trì trong nhiều tháng và hiện cần được tân trang lại. Ngay cả khi có quyết tâm và vốn để khoan thêm giếng, một số nhà điều hành cho biết, họ không thể thực hiện nhanh như vậy do tình trạng hỏng hóc của một số thiết bị và lực lượng lao động hạn chế.

Tuy nhiên, có lẽ trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng là Phố Wall. Những năm bùng nổ của đá phiến đã chứng kiến các nhà khai thác liên tục chi vượt dòng tiền, tốn hàng chục tỷ USD vốn bên ngoài để tài trợ cho các hoạt động khoan khai thác. Sản lượng tăng vọt, nhưng sự hoang phí đã gây ra một “cuộc di cư” của các nhà đầu tư.

Với sự phục hồi giá dầu, các nhà khai thác dầu đá phiến đã thực hiện một cuộc đảo ngược kinh doanh ngoạn mục: kiềm chế chi tiêu vốn và biến vận may từ thị trường thành cổ tức và mua lại cổ phần. Quá trình chuyển đổi đã khiến lĩnh vực này trở thành lĩnh vực hoạt động tốt nhất của S&P trong 2 năm qua - nhưng chỉ làm giảm tốc độ tăng trưởng.

Ông Sheffield, người đứng đầu công ty Pioneer cho biết: “Chúng tôi đã sản xuất quá nhiều dầu và cạnh tranh với OPEC. Chúng tôi thực sự đã giảm giá từ 20 USD đến 30 USD một thùng trong 10 năm qua, dẫn đến việc mất toàn bộ cơ sở đầu tư của chúng tôi”. Ông Sheffield cho biết, sự thay đổi này là từ một ngành dành 100% dòng tiền để tăng trưởng sản xuất sang một ngành chỉ tái đầu tư 40-50%, với mục tiêu tăng trưởng từ 0-5%.

Sau một thập kỷ thua lỗ nặng trong lĩnh vực dầu đá phiến, các nhà đầu tư đang thích thú với mô hình mới và cảnh giác với việc đặt cược nhiều rủi ro hơn vào một lĩnh vực có thành tích tồi tệ và một tương lai không chắc chắn trong một thế giới đang khử carbon.

Nhà phân tích dầu mỏ kỳ cựu Arjun Murti, hiện là cố vấn của công ty tư vấn năng lượng Veriten, cho biết: “Các nhà đầu tư hoặc công ty hầu như không muốn quay lại tái đầu tư hơn 100% dòng tiền của mình. Chúng tôi đang xem xét tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Đó là một sự phát triển có ý nghĩa đối với thị trường dầu mỏ”.

Trung tâm báo chí tại trụ sở Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ở Vienna, Áo. Ảnh: AFP/TTXVN

* Sự trở lại của trật tự dầu mỏ cũ

Trong trường hợp này, điều gì tốt cho Phố Wall cũng sẽ tốt cho Saudi Arabia. Chuyên gia Currie của hãng Goldman Sachs lập luận rằng, sự tăng trưởng chậm chạp của dầu đá phiến là một phần của giai đoạn đầu tư dưới mức trung bình vào hoạt động thăm dò dầu mỏ toàn cầu ở những nơi khác. Điều đó sẽ đặt quyền lực thị trường dầu mỏ và sức mạnh địa chính trị trở lại tay của Saudi Arabia và các đồng minh OPEC+.

Ông Currie lập luận rằng, với quá trình khử cacbon của các nước đang diễn ra, các nhà đầu tư ít sẵn sàng chuyển tiền cho các dự án dài hạn, tốn kém thường mất nhiều năm để hoàn thành, chẳng hạn như những dự án nằm sâu dưới biển. Thay vào đó, họ đã chuyển sang cái gọi là các dự án “chu kỳ ngắn”. Và các dự án chu kỳ ngắn hạn của thế giới ở đâu? Đó là dầu đá phiến Mỹ, Nga và Trung Đông. Ông Currie cho rằng, thế giới đã loại bỏ Nga vì tất cả những lý do rõ ràng. Giờ đây, thế giới đang mất đi động cơ tăng trưởng thứ hai trong 3 động cơ tăng trưởng, với việc Mỹ đang gặp khó khăn. Chỉ còn lại OPEC với cốt lõi là các quốc gia vùng Vịnh ở Trung Đông.

Đây có thể không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng. Saudi Arabia, trụ cột của OPEC, thường là một bên cung cấp ổn định trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Vào năm 2020, nước này đã thực hiện cắt giảm sâu sản lượng để hỗ trợ giá, giúp giải cứu dầu đá phiến và các nhà sản xuất khác khỏi bị lãng quên.

Nhưng sự thay đổi này đặt số phận của thị trường dầu thô toàn cầu vào tay các quốc gia mà phương Tây có mối quan hệ không ổn định. Các nhà phân tích cho biết, nếu các nhà sản xuất đó chọn không tăng sản lượng do không có khả năng hoặc không sẵn sàng, thì cách duy nhất để giải quyết vấn đề giá cao sẽ là cắt giảm nhu cầu dầu, có thể là do suy thoái kinh tế - giống như cú sốc giá mà người tiêu dùng khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã trải qua vào năm ngoái.

Một gợi ý về những gì có thể xảy ra đã xuất hiện vào năm ngoái, khi giá dầu tăng vọt lên hơn 130 USD/thùng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Các nhà khai thác dầu đá phiến đã giữ vững chính sách hạn chế nguồn cung, bất chấp nhiều lời đề nghị của Nhà Trắng về việc cung cấp thêm dầu. Một số nhà phân tích lập luận rằng, diễn biến giá dầu sẽ thể hiện đặc điểm của thị trường thiếu nhà cung cấp để cạnh tranh với OPEC.

Ông Raoul LeBlanc, Phó chủ tịch phụ trách hàng hóa Bắc Mỹ tại S&P Global Commodity cho biết, thị trường đã tăng giá để kiểm tra mức giá mà một số nước nghèo không thể mua được, lên mức khoảng 120 USD/một thùng. Nếu vấn đề cung cầu không tăng nguồn cung thì phải chuyển sang giảm nhu cầu.

Nhưng để thị trường tự giải quyết vấn đề không mang lại nền chính trị tốt đẹp - đặc biệt là ở Mỹ - hoặc mang lại sự thuận lợi về mặt địa chính trị, đặc biệt là trong thời kỳ hỗn loạn chưa từng có. Đó là lý do tại sao chính quyền Tổng thống Biden khi mới nhậm chức đã cam kết hạn chế hoạt động khai thác dầu đá phiến khi đã dành nhiều tháng để kêu gọi các nhà sản xuất dầu đá phiến và các nhà đầu tư tăng cường khoan dầu một cách vô ích. Mỹ cũng đã giải phóng hàng triệu thùng dầu thô từ các kho dự trữ chiến lược, nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Venezuela và cử các nhà ngoại giao tới Riyadh để yêu cầu cung cấp thêm.

Việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch khỏi nền kinh tế toàn cầu sẽ giúp cắt giảm lượng khí thải nhà kính toàn cầu, một tham vọng được đưa vào chương trình khử carbon của chính quyền Tổng thống Biden. Tuy nhiên, cách tiếp cận này dựa vào việc chống lại xu hướng tiêu thụ dầu ngày càng tăng đã tồn tại hàng thế kỷ, mặc dù các mô hình của một số nhà dự báo cho thấy chính sách khí hậu sẽ phá vỡ "cơn nghiện" nhiên liệu hóa thạch của thế giới.

"Nếu… cuối cùng chúng ta sẽ khát dầu hơn so với những dự báo phổ biến hiện nay, chúng ta gặp phải những vấn đề lớn”, ông Bob McNally, cựu cố vấn của cựu Tổng thống George W Bush, hiện đang điều hành tập đoàn năng lượng Rapidan, nhận định. Ông McNally cho biết thêm, đó sẽ là một kỷ nguyên của “sự tàn phá nền kinh tế, bất ổn về địa chính trị và phá sản doanh nghiệp. Đó là khi bạn sẽ mong muốn có nhiều dầu đá phiến hơn”./.

Vân Hải (P/v TTXVN tại London)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/su-ket-thuc-cua-cuoc-cach-mang-dau-da-phien-my-co-tac-dong-gi-doi-voi-the-gioi/279451.html