Sự kiện nổi bật trong tuần: Thực thi CPTPP - Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được Quốc hội thông qua được coi là dấu mốc quan trọng trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Ở đó, những cam kết thế hệ mới sẽ 'thúc' Việt Nam đẩy nhanh hơn quá trình tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. CPTPP cũng mở ra một thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, nơi có sân chơi công bằng hơn với các nước lớn.

 Ngân hàng Thế giới dự báo CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới dự báo CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia thứ 7 thông qua CPTPP. Trước đó New Zealand, Canada, Australia, Nhật Bản, Mexico và Singapore đã thông qua hiệp định này.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã nghe tờ trình của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Theo tờ trình, CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ trong bối cảnh Mỹ rút khỏi TPP.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho hay việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp nước ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Ngay sau khi Hiệp định CPTPP được Quốc hội phê chuẩn, bên hành lang Quốc hội, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về việc Bộ Công Thương sẽ triển khai những công việc gì để tận dụng cơ hội từ CPTPP.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, trước tiên Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao làm thủ tục pháp lý thông báo với nước lưu chiểu là New Zealand để khẳng định việc phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam, nghĩa là thủ tục pháp lý của Việt Nam đã hoàn tất cùng với các nước khác.

Tiếp đến, công việc rất cần triển khai sớm là chủ trì xây dựng chương trình hành động của Chính phủ. Đây là điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và then chốt vì Hiệp định còn rất ít thời gian sẽ có hiệu lực.

Đây là hiệp định rất toàn diện, tác động mạnh đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước ta ngay trong năm 2019 tới. Vì vậy việc tổ chức xây dựng chương trình hành động tổng thể cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân có ý nghĩa then chốt để các chủ thể có điều kiện triển khai hành động, khai thác thời cơ, vượt qua thách thức.

Trong quá trình triển khai thực hiện, phải đặc biệt rút kinh nghiệm từ việc ký kết và thực hiện các hiệp định trước cũng như việc gia nhập WTO. Các bài học kinh nghiệm vẫn còn nóng hổi ở cả góc độ vĩ mô và các câu chuyện rất cụ thể.

Một số vấn đề cần phải có cách tiếp cận toàn diện và tổng thể hơn, chẳng hạn như quan điểm tiếp cận với khu vực doanh nghiệp phải được coi là then chốt vì đây là yếu tố đảm bảo sự thành bại của nền kinh tế. Trong chương trình hành động, vai trò của nhà nước, chính quyền các cấp, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp phải làm rõ ràng.

Đặc biệt cần tránh tâm lý cộng đồng doanh nghiệp thụ động, thiếu sự tiếp cận chủ động mà đợi chờ cơ chế hỗ trợ. Tất nhiên chúng ta không phủ nhận tác động của Hiệp định có thể gây thiệt hại cho một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp... nhưng chúng ta phải xác định rõ tinh thần kinh tế thị trường với sự chủ động của doanh nghiệp.

Bài học đặt ra cho thấy vai trò của Hiệp hội là rất quan trọng, nhà nước không thể vươn bàn tay mình để hỗ trợ từng doanh nghiệp mà phải thông qua bàn tay nối dài là các Hiệp hội ngành hàng - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý.

Hiệp định CPTPP gồm 7 điều, 1 phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước ký ngày 6/2/2016 tại New Zealand, cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập CPTPP.

Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên nội dung của hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ, trong đó 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 liên quan tới mua sắm Chính phủ và 7 liên quan tới quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới; dịch vụ tài chính, viễn thông, môi trường, minh bạch hóa và chống tham nhũng...

Đắc Nguyên

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thoi-su/trong-nuoc/su-kien-noi-bat-trong-tuan-thuc-thi-cptpp-tan-dung-thoi-co-vuot-qua-thach-thuc-49070