Sự khôi hài của câu hỏi ứng xử trong các cuộc thi hoa hậu

Câu hỏi rộng, phức tạp khiến thí sinh gần như không thể trả lời trọn vẹn với khoảng thời gian suy nghĩ, trình bày bị giới hạn trong 1-2 phút trên sóng truyền hình trực tiếp.

 Câu hỏi ứng xử làm khó Mai Ngô tại Miss Grand Vietnam 2022. Ảnh: Phương Lâm.

Câu hỏi ứng xử làm khó Mai Ngô tại Miss Grand Vietnam 2022. Ảnh: Phương Lâm.

"Hiện nay có rất nhiều sinh viên ra trường nhưng không xin được việc làm, trong khi đó nhiều doanh nghiệp khó tuyển nhân sự. Vậy theo quan điểm của bạn, hiện tượng này là như thế nào?".

Đó là câu hỏi mà thí sinh Ngô Thị Quỳnh Mai nhận được tại vòng thi ứng xử của top 5 trong đêm chung kết Miss Grand Vietnam 2022. Mai Ngô sau đó trả lời lòng vòng và không rõ ý.

Sau đêm chung kết, phần thi ứng xử của Mai Ngô được nhắc đến nhiều trên mạng xã hội và chủ yếu theo hướng tiêu cực, chế giễu.

Cả người hỏi lẫn người trả lời đều bị công kích trên trang cá nhân. Nhiều ý kiến cho rằng ban giám khảo đánh đố thí sinh bằng một câu hỏi quá rộng thuộc lĩnh vực xã hội, giáo dục.

Không chỉ riêng Miss Grand Vietnam 2022, hầu như mọi cuộc thi sắc đẹp đều kết thúc với những tranh cãi liên quan đến phần thi trả lời ứng xử. Các câu hỏi có thể thuộc mọi lĩnh vực từ văn hóa, xã hội cho đến giáo dục, đời sống, công nghệ.

Với thời gian suy nghĩ và trả lời thường bị giới hạn 1-2 phút ngắn ngủi trên sóng truyền hình trực tiếp, thí sinh gần như không thể đưa ra được câu trả lời trọn vẹn. Bên cạnh những ý kiến chê bai kiến thức, hiểu biết chung của người trả lời, nhiều khán giả giờ đây cũng bắt đầu thắc mắc về tính phù hợp của các câu hỏi như thế này trong khuôn khổ một cuộc thi sắc đẹp.

Đánh mất ý nghĩa của phần thi ứng xử

Ban đầu, phần thi ứng xử trong các cuộc thi hoa hậu được tạo ra nhằm nhấn mạnh "vẻ đẹp trí thức", "vẻ đẹp bên trong", mang đến cơ hội để các thí sinh nói về đam mê và nỗ lực cá nhân.

Nó còn tồn tại để chứng minh rằng cuộc thi không chỉ tìm kiếm cô gái có nhan sắc, vẻ ngoài nổi trội nhất mà còn sở hữu thông tuệ, am hiểu.

Top 5 Miss Grand Vietnam 2022 tại vòng thi ứng xử. Ảnh: Phương Lâm.

Trả lời câu hỏi ứng xử thường là phần thi cuối cùng, chỉ dành cho top 5 hoặc top 3 trong các cuộc thi hoa hậu.

Bề ngoài, điều này dường như có ý nghĩa rằng đây là phần thi rất quan trọng, sẽ đóng vai trò quyết định người đẹp nào có thể giành vương miện.

Ý nghĩa ban đầu nhìn chung là tốt đẹp, nhưng thực tế, phần thi ứng xử có đang thực sự được coi trọng hay không vẫn là một câu hỏi gây tranh cãi.

The Atlantic dẫn chứng bằng Miss USA, nơi mỗi thí sinh thuộc top 15 có 45 giây để trình diễn bikini, nhưng mỗi người thuộc top 7 chỉ có khoảng 20 giây để trả lời những câu hỏi ứng xử hóc búa.

Chất lượng của các câu hỏi cũng rất thất thường, từ không cần thiết cho đến cực kỳ khó. Ví dụ thí sinh của Miss USA phải trả lời câu hỏi "Phụ nữ thích Beyoncé hay Kim Kardashian, Taylor Swift hay Adele?" và "Nước Mỹ nên phản ứng như thế nào trước việc ISIS giết hại hai nhà báo?".

20 giây để chia sẻ sở thích cá nhân cho tới các vấn đề toàn cầu như an ninh, khủng bố, người dẫn chương trình John Oliver chế nhạo phần thi ứng xử của các cuộc thi hoa hậu nói chung không khác gì trò cười trên sóng trực tiếp.

Hỏi chung chung, trả lời lấp lửng

Nhìn chung, ban tổ chức các cuộc thi hoa hậu thích đưa ra những câu hỏi liên quan đến các chủ đề đang gây tranh luận để thu hút sự chú ý của người xem. Tuy nhiên, họ lại không hề mong đợi những câu trả lời gây tranh cãi.

Những câu trả lời chung chung, lấp lửng, thậm chí nhạt nhẽo là an toàn, lý tưởng nhất. Vì vậy, rất hiếm khi thí sinh đi thẳng vào vấn đề mà thường nói rất vòng vo.

Hoa hậu Hoàn vũ 2018 Catriona Gray cho biết nhiều câu hỏi ứng xử quá phức tạp khiến thí sinh cuộc thi hoa hậu gặp khó khăn. Ảnh: Reuters.

Ngược lại, khán giả đã phát ngán với những câu trả lời theo cùng một công thức, lặp đi lặp lại một cách vô nghĩa, gượng ép thông điệp về hòa bình, tự do, bình đẳng mà thiếu quan điểm, suy nghĩ, lập luận của từng cá nhân.

Trong một bài phân tích năm 2016, The Atlantic nhận định trả lời ứng xử là phần thi phi lý nhất trong cuộc thi hoa hậu. Còn trong bài viết hồi cuối năm ngoái, Business Insider cho rằng các câu hỏi về các vấn đề chung chung "chỉ làm mất thời gian và đánh gục những người phụ nữ thông minh, thành đạt".

Hoa hậu Hoàn vũ 2018 Catriona Gray, một trong những hoa hậu có câu trả lời ấn tượng nhất tại cuộc thi sắc đẹp, nói rằng ứng xử là phần thi khó khăn, căng thẳng và khiến các thí sinh ám ảnh, lo sợ nhất.

"Khó khăn ở chỗ cuộc thi chỉ cho bạn chưa đầy một phút để suy nghĩ và nói. Nhưng nếu đó là một câu hỏi cần nhiều lý giải, nhiều lập luận để chứng minh hoặc nếu phải cân bằng các ý kiến trái chiều thì sao? Thực sự rất khó. Chúng tôi thậm chí còn không thể 'ừm', 'à' hoặc 'chỉ cho tôi một giây thôi, tôi cần phải suy nghĩ thêm về điều đó'", Gray chia sẻ.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-khoi-hai-cua-cau-hoi-ung-xu-trong-cac-cuoc-thi-hoa-hau-post1361691.html