Sự lộng hành của mafia cát

Nhu cầu cát trên thế giới tăng không ngừng, vượt khả năng cung ứng và hình thành nên những mạng lưới tội phạm khai thác, buôn lậu.

Các nhà khoa học cảnh báo nguy cơ khủng hoảng thiếu cát trầm trọng do nhu cầu xây dựng tăng nhanh, dẫn đến việc ra đời nhiều nhóm tội phạm khai thác lậu và buôn bán sôi động mặt hàng này trên thị trường chợ đen. Theo nghiên cứu của Tập đoàn Freedonia (Mỹ), nhu cầu cát cho xây dựng tăng 5,2% hằng năm và dự kiến lên mức 51,7 tỉ tấn vào năm 2019, gấp đôi tốc độ cung cấp của tất cả các dòng sông trên thế giới cộng lại.

Tờ The New York Times dẫn lời nhà báo Vince Beiser, tác giả của nhiều cuốn sách về tài nguyên cát, cảnh báo các đô thị đang gia tăng nhanh kích thước và số lượng khiến nhu cầu với mặt hàng cát ngày càng nóng bỏng. Bên cạnh ứng dụng phổ biến trong xây dựng, cát còn được dùng trong khoan cắt thủy lực cũng như chế tạo kính và điện tử. Lượng cát khổng lồ từ các sa mạc lại không dùng được trong xây dựng do hạt cát bị bào mòn, trở nên tròn và mất độ dính bám. Dù sở hữu nguồn cát sa mạc dồi dào, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã phải nhập khẩu cát từ Úc để xây tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới (828 m). Trong khi đó, lượng cát từ sông và bãi biển lại có hạn. Trang Business Insider dẫn đánh giá của các nhà khoa học cho thấy 90% bãi biển trên thế giới đã thụt sâu vào đất liền khoảng 40 m kể từ năm 2008 do việc khai thác cát.

Tại châu Á, lượng cát Trung Quốc sử dụng từ năm 2011 - 2013 còn nhiều hơn tất cả nhu cầu tại Mỹ trong thế kỷ 20. Trong khi đó, Singapore là một trong những nước nhập khẩu cát hàng đầu, chủ yếu dùng để lấn biển khi đảo quốc này tăng tổng diện tích thêm khoảng 24% so với thời điểm năm 1960. Các nước trong khu vực từng xuất khẩu cát sang Singapore gần đây đã cấm bán do lo ngại tác hại nghiêm trọng đến môi trường cũng như cạn kiệt nguồn tài nguyên. Trang Global News dẫn lời ông Pascal Peduzzi, Giám đốc Trung tâm thông tin dữ liệu quốc tế thuộc LHQ, cho biết Singapore đã cử quân đội bảo vệ các bãi cát vì vật liệu này được xem là một loại “tiền tệ” cho phát triển.

Những năm gần đây, cát trở thành mặt hàng nóng và siêu lợi nhuận cho các băng nhóm mafia. Tại Ấn Độ, Sand Mafia là một trong những tập đoàn tội phạm khét tiếng và lớn nhất, thuê tới 75.000 người lặn xuống sông khai thác cát lậu. Mặc dù làm việc suốt 12 giờ, lặn xúc cát khoảng 200 lần, nhưng những lao động này chỉ được trả công 15 USD mỗi ngày. Không chỉ khai thác cát lậu và bóc lột lao động, Sand Mafia còn liên quan đến hàng loạt vụ giết người để giành địa bàn.

Trong khi chính phủ Ấn Độ đang loay hoay tìm giải pháp, thì tình trạng khai thác và buôn lậu cát vẫn tràn lan và tội phạm sẵn sàng chống đối cơ quan chức năng. Mới đây, nhân viên Davinder Singh bị đâm trọng thương khi đang trực tại một trạm kiểm soát nhằm ngăn chặn nạn cát tặc ở bang Punjab. Cũng tại Punjab hôm 21.6, nghị sĩ Amarjit Singh Sandoa thuộc đảng AAP khi đi kiểm tra tình trạng khai thác cát lậu đã bị tấn công phải nhập viện. Sau vụ việc, đại diện đảng AAP tố cáo rằng một số nhân vật có chức vụ trong quốc hội đứng sau băng nhóm mafia cát tại đây. Tuần trước, hai băng cát tặc đụng độ tại khu vực ranh giới giữa bang Madhya Pradesh và Uttar Pradesh. Hiện 12 người đã bị khởi tố liên quan đến vụ việc, trong đó có 2 người con của nghị sĩ đảng BJP, ông R D Prajapati. Hai người này bị cáo buộc tội mưu sát, bắt cóc và trộm cắp.

Bị chôn sống vì ngăn cản trộm cát

Theo tờ Gulf News, cảnh sát bang Bihar, Ấn Độ đang điều tra vụ nông dân Rajendra Yadav hồi tuần rồi bị chôn sống vì phản đối cát tặc ngay trên mảnh đất của ông bên bờ sông Falgu. Con trai nạn nhân là Sanjay kể lại hai cha con phát hiện nhóm khai thác cát trộm trong đêm và lao đến ngăn cản. “Tuy nhiên, chúng đẩy cha tôi xuống một hố cát rồi lấp lại. Tôi cũng suýt bị chôn sống nếu không kịp chạy thoát”, Sanjay nói.

Khánh An

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/su-long-hanh-cua-mafia-cat-978360.html