Sự khốn khó của lao động xuất khẩu Triều Tiên ở Nga

Báo New York Times ngày 12.7 cho biết lao động xuất khẩu của Triều Tiên ở Nga rất khó nhọc vì họ phải trích nhiều phần trăm thu nhập để đóng góp cho chính quyền của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Lao động xuất khẩu của Triều Tiên ở St. Petersburg - Ảnh: Reuters

Triều Tiên bị quốc tế cấm vận, không thể sản xuất nhiều loại hàng hóa mà người ngoài Triều Tiên muốn mua (ngoài linh kiện tên lửa, vải sợi, than, nấm). Chính vì thế, Bình Nhưỡng đã cho hàng chục ngàn dân nghèo đi xuất khẩu lao động ở Nga để kiếm tiền gửi về cho nhà nước.

Công nhân Triều Tiên giúp xây sân bóng đá mới phục vụ World Cup 2018 ở thành phố St. Petersburg, trong đó ít nhất một người chết. Tháng 6.2017, hai công nhân Triều Tiên khác chết trong một nhà trọ rẻ tiền ở gần công trình xây khu phức hợp chung cư hạng sang ở Moscow.

Người Triều Tiên cũng đi chặt cây trong rừng ở vùng Viễn Đông Nga.

“Trích tiền lương để đóng góp cho tổ quốc”

Trên tổng thể, lao động xuất khẩu Triều Tiên làm việc ở Nga “cực như nô lệ”, theo một báo cáo hàng năm về tình trạng buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ. Hầu như toàn bộ tiền lương của họ phải nộp cho nhà nước Triều Tiên.

Giám đốc người Nga của một công ty trang trí nội thất sử dụng nhiều người Triều Tiên ở thành phố cảng Vladivostock (bên bờ Thái Bình Dương thuộc Nga) cho biết: "Chính phủ Triều Tiên đã tăng cường “trích tiền lương” của lao động xuất khẩu Triều Tiên trong 10 năm qua. Nếu năm 2006 Bình Nhưỡng chỉ lấy 17.000 rúp/tháng thì hiện nay thu 50.000 rúp/tháng (841 USD)".

Ông nói nhân công có mức lương cao nhất bị nhà nước Triều Tiên tịch thu hơn một nửa lương tháng, trong khi quản đốc của từng nhóm nhân công (20 - 30 lao động) lấy 20% “hoa hồng” cho công tìm việc cho nhóm.

Vị giám đốc Nga xin báo New York Times giấu tên vì sợ Triều Tiên trừng phạt nhân công của ông, hoặc không cho họ làm việc với ông.

Theo tờ báo Mỹ, thói quen lao động cần cù của lao động Triều Tiên là do họ cần phải nộp tiền về chính phủ. Việc tăng “trích tiền lương” tiếp sau đồng rúp Nga rớt giá mạnh so với đồng USD. Đây là một diễn biến xấu cho Bình Nhưỡng cần đồng USD chứ không cần tiền rúp.

Nhưng việc tăng “trích tiền lương” cũng là cách bù cho đồng rúp mất giá, phản ánh việc Bình Nhưỡng tuyệt vọng tìm thêm tiền mặt từ khi ông Kim Jong-un nắm quyền lực hồi tháng 11.2011 và tăng tốc chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Lệnh cấm vận quốc tế cùng việc Trung Quốc từ tháng 2 cấm nhập than Triều Tiên - sau khi Bình Nhưỡng phóng thử nhiều tên lửa - đã khiến Bình Nhưỡng bị mất nguồn thu ngoại tệ. Triều Tiên chỉ còn trông nhờ vào lực lượng lao động xuất khẩu, các nhà hàng nhà nước quản lý, doanh nghiệp nhỏ ở Vladivostok và các nơi khác... để có được nguồn thu ngoại tệ.

Theo nguồn tin đáng tin cậy, Bình Nhưỡng lấy 80% lương của thợ rừng và ít nhất 30% của công nhân ngành xây dựng. Lao động xuất khẩu còn phải nộp tiền cho “quỹ trung thành” cùng những khoản “đóng góp” khác.

Ước tính chính quyền Triều Tiên nhận ít nhất 120 triệu USD/năm từ lực lượng xuất khẩu lao động ở Nga. Nguồn tin này cho biết có gần 50.000 lao động Triều Tiên ở Nga, trong khi các nghiên cứu khác nói số lao động này khoảng từ 30.000 đến 40.000 người, tức vẫn nhiều hơn so với lực lượng lao động Triều Tiên ở Trung Quốc và Trung Đông.

Nhân công Triều Tiên “ngoan” hơn người Nga

Lao động xuất khẩu Triều Tiên để lại dấu ấn lớn nhất ở thành phố cảng Vladivostock bên bờ Thái Bình Dương là những thợ quét vôi, trát vữa. Những công ty sửa sang nhà cửa nói rằng nhân công Triều Tiên chịu lãnh lương thấp, có kỷ luật và không "bướng" như người Nga.

Trang web của một công ty ở Vladivostock hứa hẹn: “Thật ngạc nhiên, những người này làm việc cần cù và có trật tự. Họ không nghỉ việc lâu, không thường giải lao để hút thuốc lá hoặc trốn tránh nhiệm vụ”.

Theo New York Times, việc sửa sang nhà cửa là một mảng vô hại của chương trình xuất khẩu lao động của Triều Tiên. Thợ quét vôi trát vữa không bị ngược đãi như đồng bào Triều Tiên của họ phải chịu ở các trại cây Nga hoặc trên các công trình xây dựng.

Bà Yulia Kravchenko, một nhà thầu xây dựng, nói rằng các thợ quét vôi Triều Tiên làm việc nhanh, đáng tin cậy, chấp nhận lương thấp, tốt hơn là sử dụng nhân công Nga: “Họ cắm mặt vào làm việc từ sáng đến khuya”.

Lao động xuất khẩu Triều Tiên ở Vladivostock phải sống chung trong những nhà trọ tồi tàn ở vùng ngoại ô. Khi không làm việc, họ không được tiếp xúc với người Nga hoặc người nước ngoài.

Lực lượng lao động Triều Tiên tăng ở Nga trùng với việc mở rộng quan hệ trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước, gồm việc Nga tăng cường xuất khẩu than qua Triều Tiên, đạt 28,4 triệu USD trong quý 1/2017, so với 7,5 triệu USD trong quý 1/2014.

Vì sao Triều Tiên tăng nhập than vẫn là một bí mật vì nước này rất nhiều than. Bí mật lớn hơn là từ đầu tháng 5 có dịch vụ phà Mangyongbong 2 chuyến/tuần nối Vladivostok với Rason, một đặc khu kinh tế ở vùng biển đông Triều Tiên. Điều lạ là chuyến phà được mở ra trong lúc ít người muốn đến Triều Tiên, và càng ít người Triều Tiên muốn qua Nga, ngoại trừ người lao động xuất khẩu.

Tuần trước, chuyến phà 193 ghế từ Triều Tiên đến Vladivostok với chỉ 6 khách. Điều hành tuyến phà này là InvestStroyTrest, một công ty tư nhân Nga. Phó giám đốc công ty, ông Mikhail Khmel, đổ lỗi sự hoạt động èo uột cho “tất cả những ồn ào quanh Triều Tiên khiến người ta sợ”. Ông cũng nói người Triều Tiên “không phải thiên thần” nhưng không đáng bị Mỹ gây sức ép: “Mỹ ở quá xa, còn chúng tôi sống sát cạnh nhau, muốn làm ăn bình thường với nhau”.

Hồi tháng 6, các quan chức Nga - Triều cũng đến Vladivostock mừng Nhà Kim Il-sung mở cửa trở lại. Ngôi nhà bằng gỗ từng được dựng để tôn vinh nhà lập quốc Triều Tiên Kim Nhật Thành, nhưng bị cháy nên được xây lại với tiền tài trợ của Nga.

Chuyến phà nối Vladivostok với đặc khu kinh tế Rason của Triều Tiên

“Lao động nặng vẫn sướng hơn ở Triều Tiên”

Ngoài tuyến phà, hãng hàng không quốc gia Air Koryo của Triều Tiên có thể đưa người lao động xuất khẩu đến Vladivostok bằng một chuyến bay/tuần, vào các ngày thứ Sáu. Một giám đốc công ty trang trí nội thất nói rằng người lao động Triều Tiên phải “đút lót” cho cán bộ để được đi lao động nước ngoài, nhưng họ cũng rất muốn quay lại Nga.

Một thợ quét vôi 52 tuổi có 2 năm làm việc ở Nga cho biết ông đã chọn cái tên Nga Dima. Ông thích công việc và cơ hội kiếm ngoại tệ cho chính ông và cho cả quê hương. Giấy phép lao động ở Nga của ông sẽ hết hạn vào năm 2018 và ông sẽ phải về nước: “Tôi hy vọng sẽ được quay lại”.

Giám đốc này còn nói lao động Triều Tiên làm việc “suốt nhiều giờ” mà chẳng phàn nàn. Thậm chí vào dịp cuối tuần, họ gọi ông dậy lúc 6 giờ sáng nếu ông không đến chỗ họ làm việc: “Họ không nhận ngày nghỉ, chỉ ăn, làm, ngủ và không làm gì khác. Họ cũng chẳng ngủ nhiều”.

Ông còn nói người Triều Tiên vẫn lao động ở Nga dù cực và bị “trích tiền lương” nhiều, nhưng họ có thể sống khỏe hơn ở quê hương của họ.

Georgy Toloraya, một cựu quan chức ngoại giao Nga ở Bình Nhưỡng, nói: “Đó không phải nô lệ lao động mà là lao động nặng. Và ở đây vẫn tốt hơn ở Triều Tiên”.

Trung Trực (theo New York Times)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/su-khon-kho-cua-lao-dong-xuat-khau-trieu-tien-o-nga-66976.html