Sự kiện 24/7: Tài xế container đâm Innova đi lùi lĩnh án 6 năm

Tài xế vụ tai nạn xe container tông xe Innova chở 10 người đi lùi trên đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên Lê Ngọc Hoàng bị tuyên phạt 6 năm tù giam đang gây bức xúc trong dư luận.

Sau hai ngày xét xử, chiều 2/11, HĐXX TAND tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra phán quyết cuối cùng tuyên 6 năm tù giam đối với Lê Ngọc Hoàng (SN 1985, ở Thái Bình) là tài xế điều khiển xe container đâm vào xe Innova chở theo 10 người đi đám cưới và đang lùi trên đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Hậu quả vụ tai nạn trên làm 4 người tử vong tại chỗ. Theo đó, HĐXX cũng tuyên tài xế xe Innova Ngô Văn Sơn (SN 1978, ở Bắc Ninh), 9 năm tù.

Trước đó, theo án sơ thẩm, ngày 19/11/2016, bị cáo Sơn điều khiển xe Innova chở 10 người đi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Bị cáo muốn đón người tại thành phố Sông Công nhưng khi tới nút giao Yên Bình lại đi quá lối rẽ nên lùi lại.

Cùng lúc này, bị cáo Hoàng điều khiển xe container chở hơn 26 tấn thép đi tới, đâm vào xe của Sơn khiến 4 người chết, 2 phương tiện bị hư hỏng nặng. Đo nồng độc cồn xác định, bị cáo Sơn có uống rượu trước lái xe, bị cáo Hoàng không.

Ngày 10/5, TAND thị xã Phổ Yên Tại xử sơ thẩm, tuyên cả 2 bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, phạt Sơn 10 năm tù, bị cáo Hoàng 8 năm tù. Về dân sự, bị cáo Ngô Văn Sơn bồi thường hơn 707 triệu đồng, Cty Hiếu Thảo - chủ sở hữu container phải bồi thường 420 triệu đồng cho các nạn nhân. Sau đó, bị cáo Hoàng kháng cáo kêu oan.

Tại tòa, bị cáo Sơn khai tới nút giao Yên Bình, bị cáo đỗ xe để cho một cháu bé xuống nôn, có bật đèn cảnh báo. Sau đó, bị cáo về số, nhìn qua gương thấy không có phương tiện khác nên lùi xe nhưng bị đâm lập tức.

Bị cáo Lê Ngọc Hoàng khai, lúc đó bị cáo chở 10 bó thép đi với tốc dộ 60-65km/h, đến nút giao Yên Bình phát hiện trước mặt có một chiếc xe màu trắng, nháy đèn đỏ. Bị cáo liền rà phanh và chuyển sang làn đường bên trái nhằm để tránh nhưng vẫn tông phải.

Ông Hà Xuân Đức - Giám định viên Bộ Công an cho biết đã trích xuất thiết bị giám sát hành trình trên xe container. "Theo như dữ liệu chúng tôi, trong thời điểm lúc 15h38p59' tốc độ được ghi ở trong bộ nhớ giám sát hành trình xe container là 62km/h, thời điểm giây tiếp theo giám sát hành trình ghi tốc độ là 0. Căn cứ vào dữ liệu giám sát hành trình chúng tôi không ghi nhận trước thời điểm 15h38p 59'" - ông Đức nói.

Sau nghị án, HĐXX cho rằng Hoàng đã không chú ý quan sát, không giảm tốc độ về an toàn nên khi 2 xe cách nhau 30m mới phát hiện xe innova đang lùi rồi nhấn phanh. Việc này vi phạm thông tư liên tịch số 91 về khoảng cách an toàn giữa 2 xe; Hoàng phạm lỗi vô ý, quá tự tin. Về phần dân sự, tòa thấy cần tăng tiền bồi thường tổn thất tinh thần cho 1 gia đình bị hại. Bị cáo Sơn chịu 2/3, Hoàng chịu 1/3 tổng số tiền bồi thường cho các bị hại.

Tuy nhiên, HĐXX thấy cần giảm một phần hình phạt cho các bị cáo để động viên, sớm cho các bị cáo trở về với xã hội. Vì vậy, tòa tuyên phạt Ngô Văn Sơn án 9 năm tù; Lê Ngọc Hoàng án 6 năm tù....

Dự luận cho rằng: Chỉ vì một chiếc xe, được điều khiển từ một người miệng nồng nặc mùi rượu, chở quá số người và quan trọng nhất, đi lùi trên cao tốc đã khiến một người tử tế lâm vòng lao lý, gia đình khuynh gia bại sản. Chỉ vì một bản án thiếu tình, vô lý, một con người có gia đình, vợ con đã sụp đổ niềm tin, đã tuyệt vọng đến mức tự sát (bất thành) trong trại giam.

Hơn 2.200 người dân Thủ Thiêm nộp đơn sau kết luận kiểm tra

Đến hết ngày 18/10 đã có 2.206 hộ dân thuộc KĐTM Thủ Thiêm đến UBND quận 2 nộp đơn kiến nghị, phản ánh, nội dung chủ yếu yêu cầu được biết chính sách, chủ trương và được giải quyết bồi thường, hỗ trợ khi nhà đất nằm ngoài ranh quy hoạch.

Đây là nội dung trong báo cáo của Thanh tra TP.HCM về tình hình khiếu nại đông người trên địa bàn TP 9 tháng đầu năm sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.

Ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng Ban Tiếp công dân trung ương, trò chuyện với người dân Thủ Thiêm sau buổi tiếp xúc sáng 18/10 - Ảnh: TỰ TRUNG

Ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng Ban Tiếp công dân trung ương, trò chuyện với người dân Thủ Thiêm sau buổi tiếp xúc sáng 18/10 - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo đánh giá của Thanh tra TP, việc thanh tra Chính phủ công bố kết quả kiểm tra (ngày 4/9) chưa làm phát sinh các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người nhưng có tác động rõ rệt đến thái độ của người dân đang thực hiện quyền khiếu nại tố cáo riêng lẻ và các hộ dân thuộc 12 vụ việc đông người, kéo dài từ trước đến nay.

Riêng tại quận 2, tính đến hết ngày 18/10 đã có 2.206 hộ dân thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đến UBND quận 2 nộp đơn kiến nghị, phản ảnh (đơn riêng lẻ) với nội dung tập trung về yêu cầu được biết chính sách, chủ trương và được giải quyết bồi thường, hỗ trợ khi nhà đất nằm ngoài ranh quy hoạch.

Thanh tra TP có một số kiến nghị để chủ động ngăn ngừa và ổn định tình hình an ninh trật tự. Trong đó có kiến nghị Chủ tịch UBND TP giao thủ trưởng các sở ngành, chủ tịch UBND các quận huyện nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong tiếp dân, quán triệt cán bộ công chức nỗ lực, tự giác, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính…

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các kết luận, chỉ đạo của UBND TP về khu đô thị mới Thủ Thiêm, chủ động nắm bắt những diễn biến trong nhân dân khi thực hiện việc khiếu nại tố cáo phản ánh kiến nghị liên quan.

Bộ Công an lấy ý kiến về nghị định hướng dẫn luật An ninh mạng

Bộ Công an vừa công bố dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp hồi tháng 6/2018.

Đây là dự thảo lần thứ 2, hoàn thiện ngày 31/10/2018 và theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, dự thảo nghị định này sẽ được lấy ý kiến trong vòng 2 tháng kể từ ngày đăng tải.

Theo Điều 28, Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.

Hé lộ chủ nhân của 18 công trình vi phạm thuộc đất rừng phòng hộ Sóc Sơn

Theo lãnh đạo xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) trong tháng 11 này, xã sẽ cương quyết cưỡng chế xong 18 công trình vi phạm. Thông báo của UBND huyện Sóc Sơn đã nêu tên chủ nhân của 18 công trình vi phạm.

Từ ngày 01/11, ông Nguyễn Văn Hân – Chủ tịch UBND xã Minh Phú bị tạm đình chỉ công việc để tập trung chỉ đạo giải quyết 18 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng.

Lãnh đạo xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) xác nhận, 18 hộ gia đình có công trình vi phạm đều nằm trong thôn Lâm Trường của địa phương. Vị này cho biết, tháng 11 tới sẽ cương quyết cưỡng chế xong 18 công trình vi phạm.

Hiện, trong 18 công trình vi phạm, đã có 3 công trình người dân tự nguyện tháo dỡ phần vi phạm. Những công trình vi phạm còn lại đang tiếp tục rà soát rất cụ thể và thực hiện việc vận động, tuyên truyền.

Căn cứ theo thông báo của UBND huyện Sóc Sơn, chủ nhân của 18 công trình vi phạm gồm: Gia đình bà Trần Thị K, ông Phạm Đức Th, bà Lê Quỳnh Tr, ông Hoàng V, bà Nguyễn Thị T, ông Nguyễn Hồng T, ông Lê Xuân L, bà Tạ Bích Th, ông Đỗ Việt H, bà Vũ Thị H, bà Đào Thị Thu Th, bà Nguyễn Thị T, bà Vũ Thị H, ông Nguyễn Hải H, bà Nguyễn Thị Th, ông Phạm Mạnh H, bà Lâm Thị Minh Ph.

Ngoài 17 hộ trên, còn có công trình của gia đình ông Ngô Văn Cam - đang là Trưởng thôn Lâm Trường cũng bị đưa vào danh sách 18 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất thuộc quy hoạch là rừng phòng hộ.

Hiện, đã có 3 hộ tự tháo dỡ phần vi phạm.

Tuy nhiên, rất nhiều chủ nhân của công trình trên địa bàn ngỡ ngàng khi biết có tên trong danh sách những công trình vi phạm theo thông báo của UBND huyện Sóc Sơn. Vì vậy, những hộ gia đình này không đồng tình về việc trên và có đơn đề nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại.

Quảng Ngãi: Hơn 1.300 gia đình chính sách chưa được hỗ trợ xây nhà ở

Tỉnh Quảng Ngãi hiện còn hơn 1.300 hộ gia đình người có công với cách mạng chưa được hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Trong giai đoạn 1, từ năm 2015- 2017, địa phương này đã hoàn thành xây dựng gần 3.100 nhà ở với kinh phí hơn 98 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Giai đoạn 2, sau khi điều chỉnh, bổ sung, tổng số hộ gia đình người có công trên địa bàn trong diện hỗ trợ xây dựng nhà ở trong năm nay là hơn 5.500 hộ với kinh phí hơn 160 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay, mới hơn 2.700 nhà hoàn thành. Một trong những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng đó là, một số hộ gia đình xin chuyển qua phương án sửa chữa và ngược lại. Do vậy, danh sách phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch đề ra. Một số hộ nằm trong vùng dự án được qui hoạch nhưng chưa giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư nên không được xây dựng, sửa chữa nhà ở…

Ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Một số hộ trước đây không nằm trong đề án nhưng họ thuộc diện người có công chưa được hưởng, hiện nay nhà cửa xuống cấp. Chúng tôi đề nghị các huyện thống kê, cập nhật, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ, cho phép tỉnh Quảng Ngãi biến đổi để đảm bảo cho người có công theo nguồn kinh phí đã giao hợp lý hơn, hoàn thành theo kế hoạch Nghị quyết 63 đã đề ra".

Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung gần 27.000 biên chế giáo viên mầm non

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 60 ngày 26/10/2011 đã quy định một số chính sách đối với phát triển giáo dục mầm non.

Để thực hiện chủ trương đó, Bộ GD-ĐT đã thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi. Bên cạnh đó là thực hiện giáo viên đang dạy chế độ hợp đồng tại các cơ sở mầm non dân lập và bán công sẽ được hưởng tất cả các chế độ như giáo viên mầm non công lập.

Tuy nhiên, từ năm 2011 cho đến nay, rất ít địa phương thực hiện việc chuyển từ chế độ hợp đồng sang biên chế cho giáo viên ngành mầm non.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, vấn đề thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 và thực hiện Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6, đây là một chủ trương lớn, trong đó có các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và ngành giáo dục nói riêng. Nhưng riêng ngành giáo dục, có thể nói đây là ngành có tỷ lệ người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động nhiều nhất, gần 1 triệu giáo viên. Đặc điểm của ngành này là thừa thiếu cục bộ ở từng địa phương trong từng cấp học, bậc học.

Theo số liệu báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện nay trong toàn ngành, từ cấp mầm non đến phổ thông thiếu 107.996 giáo viên, trong đó số thừa là 8.997 giáo viên so với định mức. Riêng mầm non thiếu 65.065 giáo viên, số tiểu học thiếu hơn 20.000 giáo viên, trong đó tiểu học có thiếu nhưng cũng có thừa.

Theo kết luận tại cuộc họp tháng 5/2018 của Thủ tướng Chính phủ qua Nghị quyết 74 và Nghị quyết 24 ngày 6/10/2018, Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ cùng với Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính tham mưu trong việc đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp dạy, đặc biệt là việc thiếu giáo viên của hệ mầm non.

Bộ Nội vụ cũng đã có hai văn bản trình Chính phủ, trong đó có Văn bản số 5068 ngày 11/10/2018, đề nghị Chính phủ xem xét và bổ sung biên chế cho bậc mầm non đối với 17 tỉnh có tăng dân số cơ học là 20.973 giáo viên và 15 tỉnh Tây Nguyên là 5.735 giáo viên. Bên cạnh đó là rà soát lại tất cả giáo viên hợp đồng trước năm 2015 để chúng ta có cách xử lý phù hợp trong điều kiện ưu tiên để tuyển chọn số giáo viên trong biên chế chưa tuyển đủ.

Vân Nhi (tổng hợp)

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/su-kien-247-tai-xe-container-dam-innova-di-lui-linh-an-6-nam-post23453.html