Sự kiện quốc tế 29/10-4/11: Vĩnh biệt 'Minh chủ võ lâm' Kim Dung

Tiểu thuyết gia nổi tiếng người Trung Quốc Kim Dung vừa qua đời ở tuổi 94, cùng vụ tai nạn máy bay thương thương của Lion Air là hai trong số những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Vĩnh biệt Kim Dung - "Minh chủ võ lâm" của văn đàn Trung Quốc

Ngày 30/10, truyền thông Trung Quốc đưa tin Kim Dung, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Trung Quốc với hàng loạt tác phẩm võ hiệp kinh điển, vừa qua đời ở tuổi 94.

Với nhiều thế hệ độc giả, Kim Dung được nhắc đến như một trong những tiểu thuyết gia xuất sắc và có ảnh hưởng bậc nhất đến nền văn học Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung.

Tác giả Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc trong một gia tộc có thể nói là "bảng vàng danh giá."

Ông có ông cố là nhà thơ nổi tiếng đời nhà Thanh và ông nội làm tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô.

Từ nhỏ, ông đã bộc lộ là một người thông minh, lanh lợi và rất yêu thích văn học.

Năm lên 8 tuổi, ông lần đầu đọc tiểu thuyết kiếm hiệp và dần say mê với thể loại văn học này.

Trong suốt sự nghiệp cầm bút, Kim Dung đã hoàn thành tổng cộng 14 tiểu thuyết và 1 truyện ngắn. Hầu hết trong số đó đều được đặt trong những bối cảnh có thật của lịch sử phong kiến Trung Quốc.

Bên cạnh phần nội dung hấp dẫn, tình tiết ly kỳ và cách tạo dựng nhân vật độc đáo, các tác phẩm của Kim Dung còn được đánh giá rất cao về triết lý sống và nhân sinh quan sâu sắc.

Tất cả tạo nên một thế giới kiếm hiệp Kim Dung riêng biệt và là một phần không thể thiếu trong ký ức của nhiều thế hệ người hâm mộ.

Ngày nay, nhắc đến Kim Dung là nhắc đến những tác phẩm lớn là nguồn cảm hứng bất tận trong điện ảnh. Rất nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim truyền hình.

Người ta khó có thể đếm được số lần "Thiên long bát bộ," "Lộc Đỉnh ký" hay "Thần điêu đại hiệp" được dựng thành phim.

Theo thống kê, tính đến tháng 3/2017, đã có tất cả 98 tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung, đây là một con số kỷ lục mà bất cứ nhà văn nào trên thế giới cũng phải mơ ước.

Trong số 15 tiểu thuyết và truyện ngắn đã phát hành của Kim Dung, "Ỷ Thiên Đồ Long ký” là tác phẩm được chuyển thể nhiều nhất lên màn ảnh với 14 lần (7 phim điện ảnh và 7 phim truyền hình).

Những năm 1980 đến 2000 là thời kỳ điện ảnh Trung Quốc đại lục và đặc biệt là Hong Kong có nhiều bước nhảy vọt lớn. Đây cũng là giai đoạn đỉnh cao của các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung (với 61 tác phẩm).

Với nguồn kịch bản "bất tận" từ các tác phẩm của Kim Dung, có thể nói, đây là một trong số những nguồn năng lượng lớn thúc đẩy nền điện ảnh Trung Quốc đại lục và Hong Kong tăng tốc mạnh mẽ, thu hút hàng triệu người hâm mộ trên toàn châu Á.

Với 98 tác phẩm điện ảnh và gần 4.000 tập phim truyền hình (chưa tính đến thể loại hoạt hình và các thể loại kịch sân khấu khác), các tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung đã nối lại với nhau như một thước phim dài bất tận mà nếu muốn xem hết, bạn sẽ phải mất 10 năm hoặc nhiều hơn thế.

Nhà văn Kim Dung phát biểu tại trường đại học Bắc Kinh ngày 18/6/2007. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tai nạn máy bay của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) làm toàn bộ 189 người thiệt mạng

Sáng ngày 29/10, chiếc máy bay Boeing-737 Max 8 mang số hiệu JT610 của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) khi đang thực hiện lộ trình bay từ thủ đô Jakarta đến Pangkakpinang, thuộc tỉnh Bangka Belitung, đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu chỉ 13 phút sau khi cất cánh.

Các dữ liệu cho thấy máy bay đã lao xuống biển từ độ cao hơn 1.000 mét, với vận tốc 640km/h. Toàn bộ 189 người trên máy bay đều thiệt mạng.

Ngay sau đó, công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn đã được Indonesia triển khai khẩn trương.

Đến ngày 1/11, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay Lion Air JT 610 ở vị trí cách 500 mét từ tọa độ liên lạc cuối cùng của chiếc máy bay.

Hộp đen được tìm thấy nguyên vẹn ở độ sâu 30 mét dưới đáy biển và đã được bàn giao cho Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia (NTSC) để phân tích các dữ liệu.

Dựa trên các dữ liệu thông số kỹ thuật của máy bay được lưu tại hộp đen, như độ cao, tốc độ, tốc độ động cơ, radar, bao gồm cả máy lái tự động, các chuyên gia của NTSC sẽ phân tích để tìm ra nguyên nhân của vụ tai nạn.

Được thành lập vào năm 1999 và đặt trụ sở ở thủ đô Jakarta, Lion Air là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Indonesia và lớn thứ nhì Đông Nam Á.

Mặc dù có mức tăng trưởng nhanh, song hãng hàng không này cũng luôn phải đối mặt với nhiều câu hỏi về đáp ứng tiêu chuẩn an toàn hàng không.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã cấm các hãng hàng không Indonesia, trong đó có Lion Air, bay tới châu Âu và Mỹ vào năm 2007 do lo ngại an toàn.

Cho tới tháng 6-2016, Lion Air mới được phép tái triển khai các chuyến bay tới châu Âu.

Và vụ tai nạn máy bay vừa xảy ra ngày 29-10 của hãng hàng không Lion Air lại làm dấy lên những lo ngại về an toàn bay của Indonesia nói chung và hãng hàng không giá rẻ này nói riêng.

Lực lượng tìm kiếm và cứu hộ tập hợp mảnh vỡ máy bay và tư trang của các nạn nhân vụ rơi máy bay Lion Air JT610. (Ảnh: THX/TTXVN)

6 nước đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Ngày 31/10, Australia chính thức thông báo đã phê chuẩn CPTPP, trở thành quốc gia thứ 6 phê chuẩn hiệp định này.

Trước đó, 5 nước phê chuẩn CPTPP là Nhật Bản, Mexico và Singapore, New Zealand và Canada.

Như vậy, CPTPP đã được 6 nước tham gia phê chuẩn, đủ để hiệp định có hiệu lực sau 60 ngày theo quy định.

CPTPP hiện có 11 thành viên (gồm Australia, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, New Zealand, Canada, Mexico, Peru và Chile).

CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện. Không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như: cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại… mà còn CPTPP còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống, như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước...

Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

Với cam kết mở cửa thị trường, CPTPP được xem là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới.

Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do lớn nhất thế giới với một thị trường gần 500 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 10.000 tỷ, chiếm 13,5 % GDP thế giới.

Theo chương trình nghị sự, Quốc hội Việt Nam sẽ bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV này.

CPTPP được kỳ vọng mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường xuất khẩu mới ở châu Mỹ, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn, như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico… cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.

Đại diện 11 nước thành viên ký kết CPTPP tại Chile vào tháng 3/2018. (Nguồn: Reuters)

Thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định rút khỏi chính trường vào năm 2021

Ngày 29/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ rút khỏi chính trường sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2021.

Thông điệp này được bà Merkel đưa ra chỉ 1 ngày sau khi đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử tại bang Hessen.

Trước đó tại cuộc bầu cử bang Hessen ngày 28-10, đảng CDU chỉ giành được 27% phiếu bầu, mất tới 11,3% số phiếu so với cuộc bầu cử năm 2013.

Cuộc bầu cử ở bang Hessen được ví như một thước đo đối với nền chính trị ở thủ đô Berlin, và thất bại của CDU khiến uy tín của chính phủ đại liên minh và cá nhân Thủ tướng Angela Merkel xuống thấp.

Chính vì điều này, bà Merkel đã quyết định rút khỏi cuộc chạy đua vào chiếc ghế Chủ tịch CDU, vị trí mà bà đã nắm giữ liên tục 18 năm qua, tại đại hội của đảng này tổ chức ở thành phố Hamburg vào tháng 12 tới.

Thủ tướng Merkel khẳng định rằng bà sẽ không chạy đua vào bất cứ một vị trí chính trị nào sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2021.

Bà Merkel, 64 tuổi, nắm giữ vị trí lãnh đạo CDU từ năm 2000 và được bầu làm Thủ tướng Đức vào năm 2005. Trong những năm qua, bà được biết đến là nhân vật có tầm ảnh hưởng chính trị sâu rộng tại châu Âu và là một trong những Thủ tướng nắm quyền lâu nhất tại nước Đức.

Nếu không có gì thay đổi, nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 4 của bà Merkel sẽ kết thúc vào năm 2021 và đây cũng là thời điểm nước Đức tiến hành bầu cử liên bang để chọn ra nhà lãnh đạo mới.

Trước tuyên bố rút lui trên của bà Merkel, nhiệm vụ của đảng CDU hiện nay là tìm kiếm một vị chủ tịch mới.

Cuộc đua vào vị trí Chủ tịch CDU vào tháng 12 tới đang nổi lên những ứng cử viên sáng giá như Tổng thư ký CDU Annegret Kramp-Karrenbauer, Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn, Thủ hiến bang Nordrhein-Westfalen Armin Laschet và cựu Chủ tịch nhóm nghị sỹ CDU tại Quốc hội Friedrich Merz.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo tại trụ sở đảng CDU ở Berlin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch chấm dứt cấp quốc tịch Mỹ cho trẻ em nước ngoài sinh ra tại Mỹ

Ngày 30/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang có kế hoạch chấm dứt việc cấp quốc tịch Mỹ đối với những trẻ em nước ngoài được sinh ra tại nước này.

Đây được coi là biện pháp mạnh tay mới nhất mà Tổng thống Trump đưa ra trong bối cảnh chính trường Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng.

Theo Tổng thống Trump, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép một người bất kỳ nhập cảnh vào Mỹ, sinh con và đứa bé đó đủ điều kiện trở thành công dân Mỹ với những lợi ích trong suốt 85 năm.

Theo Hiến pháp Mỹ, tất cả những người sinh ra ở Mỹ sẽ được quyền trở thành công dân Mỹ, hưởng các lợi ích như một người Mỹ.

Ông Trump nhận định điều này thật "nực cười" và cần phải chấm dứt. Tuy nhiên, nếu muốn thay đổi chính sách này thì cần phải có sự đồng ý của 2/3 Quốc hội Mỹ.

Tuyên bố bất ngờ trên của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh khi quân đội Mỹ đã bắt đầu những bước đầu tiên triển khai hơn 5.200 binh sĩ tới biên giới với Mexico nhằm ngăn chặn dòng người di cư Trung Mỹ đang ồ đạt đổ về sát khu vực phía Nam của Mỹ.

Giới chức Mỹ tuyên bố đây chỉ là sự khởi đầu của “một đợt triển khai quân lớn hơn” để bảo vệ an ninh biên giới nước Mỹ trước dòng người nhập cư.

Những diễn biến dồn dập này cho thấy chính quyền Tổng thống Trump đang ngày càng quyết liệt và cứng rắn trong vấn đề nhập cư.

Đây cũng được xem như một động thái nhằm củng cố ưu thế của đảng Cộng hòa trong giai đoạn nước rút quan trọng khi cuộc bầu cử giữa kỳ đã đến rất gần vào ngày 6/11 tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hạ thủy lò phản ứng của nhà máy điện nguyên tử nổi đầu tiên trên thế giới

Ngày 2/11, Tập đoàn “Rosenergoatom” (Nga) đã hạ thủy thành công lò phản ứng của tổ máy nguyên tử nổi đầu tiên trên thế giới mang tên “Viện sỹ Lomonosov.”

Tổ máy nổi này thuộc nhà máy điện nguyên tử nổi tại Chukotka ở Bắc Cực.

Toàn bộ quá trình hạ thủy (cho đến chạy thử tại chỗ thiết bị điện hạt nhân) sẽ kéo dài đến đầu năm 2019.

Hiện tổ máy đang được tiếp nhiên liệu hạt nhân tại cảng Murmansk, sang năm 2019 tổ máy sẽ được kéo về cảng Pevek ở Chukotkva.

Tổ máy sẽ được chạy thử ở tất cả các chế độ, bao gồm chế độ bất thường, để xác nhận thông số thiết kế cũng như tuổi thọ 40 năm của mình.

Theo kế hoạch, tổ máy “Viện sỹ Lomonosov” sẽ đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố cảng, các khu công nghiệp ở vùng sâu vùng xa, giàn khoan dầu khí đặt trên biển khơi.

Ngoài ra, tổ máy này còn hoạt động như một nhà máy lọc nước và có thể xử lý đến 240.000 mét khối nước mỗi ngày.

Nhà máy điện nguyên tử nổi ở Atomflot thuộc Murmansk, miền Tây Bắc Nga. (Ảnh: Rosatom/ TTXVN)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/su-kien-quoc-te-2910411-vinh-biet-minh-chu-vo-lam-kim-dung/533369.vnp