Sự kiện 24/7: Tập trung khắc phục hậu quả bão số 10, đề xuất sang tên sổ đỏ phải nộp thuế VAT

'Điểm danh' những vấn đề nóng diễn ra trong tuần, bên cạnh công tác khắc phục hậu quẩ bão số 10, rất nhiều vấn đề thu hút sự quan tâm của bạn đọc như: Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải báo cáo việc xử lý 12 dự án thua lỗ; hay Petro Vietnam lên tiếng về việc lập quỹ đen trong đại án OceanBank và đặc biệt là đã bắt được 2 tử tù bỏ trốn.

Thủ tướng: “Không nói dài, nói nhiều, tập trung đưa giải pháp"

Sáng 16/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chuyến công tác đột xuất chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 10 tại hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An. Trước đó, ngày 15/9, Thủ tướng đã hủy hàng loạt cuộc làm việc tại các địa phương phía Nam để bay ra miền Trung, đi đường bộ từ Đà Nẵng tới Quảng Bình thị sát hiện trường.

Cùng đi có Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và đại diện một số bộ, ngành chức năng.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tại trụ sở UBND thị xã Kỳ Anh, Thủ tướng cho rằng bão số 10 đã gây thiệt hại lớn cho địa phương: “Hôm nay, Thủ tướng trực tiếp kiểm tra tình hình và đưa ra giải pháp tập trung, không cần nói dài, nói nhiều vì hôm qua đã nói rồi. Cuộc họp chỉ diễn ra 30 phút thôi”, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần làm việc.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các lực lượng nhanh chóng khắc phục hậu quả bão.

Điều quan trọng là “những giải pháp nào được đưa ra trong tình hình này”, làm sao không để còn cảnh tiêu điều những nơi bão đi qua, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân, để các cháu học sinh đến trường bình thường, không để 5/13 huyện mất điện như hiện nay.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng cho rằng trong ứng phó bão số 10, hệ thống phòng chống thiên tai đã được phát huy, đặc biệt tinh thần “4 tại chỗ” đã thấm đến người dân và hệ thống chính trị. Công tác dự báo bão tương đối chính xác. Vai trò của truyền thông được phát huy, do đó, người dân đã tự giác nhận thức và hành động. Thủ tướng cho biết trên đường đi công tác thì hầu như không thấy người dân ra đường trong bão.

Về một số công việc thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc khắc phục hậu quả bão. Lực lượng quân đội, công an tăng cường cho các địa phương đủ quân số cần thiết.

“Tinh thần là không được để nhân dân sống màn trời chiếu đất, đứt bữa, đói cơm lạt muối”, Thủ tướng nêu rõ. Không để xảy ra dịch bệnh. Chậm nhất trong 5 ngày nữa phải khôi phục, cấp lại điện hoàn toàn cho người dân, dọn dẹp xong môi trường. Phải nhanh chóng sửa chữa nhà cửa của người dân bị đổ, tốc mái. Khẩn trương khôi phục sản xuất. Bảo đảm an toàn các công trình hồ đập, vận hành hồ thủy điện cắt lũ cho hạ du; bảo đảm giao thông thông suốt.

Rời Hà Tĩnh, trưa 16/9, Thủ tướng và đoàn công tác tiếp tục thị sát tình hình thiệt hại do bão số 10 tại tỉnh Nghệ An.

Tại trường tiểu học Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, một điểm bị thiệt hại do bão (tốc mái), Thủ tướng đã nghe Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tình hình thiệt hại và các giải pháp khắc phục hậu quả bão trên địa bàn.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh huy động các lực lượng tập trung khắc phục, hỗ trợ dân sửa chữa nhà cửa, trường học để các cháu học sinh có thể đi học bình thường vào sáng thứ Hai tuần tới, khẩn trương ổn định cuộc sống người dân.

Cho rằng các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, thiệt hại đã được hạn chế ở mức thấp trước cơn bão rất mạnh.

Bộ trưởng đánh giá, nòng cốt trong phòng chống thiên tai là lực lượng công an, quân đội. Yếu tố quyết định thành công là cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là cấp cơ sở. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tâm đắc với phương châm phòng tốt, chống tốt nhưng phục hồi phải tốt nhất, Bộ trưởng nói và khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương khắc phục hậu quả bão.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, sẽ chỉ đạo ngành điện khẩn trương khắc phục hệ thống lưới điện, cố gắng đến ngày mai, cấp lại điện cho 80% hộ dân của Hà Tĩnh, ngày kia cấp lại hoàn toàn.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, hệ thống giao thông cơ bản thông suốt. Ngành sẽ tập trung khắc phục điểm sạt lở trên một số tuyến quốc lộ, hỗ trợ giao thông nông thôn.

Đại diện Quân khu 4 cho biết đã điều hơn 22.000 người, đại diện Bộ Công an cũng báo cáo đã tăng cường 9.000 quân cho 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả bão và sẵn sàng cử quân theo yêu cầu của địa phương.

Tính đến sáng 16-9, theo thống kê nhanh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đã có ít nhất ba người chết, tám người bị thương, hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng và bị ngập do bão số 10.

Cụ thể, ba người chết tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế; tám người bị thương (gồm Nghệ An: một, Quảng Bình: sáu, Thừa Thiên-Huế: một).

Cũng theo thống kê có 19 nhà bị sập (trong đó Quảng Bình: 13, Quảng Trị: 5, Thừa Thiên-Huế: 1); 23.968 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 5.489 nhà bị ngập (Hà Tĩnh: 3.989 nhà, Quảng Bình: 1.500 nhà).

Bộ Công Thương phải báo cáo tình hình xử lý 12 dự án thua lỗ trước 30/9

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ liên quan dự thảo Báo cáo Thường trực Ban Bí Thư, Quốc hội về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án, doanh nghiệp thuộc ngành công thương thời gian vừa qua, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2017.

Bộ Công Thương kiên quyết chỉ đạo, đôn đốc các dự án, doanh nghiệp hoàn thành cơ bản việc xử lý tồn tại, vướng mắc về hợp đồng EPC trong năm 2017.

Trường hợp phức tạp, còn nhiều vướng mắc thì xem xét, cho gia hạn đến hết Quý I/2018, doanh nghiệp, dự án phải rà soát, báo cáo và có cam kết, lộ trình xử lý cụ thể.

Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc việc kiện toàn Ban Chỉ đạo ở các đơn vị cơ sở và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về tình hình, tiến độ xử lý của các dự án, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2017 tình hình vay vốn của 12 dự án, doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng, việc xử lý nợ thời gian qua; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tái cơ cấu nợ đối với các dự án, doanh nghiệp theo quy định và theo nguyên tắc cùng chia sẻ rủi ro trong đầu tư, kinh doanh.

Bộ Tài chính đề xuất việc xử lý, cơ cấu lại các khoản nợ vay của các dự án, doanh nghiệp tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2017.

PetroVietnam lên tiếng việc 'lập quỹ đen' trong đại án OceanBank

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) vừa có thông tin phản hồi quanh nghi vấn việc lập quỹ đen ở PetroVietnam, liên quan tới đại án OceanBank. "Tập đoàn khẳng định không có chủ trương này", văn bản gửi tới báo chí của PetroVietnam viết.

Theo lời khai của ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng giám đốc OceanBank tại tòa, giai đoạn làm tổng giám đốc đã cảm ơn ông Ninh Văn Quỳnh 30-40 tỷ đồng. Giai đoạn sau đó, Hà Văn Thắm đưa bao nhiêu thì bị cáo Sơn chuyển toàn bộ cho ông Ninh Văn Quỳnh để chi đối ngoại cho Tập đoàn Dầu khí.

PetroVietnam khẳng định không có việc lập quỹ đen tại tập đoàn này trong giai đoạn 2011 - 2014.

Khoản tiền này theo bị cáo Sơn được dùng để chi đối ngoại trong đó chủ yếu là chi cho các dịp lễ Tết do thực tế chế độ tài chính không cho phép nên sử dụng tiền này này để phục vụ.

Từ đó, nghi vấn có “quỹ đen” ở tập đoàn này được đặt ra, và theo bị cáo Sơn việc chi tiền chủ yếu cho dịp Tết Âm lịch mỗi năm trong giai đoạn 2011-2014 là khoảng 30-50 tỷ đồng một năm.

Trong văn bản, PetroVietnam cũng đề cập tới việc mở rộng điều tra, khởi tố 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản tại 3 đơn vị là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) và khởi tố bổ sung đối với bị can Ninh Văn Quỳnh - nguyên Phó tổng giám đốc PetroVietnam. Theo đó, tập đoàn cho biết đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý tồn tại, hạn chế, giảm thiểu tác động tiêu cực đến mọi mặt hoạt động của đơn vị.

Đề xuất sang tên sổ đỏ cũng phải nộp thuế VAT

Ý tưởng đánh thuế VAT khi chuyển quyền sử dụng đất của Bộ Tài chính đang vấp phải nhiều phản đối. Những phản đối với đề xuất của Bộ Tài chính đưa chuyển quyền sử dụng đất vào diện chịu thuế VAT được nêu ra tại hội thảo lấy ý kiến về đề xuất sửa đổi 5 Luật Thuế sáng 14/9.

Theo bản dự thảo mới đây, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định "chuyển quyền sử dụng đất không chịu VAT" sang mức thuế suất thông thường 10%. Như vậy, khi sang tên sổ đỏ theo diện mua bán, người dân sẽ phải chịu thêm 10% VAT.

Quyền sử dụng đất cũng đang được đề xuất phải chịu VAT.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản đã phản đối đề xuất này và cho rằng sẽ tác động rất lớn đến thị trường bất động sản, thậm chí đẩy giá nhà lên cao. Theo tính toán của ông, nếu áp cả VAT khi chuyển quyền sử dụng đất, mỗi giao dịch bán nhà sẽ đội thêm 10-15% chi phí. Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội này còn cho rằng thị trường bất động sản hiện 70% là nhà ở.

"Rất nhiều người cần cải thiện nhà ở mà giá nhà, vật liệu vốn đã tăng, thuế tăng thêm nữa sẽ khiến giá đội lên rất nhiều", ông nói.

Đại diện đơn vị kiểm toán độc lập, tư vấn thuế Deloitte cũng cho rằng áp thuế VAT với chuyển quyền sử dụng đất là không phù hợp. Phó tổng giám đốc Deloitte Bùi Ngọc Tuấn cho biết, quyền sử dụng đất không phải một hàng hóa thông thường, không thỏa mãn điều kiện là một hàng hóa.

"Quyền sử dụng đất là quyền pháp lý. Các quy định hiện hành về VAT đều không coi các quyền là hàng hóa chịu VAT. Ngoài ra, đất là tài sản Nhà nước, chỉ cho phép người dân sử dụng, định đoạt như chuyển nhượng, tặng, cho... chứ không được sản xuất, lưu thông, tiêu dùng như hàng hóa bình thường", ông Tuấn phân tích.

Bên cạnh đó, Deloitte cũng cho rằng các cá nhân, hộ gia đình đã phải nộp tiền sử dụng đất (tiền thuê đất). "Nếu tiếp tục đánh thuế VAT trên giá trị quyền sử dụng đất thì có thể xảy ra tình trạng thuế phí chồng thuế phí", ông Tuấn nói.

Trước đó, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ giao Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Bộ trong năm 2017 chưa tăng thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng cũng đã nêu rõ, với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, trước mắt, chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Hai tử từ vượt ngục bị bắt sau 6 ngày trốn chạy

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Bộ Công an cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc hai tử tù Nguyễn Văn Tình (SN 1989, trú tại Lập Thạch, Đông Xuân, Quốc Oai) và Lê Văn Thọ (SN 1980, trú Thùy Lâm, Thanh Sơn, Thanh Hà, Hải Dương) bỏ trốn khỏi trại tạm giam T16 vào tối ngày 10/9, lãnh đạo Bộ đã có chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, truy bắt.

Lãnh đạo Bộ Công an đã giao cho Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo các đơn vị chức năng, công an các tỉnh, thành phố trong cả nước khẩn trương truy bắt 2 tử tù trốn trại này.

Hình ảnh và lệnh truy nã hai tử tủ được dán tại bảng thông báo ở Khu tập tể số 16 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Bộ Công an cũng giao Công an thành phố Hà Nội thực hiện các biện pháp điều tra, làm rõ vụ trốn khỏi nơi giam giữ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Một lãnh đạo của Cục Cảnh sát Hình sự (C45) cũng cho hay, hiện cán bộ, trinh sát của Cục theo chỉ đạo của Tổng Cục Cảnh sát đang phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của Bộ, công an các tỉnh, thành phố trên cả nước tiến hành truy bắt hai tử tù này.

* Sáng 17-9, trung tướng Trần Văn Vệ - quyền tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an - cho biết một tổ công tác của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) phối hợp với Công an Hòa Bình đã tổ chức vây bắt thành công tử tù trốn trại Nguyễn Văn Tình.

Tên Tình bị bắt vào khoảng 1h15 ngày 17-9 khi đang trốn tại khu vực gần hai xã Hang Kia, Pà Cò, thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

"Tình bị bắt khi đang trốn ở khu rừng núi, chuẩn bị tìm cách vào Hang Kia, Pà Cò và vào Lóng Luông của huyện Vân Hồ, Sơn La, một trong những điểm nóng về ma túy", ông Vệ nói.

Theo ông Vệ, khi lực lượng chức năng vây bắt, Tình có biểu hiện chống đối, trốn tránh, tuy nhiên các chiến sĩ cánh sát đã sử dụng nghiệp vụ và tổ chức vây bắt thành công, an toàn.

Tổ công tác của C47 đã tổ chức di lý Tình về trại tạm giam T16 ngay trong đêm.

* Trước đó, chiều tối 16-9, Cục Cảnh sát hình sự cũng tổ chức vây bắt thành công tên Lê Văn Thọ (tức Thọ "sứt") khi tử tù này đang ngồi trên taxi lẩn trốn tại khu vực huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Thọ "sứt" và Tình là hai tội phạm rất nguy hiểm với nhiều tiền án, tiền sự và bị kết án tử hình nên bị nhốt chung phòng biệt giam của Trại tạm giam T16, Bộ Công an.

Thọ "sứt" bị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam tuyên án 20 năm tù do phạm tội giết người; 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Lê Văn Thọ phải chấp hành chung cho cả 3 tội là tử hình.

Điều lạ lùng là Thọ thực hiện các hành vi phạm tội trên khi đang chấp hành án phạt tù có thời hạn tại trại giam Nam Hà của Bộ Công an. Mặc dù bị giam giữ nhưng Thọ vẫn gọi điện thuê và chỉ đạo các đối tượng ngoài xã hội thực hiện hành vi giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán trái phép chất ma túy.

Trong khi đó, Tình cũng bị tuyên án tử hình trong vụ án giấu gần 500 bánh heroin trong bình gas công nghiệp.

Tố Loan (tổng hợp)

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/su-kien-247-tap-trung-khac-phuc-hau-qua-bao-so-10-de-xuat-sang-ten-so-do-phai-nop-thue-vat-post1830.html