Sự lựa chọn chính xác của một nữ danh ca

Công chúng cao tuổi ưa thích âm nhạc không ai không biết và ngưỡng mộ cố ca sỹ Lê Hằng (1935 -3/2021). Nói đến tên tuổi bà, người ta nhớ ngay đến bài hát nổi tiếng 'Trước ngày hội bắn' của nhạc sỹ Trịnh Quý; 'Tiếng chim rừng chào mừng bình minh. Hót trên cành rộn ràng đây đó. Hạt sương thấm ướt cành đào. Tưởng như ta bước lạc vào động tiên…'.

Năm 1961, tại Hội diễn Văn nghệ toàn quốc, cô ca sỹ Quân đội có tên Lê Hằng đoạt Huy chương Vàng với 3 ca khúc, trong đó có bài “Trước ngày hội bắn” (cùng song ca với tác giả Trịnh Quý). Ngay sau đó, công chúng nô nức tìm đến bài hát này và người ta bắt chước hai nghệ sỹ khi thể hiện – tức là hát song ca nam nữ. Những năm tháng đó, bài này được coi là bài hát song ca nam nữ hay nhất.

Lê Hằng lúc đó nổi bật bên cạnh nhiều nữ ca sỹ có tiếng khác: Thương Huyền, Minh Đỗ, Tường Vy, Khánh Vân… Nhưng thực ra, bà đã rất nổi tiếng từ trước đó với cái tên Thanh Hằng. Năm 1953, lúc 18 tuổi (sinh năm 1935, với tên khai sinh là Lê Lệ Hào), cô gái xinh đẹp tham gia cuộc thi hát do Đài Phát thanh ở Hà Nội khi đó tổ chức tại Nhà hát Lớn. Cô đã đoạt giải nhất với ca khúc “Đêm xuân dạ khúc” của nhạc sỹ Phạm Duy.

Cô ca sỹ trẻ măng khi ấy đã khiến Ban Giám khảo sững sờ bởi một giọng hát cao vút, lại nhẹ nhàng, trong vắt như giọt sương buổi sớm khiến họ đều cho điểm tối đa. Cái tên Thanh Hằng bắt đầu nổi lên từ đó. Rồi cô được mời đi hát ở các tụ điểm của Hà thành. Thời đó, các rạp chiếu bóng ở Hà Nội như Ma-jét-tích, Long Biên, Thái Bình Dương, Kinh đô, Mê Linh, Đai Đồng… trước khi chiếu phim thường có các ca sỹ hát chừng 20 phút. Thanh Hằng luôn là người đắt “sô”. Bởi nhiều rạp đều muốn mời cô. Cứ có tên Thanh Hằng là vé sẽ bán hết rất nhanh.

Cố NSƯT Lê Hằng thời trẻ và khi 73 tuổi.

Cố NSƯT Lê Hằng thời trẻ và khi 73 tuổi.

Dạo ấy, nhiều người đồn đại chính cô ca sỹ trẻ, xinh đẹp này đã là nguồn động lực để nhạc sỹ Đoàn Chuẩn viết nên ca khúc “Tà áo xanh”. Mãi sau này, lúc nữ ca sỹ chưa qua đời, khi bà còn khỏe, trong một lần tiếp xúc, tôi “tò mò” hỏi bà chuyện này. Bà cười rất tươi và kể: Sau khi giật giải nhất cuộc thi hát do Đài Phát thanh Hà Nội tổ chức vào mùa hè năm 1953, bà được mời hát ở nhiều rạp chiếu bóng và nhiều tụ điểm ca nhạc. Nhưng bà ký hợp đồng thường xuyên với nhạc sỹ Đoàn Chuẩn là chủ rạp Đại Đồng (ở phố Hàng Cót, Hà Nội). Mọi giao dịch thực hiện với người quản lý rạp của nhạc sỹ chứ bà chưa bao giờ trực tiếp làm việc với ông.

Dịp Tết năm 1954, bà cùng một nhóm người đến chúc Tết Đoàn Chuẩn. Bà lơ đãng nhìn ra cửa sổ thấy những chiếc lá vàng rơi rồi cất lời: “-Ô! Sao đã mùa xuân mà lá vàng vẫn còn rơi nhỉ?”. Lại mấy ngày sau, có việc, bà phải đến nhà Đoàn Chuẩn thì thấy bản nhạc mới, có những lời ca: “Anh còn nhớ em nói rằng sao mùa xuân lá vẫn rơi, sao mùa xuân lá vẫn bay”. Thấy vậy, bà buột miệng; “Ối!”. Nhưng rồi ghìm lại, không nói gì thêm vì tự thấy mình có phần vô duyên…

Thanh Hằng cũng cho biết bà không hát bài nào của vị nhạc sỹ này. Bài “Tà áo xanh” có những lời ca như trên bà cũng không hát vì nghĩ nếu hát thì hóa ra mình tự hát về mình. (Lúc đó, bà hay vận áo màu xanh. Đoàn Chuẩn rất thích chiếc áo này). Tôi hỏi bà: “-Chắc chị phải cảm kích việc Đoàn Chuẩn từ rung động mình mà viết nên bài hát? Vậy mà chị lại không hát bài đó và cả nhiều bài khác của ông?”. Bà trả lời: “-Đó là quyền của người ta. Lúc này ông ấy đã có vợ, con”.

Lại hỏi: “-Có nghĩa vì chị muốn giữ nghiêm túc trong tình cảm và không muốn người khác vì mình mà tổn hại hạnh phúc gia đình?”. “-Tôi nói vậy, không có nghĩa nếu ông ấy chưa có gia đình thì sẽ nên chuyện gì. Chuyện tình ái, hôn nhân còn là duyên số. Tôi cảm phục tài năng và trân quý ông ấy. Chỉ đơn giản là như vậy”.

Từ phong cách, sự đoan trang của bà, tôi cảm nhận được bà còn muốn nói một điều khác liên quan đến chuyện này mà không tiện bộc lộ. Đó là bà cũng biết rõ Đoàn Chuẩn là người đào hoa, nổi tiếng luôn cả chuyện trăng gió, có quan hệ với nhiều bóng hồng ngay cả khi đã có vợ.

Tôi từng nhìn thấy một bài hát có tên “Tình mơ” đề tên tác giả là hai người Đặng Văn An và Thanh Hằng, xuất bản năm 1953 ở Hà Nội nên hỏi bà thì được biết: Bài này nhạc sỹ Đặng Văn An sáng tác là chính. Sau đó, ông hỏi ý kiến Thanh Hằng và nhờ bà góp ý thêm thì bà đã mạnh dạn góp nhiều chỗ, cả ca từ lẫn phần âm nhạc. Ông An đã rất tâm đắc những điều bà góp ý và trân trọng đề tên cả hai người mỗi khi giới thiệu bài hát ở đâu.

NSƯT Lê Hằng biểu diễn bài “Trước ngày hội bắn”.

Năm 1954, Hiệp nghị Geneva về lập lại hòa bình trên miền Bắc Việt Nam được ký kết. Đất nước ta tạm thời chia thành hai miền với danh giới là sông Bến Hải. Khi ấy, ngoài Bắc có một số người có ý chuyển vào Nam sinh sống. Lúc đầu, Thanh Hằng cũng có ý này. Hành lý, trong đó có mấy chục bộ áo dài đã được chuẩn bị sẵn, chỉ chờ giờ phút xuống Hải Phòng, lên tàu thủy, vô Nam. Nhưng sau nghĩ lại, bà thấy không thể xa nơi chôn nhau cắt rốn (quê bà ở Hà Nội), bèn quyết định ở lại.

Tâm hồn cô gái xinh đẹp, thùy mị, đoan trang mới 19 tuổi, phơi phới đón luồng gió mới sau khi bộ đội ta về tiếp quản thủ đô. Cô náo nức hòa với bao người dân thủ đô khác bắt đầu cuộc sống mới mẻ. Rồi một ngày cuối năm 1955, ở tuổi 20, cô ca sỹ chuyên hát nhạc tiền chiến mới vừa vài năm trước đã xin gia nhập Đoàn Văn công Sư đoàn 312. Hai năm sau – 1957, Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc ra đời rồi về sau đổi tên thành Đoàn Văn công Quân khu 1, hiện đang hoạt động). Và Thanh Hằng đã đổi nghệ danh của mình thành Lê Hằng. Tên này theo suốt cuộc đời ca hát phục vụ cách mạng của bà.

Thường thì ca sỹ hát nhiều nhạc “tiền chiến” khi chuyển sang hát nhạc “đỏ”, cách mạng không dễ có thể bắt nhịp được ngay mà phải có một khoảng thời gian cần thiết để “chuyển mình”, hòa nhập với phong cách hát mới. Nhưng Lê Hằng đã chuyển được rất nhanh. Dễ hiểu bởi thời điểm trước năm 1954, tuy hát nhạc “tiền chiến” nhưng bà thường chọn hát những bài trong sáng với lối hát không nỉ non, sướt mướt, “ướt át” một cách bị lụy. Và giọng hát vốn dĩ trong sáng tự nhiên, không một chút uốn éo, cầu kỳ đã khiến cô khác hẳn những ca sỹ cùng thời lúc đó. Chính điều này đã khiến Lê Hằng nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của Ban Giám khảo cuộc thi hát mùa hè năm 1953 tại Hà Nội như đã nói.

Điều khá đặc biệt ở Lê Hằng nữa là từ một cô gái yếu đuối, vốn dĩ là người thủ đô, không quen với cuộc sống lam lũ, nhưng khi trở thành diễn viên văn công quân đội, bà đã nhanh chóng hòa nhập được với đồng đội, với mọi gian truân, vất vả của người nghệ sỹ quân đội. Địa bàn hoạt động của Đoàn bà công tác là các tỉnh miền núi phía Bắc. Hầu như quanh năm ngày tháng phải hành quân phục vụ ở những nơi hẻo lánh, tại thực địa, chứ không phải dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ.

Lê Hằng có nhan sắc và giọng hát nổi trội, được tất cả mọi người mến mộ nhưng bà có phong cách giản dị, vui tươi, hòa đồng khiến ai cũng dễ gần gũi. Và bà sẵn sàng hát phục vụ công chúng bất cứ ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhiều hay ít người.

Cuộc đời nữ chiến sỹ dần dần đã xóa đi hình ảnh cô ca sỹ liễu yếu đào tơ năm xưa quen hát trong các rạp chiếu phim và các sân khấu lớn ở Hà Nội để trở nên dạn dày, thích nghi với mọi hoàn cảnh khó khăn nhất. Tinh thần phục vụ quên mình cộng với những thành tựu bà đạt được trong ca hát đã dẫn tới danh hiệu NSƯT mà Nhà nước đã phong tặng bà ngay từ đợt đầu tiên (năm 1984).

Một tính cách rất quý của Lê Hằng là bà luôn lạc quan, vui tươi, gây cho người tiếp xúc cảm giác gần gũi, thân thiết. Ngay cả khi phải đương đầu với căn bệnh ung thư, đối diện với tử thần, bà vẫn không bi quan, nhụt ý chí. Những lúc tỉnh táo, gặp người hợp chuyện, bà lại say sưa nhắc lại những năm tháng sôi nổi, ý nghĩa nhất của cuộc đời. Đó là chặng đường dài bà mặc áo lính, đem tiếng hát phục vụ trước hết là các chiến sỹ, rồi thính giả rộng rãi trong và ngoài nước (Bà từng có nhiều dịp đi biểu diễn cùng đồng nghiệp ở nhiều nước trên thế giới).

Do công tác tại một đơn vị nghệ thuật quân đội ở xa Hà Nội nên Lê Hằng không có điều kiện thu thanh trên làn sóng Đài Phát thanh. Nhưng chỉ với số ít bài như “Trăng sáng đôi miền” (An Chung), “Gửi anh lính bờ Nam” (Vĩnh An), “Lời ca gửi Noọng” (Nguyễn Tài Tuệ), “Lời anh vọng đến ngàn năm” (Vũ Thanh) và đặc biệt là bài “Trước ngày hội bắn” (Trịnh Quý) cũng đủ khiến cho thính giả không thể quên.

Bà vĩnh viễn ra đi hồi 19h50 phút ngày 18-3-2021, hưởng thọ 86 tuổi. Sinh thời, bà vẫn nói nếu ngày ấy – năm 1954, bà không có sự lựa chọn chính xác là ở lại miền Bắc rồi vào văn công Sư đoàn 312 thì sau này không thể có được những vinh quang đầy ý nghĩa như đã gặt hái được. Bà đã ra đi về cõi Niết Bàn thật thanh thản…

Nguyễn Đình San

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/su-lua-chon-chinh-xac-cua-mot-nu-danh-ca-647244/