Sự lựa chọn của doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, doanh nghiệp (DN) cần sự thuận lợi ở hạ tầng tiếp nhận đầu tư, hệ thống logistics. So sánh từ góc độ này, việc DN lựa chọn đầu tư tại các tỉnh lân cận TPHCM sẽ thuận lợi hơn đầu tư tại các khu công nghiệp (KCN) của thành phố.

Cụ thể, với những KCN cũ, đang hoạt động của thành phố thì hạ tầng đầu tư đã xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung ở một số khu còn không đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường.

Bản thân KCN bị bao vây bởi khu dân cư liền kề, thậm chí có những KCN bị xen lẫn trong khu dân cư nên không có điều kiện mở rộng đầu tư, kéo theo DN hoạt động trong KCN cũng không thể mở rộng quy mô sản xuất nếu muốn. Còn với những KCN mới mà thành phố đang đầu tư thì vị trí quá xa trung tâm cảng, biển; thậm chí xa hơn gấp đôi khoảng cách của các KCN những tỉnh lân cận.

Không chỉ vậy, việc khu dân cư vây quanh cộng với tốc độ gia tăng dân số của thành phố quá nhanh dẫn đến hệ thống giao thông luôn rơi vào tình trạng ùn tắc. để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, thành phố phải đưa ra quy định giờ cấm, đường cấm đối với xe tải. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh của DN.

Đại diện Công ty cổ phần Saigon Food thì cho biết, các thủ tục giấy tờ liên quan đến việc chuyển nhượng đất tại KCN của thành phố rất bất cập. Mặt khác, môi trường sản xuất cũng thiếu sự an toàn cần thiết cho DN và người lao động. Đơn vị này dẫn chứng vụ mua lại đất từ một công ty không còn hoạt động trong KCN Vĩnh Lộc để xây dựng nhà xưởng cách đây 4 năm, nhưng đến nay vẫn chưa chuyển được quyền sử dụng đất. Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM và Ban Quản lý KCN Vĩnh Lộc đã hỗ trợ đơn vị rất nhiều, nhưng hồ sơ vẫn còn nằm tại Sở TN-MT. Thực tế này đã gây khó cho DN trong việc xoay dòng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất.

Nguồn lao động - vốn là lợi thế của TPHCM, hiện không còn nữa. Nguồn lao động, nhất là lao động phổ thông, ngày càng khan hiếm. Nguyên nhân, tại nhiều tỉnh thành khác cũng đang phát triển các KCN, cụm công nghiệp với ngành nghề có thế mạnh tại địa phương như thủ công mỹ nghệ, nông lâm thủy hải sản, du lịch… nên đã giữ được người lao động.

Trong khi đó, các KCN của những tỉnh lân cận, ngoài vị trí gần sát thành phố còn có hạ tầng hoàn thiện, đáp ứng đa dạng nhu cầu, quy mô đầu tư nhà xưởng của DN. Quỹ đất đầu tư, hệ thống hạ tầng điện, nước, đường sá luôn có sẵn, đặc biệt giá thuê đất cũng chỉ bằng nửa giá, hoặc cao lắm bằng 3/4 so với giá thuê đất tại thành phố.

DN có nhu cầu đầu tư chỉ cần xây nhà xưởng là có thể hoạt động sản xuất được ngay. Hơn nữa, quy hoạch các KCN này cũng ổn định, lâu dài, tạo tâm lý an tâm cho nhà đầu tư. Đó là lý do mà nhiều DN đang có xu hướng dịch chuyển và chọn KCN ở các tỉnh lân cận TPHCM để đầu tư nhà máy sản xuất.

MINH XUÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/su-lua-chon-cua-doanh-nghiep-604325.html