Sự khác nhau giữa đồng hồ 10 triệu và 100 triệu đồng

Tại sao hai chiếc đồng hồ có thiết kế tương tự, đều được đánh giá là rất đẹp, nhưng một chiếc có giá chỉ 10 triệu đồng, còn chiếc kia bạn phải bỏ tới 100 triệu để sở hữu?

Người ta thường nói rằng trên đời này có hai loại đàn ông. Thứ nhất là những người sở hữu một chiếc đồng hồ đeo tay truyền thống. Thứ hai là những người chỉ cần điện thoại di động để kiểm tra giờ. “Tại sao tôi lại phải bỏ một mớ tiền ra mua một thứ chỉ có mỗi công dụng báo giờ khi đã có smartphone?”, nhiều anh chàng thuộc nhóm hai vẫn nói vậy.

Nhưng với những người nhóm một, chiếc đồng hồ đeo tay truyền thống không chỉ đơn giản là để kiểm tra giờ giấc. Đó còn là một món đồ không thể thiếu, một niềm tự hào. Vì vậy, họ sẵn sàng chi từ hàng trăm tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn USD, cho một chiếc đồng hồ truyền thống.

Đồng hồ cao cấp có sự khác biệt rất lớn so với phần còn lại.

Vậy đâu là sự khác biệt giữa một chiếc đồng hồ 10 triệu đồng và một chiếc 100 triệu đồng? Hai mức giá này chính là đại diện tốt nhất cho phân khúc đồng hồ tầm trung và cao cấp, theo chuyên gia đồng hồ Bani McSpedden của Australian Financial Review.

Phương pháp sản xuất phức tạp

Một trong những yếu tố quyết định giá cả đồng hồ gây tranh cãi nhất là phương pháp sản xuất được sử dụng cho đồng hồ và chuyển động của đồng hồ. Trong khi McSpedden tin rằng “không có sự tương quan giữa độ chính xác và giá cả”, các chuyên gia khác khẳng định độ chính xác cao hơn dẫn tới mức giá đắt đỏ hơn.

Theo quan sát chung, một chiếc đồng hồ trong tầm giá 10 triệu đồng sẽ có ít chi tiết được điều chỉnh thủ công, ít tinh vi hơn trong việc đo thời gian. Trong khi đó, ở đồng hồ giá 100 triệu đồng, mọi chuyển động đều đáp ứng các thông số kỹ thuật của chronometer, chi tiết được hoàn thiện thủ công, việc tạo góc cạnh, khắc hay tráng men đều bằng tay.

Một chiếc đồng hồ có tầm giá trăm triệu thường có rất nhiều chi tiết phức tạp.

Quy trình sản xuất hàng loạt sẽ khiến việc sản xuất và hoàn thiện đồng hồ trở nên đơn giản hơn, đồng nghĩa với giá thành thấp hơn. Trong khi đó, một chiếc đồng hồ xa xỉ mất nhiều thời gian và lao động hơn để sản xuất do các chuyển động cơ học phức tạp đòi hỏi một người lắp ráp.

Chi phí thiết kế

Dù bạn có tin hay không, thì thiết kế của một chiếc đồng hồ vẫn đóng vai trò khá nhỏ đối với mức giá cuối cùng. Ví dụ như đồng hồ Daniel Wellington có giá dưới 5 triệu đồng. Nó có thiết kế đơn giản, ít chi tiết nhưng đẹp và sang trọng. Cũng có thể dùng những từ này để mô tả đồng hồ Nomos Glashütte của Đức, nhưng chiếc này lại có lên đến 100 triệu đồng.

Dù vậy, thiết kế giữa đồng hồ hạng sang và đồng hồ trung cấp vẫn có những khác biệt đáng kể. Ở những chiếc đồng hồ dưới 10 triệu đồng, mặt đồng hồ phẳng và trông hai chiều hơn, kim được mạ điện hoặc vẽ tay thay vì nung đến một nhiệt độ cụ thể để đạt được màu sắc.

Đồng hồ Daniel Wellington có thiết kế đẹp nhưng không đắt đỏ.

Trong khi đó, đồng hồ 100 triệu đồng lại có thể mang lại nhiều họa tiết hơn trên mặt như các chi tiết và chữ số cách điệu hay bezels sứ để chống xước.

Nếu thật sự yêu cái đẹp nhưng lại không đi theo chủ nghĩa tối giản như DW, nhiều khả năng bạn sẽ phải chi từ hàng chục đến hàng trăm triệu để mua một chiếc đồng hồ cao cấp với đường viền thép không gỉ, viền vàng và mặt đá tinh thể.

Chi phí xây dựng thương hiệu

“Không phải ngẫu nhiên mà đồng hồ từ các thương hiệu uy tín lại có giá cao hơn. Bởi chúng ta phải trả tiền cho giá trị. Trong nền công nghiệp đồng hồ, nếu bạn là thương hiệu được kính trọng, bạn được quyền tính phí cao hơn”, chuyên gia McSpedden cho biết.

Rolex là một trong những thương hiệu đồng hồ nổi tiếng nhất thế giới.

Bên cạnh đó, danh tiếng và uy tín đòi hỏi rất nhiều công sức và tiền bạc để xây dựng. Ví dụ, một thương hiệu sẽ phải bỏ cả đống tiền để mở cửa hàng xa xỉ tại khu phố sang trọng, tổ chức triển lãm và ra mắt đồng hồ, quảng cáo trên phim… Những chi phí ấy phần lớn được quy vào giá trị chiếc đồng hồ, đẩy nó lên mức hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn USD.

Chất liệu quyết định giá cả

Một yếu tố khác nói lên sự khác biệt giữa đồng hồ 10 triệu và 100 triệu đồng là vật liệu sản xuất. Ví dụ, mặt đồng hồ 10 triệu được sản xuất từ vật liệu tinh thể có giá thành thấp hơn. Những loại chất liệu này thường là từ thủy tinh, dễ bị trầy xước và hư hại bề ngoài.

Ngược lại, đồng hồ 100 triệu chỉ sử dụng tinh thể đắt tiền, đa phần là sapphire, là tinh thể gần như không thể bị phá vỡ, vì vậy có tuổi thọ lâu hơn và không bị trầy xước.

Chất liệu là sự khác biệt căn bản giữa một chiếc đồng hồ xa xỉ và tầm trung.

Vật liệu được sử dụng bên trong chiếc đồng hồ xa xỉ cũng luôn đắt tiền hơn, góp phần vào giá cả của chúng. Chúng thường là kim loại quý hay thậm chí đá quý để chống bị hư hỏng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhận thấy sự khác biệt trên quai đeo đồng hồ. Ở mức giá 10 triệu, bạn có thể sở hữu quai làm bằng da bê, rất khác với da cá sấu chính hãng.

Chất liệu và công đoạn hoàn thiện cuối cùng mang đến giá trị rất quan trọng: sự bền bỉ. Những chiếc đồng hồ nam đắt tiền thông thường sẽ vượt qua mọi điều kiện khắc nghiệt, bền bỉ theo năm tháng, giữ vững tính thẩm mỹ qua nhiều năm, và là món đồ giá trị có thể truyền lại cho đời sau.

Mao Lương/Zing

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/phong-cach-c-81/su-khac-nhau-giua-dong-ho-10-trieu-va-100-trieu-dong-94910.html