Sự lựa chọn liều lĩnh

Vóc dáng tựa người mẫu, đôi bàn tay khéo léo như nghệ nhân, giọng nói trầm ấm, tự tin. Người ta dễ hình dung đó là một nghệ sĩ đa năng. Nhưng không phải...

Bác sĩ Hậu (bên phải) đang mổ u tuyến giáp cho bệnh nhân.

Bác sĩ Hậu (bên phải) đang mổ u tuyến giáp cho bệnh nhân.

Khả năng trời phú

Sau 6 năm đèn sách ở Trường Đại học Y Hà Nội, Nguyễn Xuân Hậu quyết định thi bác sĩ nội trú chuyên ngành ung thư. Chàng trai 32 tuổi hoài niệm về quãng thời gian học nội trú bằng nụ cười trong sáng và ánh mắt bừng lên những khát khao của tuổi trẻ. Với cậu, đó là dấu mốc cực kỳ đáng nhớ bởi những khó khăn gian nan trong 3 năm lăn lộn 24/24 giờ ở Bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để học trong lúc làm, học khi chăm sóc bệnh nhân. Với đồng nghiệp, bác sĩ nội trú là viên ngọc quý nên vinh dự nhiều nhưng áp lực còn lớn gấp bội phần.

Tốt nghiệp bác sĩ nội trú, Hậu được phân công về làm tại Bộ môn Ung thư (Trường ĐH Y Hà Nội) đồng thời trở thành phẫu thuật viên chính tại khoa Ung bướu và Chăm sóc giảm nhẹ (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội). Từ đây Hậu được PGS.TS Lê Văn Quảng, Trưởng bộ môn Ung thư Trường Đại học Y Hà Nội cho theo trợ giảng. Anh cũng là người đào tạo và dìu dắt từ những ngày đầu Hậu bước chân vào con đường chông gai của ngành Y: Học để trở thành bác sĩ nội trú.

Cảm giác run rẩy xâm chiếm tâm trí giảng viên trẻ trong lần đầu đứng lớp trước 150 sinh viên để giảng bài ung thư phổi đến giờ vẫn khiến Hậu bồi hồi xúc động. Xoay xoay cây bút bi trong tay, bác sĩ Hậu bộc bạch: “Khi ở vị trí của thầy cảm giác hơi lo lắng là có bởi giờ là thời đại công nghệ thông tin, sinh viên có thể tìm thêm nhiều kiến thức và hỏi thầy giáo rất nhiều. Tuy nhiên chính điều đó giúp mình hoàn thiện hơn về mặt kiến thức, nó hỗ trợ mình trong quá trình giảng dạy”. Những sinh viên thì chia sẻ, họ cảm nhận được sự nhiệt tình và những kiến thức chuyên môn quý giá từ thầy giáo trẻ. Giờ đây, Nguyễn Xuân Hậu đã trở thành đồng nghiệp tin cậy và xuất sắc bên cạnh những người Thầy từng dìu dắt cậu.

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hậu (thứ 2 từ trái sang) hướng dẫn sinh viên y khoa tại buồng bệnh.

PGS.TS Lê Văn Quảng cười đầy vẻ thú vị khi nhắc về cậu học trò cưng của mình: “Trong rất nhiều học trò thì Hậu là người đặc biệt nổi trội bởi kỹ năng và tư duy ngoại khoa thiên bẩm. Cậu ấy có đôi bàn tay rất khéo. Đặc biệt nhờ sự chăm chỉ và thông minh nên Hậu có kiến thức rất tốt về chuyên ngành ung thư”. Ngay từ năm 2010, khi đang trong quá trình học bác sĩ nội trú năm thứ nhất cậu đã được thầy cho phụ mổ. Rồi sau đó là liên tiếp những tháng PGS.TS Lê Văn Quảng lùi lại phía sau, làm bác sĩ phụ mổ cho học trò của mình. Nhớ lại ca mổ đầu tiên ở vai trò phẫu thuật viên chính, khi đang là bác sĩ nội trú năm cuối, Hậu bảo không có cảm giác run rẩy bỡ ngỡ bởi những điều đã học được từ những buổi đứng phụ thầy mổ, những quan sát tỉ mỉ đã in dấu trong tâm trí cậu từng đường dao, mũi chỉ. Nhưng y học chưa bao giờ thôi bất ngờ. Chính Hậu đã trải qua những ca mổ mà khi giải phẫu bệnh không giống như kiến thức được học. Trong hàng trăm ca mổ cho bệnh nhân tuyến giáp, Hậu từng gặp trường hợp dây thần kinh thực quản không đi dọc như thông thường mà đi ngang, đi từ ngoài cổ đi vào, gọi là dây thần kinh thanh quản không quặt ngược. Nếu không quan sát cẩn thận mà cứ mổ như bình thường sẽ cắt ngang nó. Lúc này đòi hỏi phẫu thuật viên phải có xử trí phù hợp chứ không chỉ làm theo lý thuyết.

Tôi theo bác sĩ Hậu vào phòng mổ. Bệnh nhân đã được gây mê xong. Hậu nhanh chóng dùng bút bi vẽ một đường lên vùng cổ sẽ phẫu thuật của bệnh nhân. Lưỡi dao mổ sắc lẹm lướt nhẹ dưới sự điều khiển của đôi bàn tay với 10 ngón thon dài khéo léo như một nghệ sĩ xiếc đã nhanh chóng bộc lộ dần khối u to bằng quả trứng gà chẹn đường thở của bệnh nhân. Vừa phẫu thuật, bác sĩ Hậu vừa tỉ mỉ hướng dẫn cho bác sĩ nội trú đang phụ mổ và một nữ điều dưỡng người nước ngoài. Tuyệt nhiên không thấy sự căng thẳng trong phòng mổ. Dường như những năm tháng hành nghề đã tôi luyện cho anh bản lĩnh vững vàng và sự cẩn trọng tuyệt đối.

Ðam mê

Thời học bác sĩ nội trú Hậu xin thầy cho theo chuyên khoa đầu mặt cổ. PGS.TS Lê Văn Quảng gọi đó là “sự lựa chọn liều lĩnh” bởi mổ ung thư đầu mặt cổ thực sự gian nan vì giải phẫu phức tạp, các cơ quan vùng đầu mặt cổ rất quan trọng, không may chạm vào mạch máu, bệnh nhân có thể tử vong trong vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhưng với chàng trai mới 24 tuổi khi đó thì lĩnh vực ung thư đầu mặt cổ lại ấn tượng và cuốn hút. Ước mơ gặp lại những bệnh nhân được mình mổ giúp họ thoát án tử sau 5 năm, 10 năm thậm chí 20 năm khiến Hậu quyết tâm theo đuổi chuyên khoa khó nhằn này. Nhưng còn một lý do nữa khiến cậu nuôi dưỡng đam mê của mình. Vừa tỉ mẩn khâu những mũi cuối cùng trên vết mổ ở cổ cho nữ bệnh nhân bị u tuyến giáp, Hậu vừa chia sẻ: “Mình thích cảm giác mổ chữa bệnh xong được làm đẹp bằng tạo hình cho người bệnh”.

Một ngày làm việc của bác sĩ Hậu bắt đầu từ 7h30 với ca mổ đầu tiên, và thường kết thúc khoảng 5 giờ chiều bằng ca mổ thứ 8. Sáng tạo, chịu khó học hỏi, ham đọc sách và thích tìm tòi những kỹ thuật mới để ứng dụng trên bệnh nhân. Đó là nhận xét của đồng nghiệp về Hậu. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Hậu cũng chính là đồng tác giả với PGS.TS Lê Văn Quảng và bác sĩ nội trú Nguyễn Văn Hùng trong công trình nghiên cứu khoa học “Giá trị của sinh thiết hạch cửa trong ung thư tuyến giáp” đăng trên tạp chí ung thư quốc tế Journal Surgical Reseach. Bài báo này được giải 3 ở Hội nghị quốc tế về ung thư tuyến giáp tại Nhật Bản năm 2017. Đây cũng là công trình nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này tại Việt Nam, hiện đang được áp dụng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Nó giúp phát hiện di căn tiềm ẩn với độ chính xác cao đối với những bệnh nhân không phát hiện di căn hạch trước mổ. Ưu điểm chính của kỹ thuật này là xác định bệnh nhân ung thư tuyến giáp có hạch âm tính để có thể tránh được việc vét hạch dự phòng không cần thiết, giúp tránh tỷ lệ biến chứng do vét hạch cổ gây ra. Nó cũng cho phép phát hiện sớm di căn hạch, từ đó có thể đưa ra liều điều trị iod phóng xạ được chính xác. Với nghiên cứu này, năm sau, Hậu sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ và tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.

Bác sĩ Hậu nhận giải thưởng tại Nhật Bản.

Những lần trò chuyện với PGS.TS Lê Văn Quảng, tôi nhận thấy sự trân trọng mà anh dành cho các thế hệ học trò. Anh luôn dành cho họ vị trí của người cùng tranh luận. Trong một lần được chứng kiến hai người trao đổi chuyên môn, không còn thấy hình ảnh của thầy - trò mà thay vào đó là hai nhà khoa học đang miệt mài đưa ra những ý kiến để làm rõ vấn đề về một ca ung thư rất khó vùng đầu cổ. Có lẽ chính vì được chỉ bảo, dạy dỗ và đồng hành của một người Thầy như thế nên bác sĩ trẻ Nguyễn Xuân Hậu có được cơ hội phát huy hết những tố chất đặc biệt tiềm ẩn. TS Quảng nhận định: “Khó nhất trong phẫu thuật đầu cổ là cắt toàn bộ tuyến mang tai, bảo tồn dây thần kinh số 7. Và bác sĩ Hậu đã làm được tất cả những ca khó nhất tức là đã đạt trình độ phẫu thuật đầu mặt cổ rất tốt. Những người đi trước như tôi có thể hoàn toàn yên tâm vào những người tiếp nối như cậu ấy”.

Vừa cởi bỏ mũ và áo phẫu thuật, Hậu vừa chia sẻ: “Càng mổ càng đam mê. Mình thấy đó là cái duyên với nghề chứ cũng không lý giải được vì sao lại yêu thích nghề mổ đến thế. Ðôi lúc thèm nghe tiếng dao điện, ngửi mùi khen khét của vết mổ đã thấy hứng thú”.

Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/su-lua-chon-lieu-linh-1320038.tpo