Sứ mệnh của loại giấy mỏng nhất thế giới

Quy trình sản xuất giản đơn và không mấy bí mật, 'Đôi cánh phù du' tengujo ra đời nhằm giúp các bảo tàng bảo vệ những trang giấy cổ xưa.

Năm 2017, Choi Soyeon, người bảo quản giấy tại Trung tâm Nghệ thuật Yale, Anh quốc, nhận được bức thư ba trang viết vào năm 1753 của nhà nông nghiệp nổi tiếng người Mỹ Eliza Pinckney. Các nét chữ trên bức thư rất tao nhã, khi quan sát gần, cô tưởng như có thể thấy chúng đang nhảy múa.

Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ hơn qua kính lúp, Choi nhận thấy xung quanh những chữ cái xuất hiện các vết rách nhỏ và nhiều lỗ nứt lởm chởm.

Giấy xuống cấp vì nhiều lý do: Nấm mốc, độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng và không khí ô nhiễm. Bức thư của Pinckney cũng như nhiều tác phẩm phương Tây trước thế kỷ 20, đều bị hiện tượng ăn mòn mực muối sắt nghiêm trọng.

Nhiệm vụ của những người bảo quản giấy hơn 20 năm như Choi là bảo vệ các tài liệu lịch sử này khỏi quá trình bị ăn mòn do những tác nhân bên trong lẫn bên ngoài gây ra.

 Ông Hiroyoshi Chinzei, chủ của công ty Hidaka Washi, chuyên sản xuất loại giấy mỏng nhất thế giới. Ảnh: Kazuhiro Nogi.

Ông Hiroyoshi Chinzei, chủ của công ty Hidaka Washi, chuyên sản xuất loại giấy mỏng nhất thế giới. Ảnh: Kazuhiro Nogi.

Loại giấy mỏng nhất thế giới

Loại giấy này có tên là tengujo, sản xuất bởi công ty Hidaka Washi ở tỉnh Kochi, Nhật Bản. Theo Hiroyoshi Chinzei, ông chủ của Hidaka Washi cho biết thành phần tạo nên tengujo khá đơn giản và quá trình thì “không quá bí mật hay đặc biệt”.

Nhưng sản phẩm làm ra lại rất thú vị, bề mặt các sợi giấy được đan vào nhau chằng chịt như mạng nhện. Vốn chỉ là mảnh giấy trắng không có gì đặc biệt, nhưng khi khô lại, chúng gần như trở nên hoàn toàn trong suốt.

Tính cho đến nay, công ty Hidaka Washi là cơ sở chuyên sản xuất giấy có thâm niên hơn 71 năm kể từ khi tổ tiên ông Chinzei khai trương công ty vào năm 1949.

Bên trong nhà máy, khắp nơi đều mang không khí ẩm ướt từ những bồn nước ấm. Đó là nơi ngâm mình của kozo - thân cây dâu tằm. Sau khi loại bỏ bụi bẩn, công nhân sẽ tước kozo thành những sợi xơ, ngâm trong bồn chứa nước và neri - loại chất lỏng nhớt đặc có nguồn gốc từ totoro-aoi, còn được biết đến với tên gọi hoa bụp mì (sunset hibiscus).

Sau khi phản ứng với neri, kozo trở nên dính và dẻo, dễ kéo thành những sợi dài màu trắng rồi được trải đều trên mặt phẳng. Lúc này, người thợ sẽ nhào chúng lại với nhau và làm phẳng theo hình dạng như những mạng nhện. Khi chất lỏng khô đi, các sợi sẽ được dệt lại và bám vào nhau thành một mảnh giấy mỏng trong suốt.

Một công nhân đang bỏ các sợi kozo ngâm trong bồn chứa nước và neri - loại chất lỏng nhớt đặc có nguồn gốc từ totoro-aoi, còn được biết đến với tên gọi hoa bụp mì. Ảnh: Kazuhiro Nogi.

Các tác phẩm tạo tác cổ chính nhờ sự mỏng manh này của tengujo mà có thể được bảo quản dưới sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố tác động.

Theo cô Choi, tengujo là “bánh mì và bơ trong nghệ thuật bảo tồn giấy” và là “cách nhẹ nhàng nhất để bảo vệ mọi thứ”. Tengujo đôi khi được sử dụng để sửa chữa những văn thư bị ăn mòn, thậm chí còn được dùng để bảo vệ các tờ bản thảo đã quá cũ kĩ khỏi mối mọt và xuống cấp.

Theo truyền thống, ở tỉnh Kochi và Gifu, tengujo được làm hoàn toàn thủ công hơn 1000 năm nay. Nó được sử dụng để viết, vẽ và chế tác các tác phẩm nghệ thuật trong những nghi lễ và cả trong cuộc sống thường nhật.

Giấy bảo vệ giấy

Nhưng ở thế kỷ 20, công nghệ bắt đầu len lỏi vào công đoạn sản xuất giấy ở các nhà máy. Cũng chính vì vậy, sợi kozo mới được trải đều hơn so với trước đây. Điều này khiến tengujo ngày một mỏng hơn nhưng vẫn giữ được sự linh hoạt và bền bỉ vốn có.

Ở Nhật Bản và nhiều nơi trên khắp thế giới, tengujo được sử dụng để sản xuất màn che cửa kéo, kimono và giấy lụa.

Tengujo có thể mỏng đến mức đôi khi còn không thể sử dụng để trang trí dù chỉ tác động vô cùng nhẹ nhàng. Vẻ ngoài mỏng như cánh chuồn chuồn, nó chỉ được sử dụng với mục đích duy nhất: Bảo vệ giấy.

Để sửa chữa những văn thư cổ là việc làm khá rủi ro, do các tác động vật lý và hóa học lâu dài lên bề mặt giấy thường không giống nhau. “Công tác lâu trong lĩnh vực này, tôi cảm thấy bản thân nên tác động ít nhất có thể”, cô Choi cho biết.

Takao Makino, chủ bảo tàng Kibi, Nhật Bản đang cầm một mảnh giấy tengujo. Ảnh: Kazuhiro Nogi.

Vì vậy, vật liệu cần gia cố càng lâu đời, đòi hỏi vật liệu sửa chữa càng mỏng càng tốt.

Khoảng sáu năm trước, ông Chinzei được cục Lưu trữ Quốc gia Nhật Bản yêu cầu phát triển loại tengujo chỉ nặng 1,6 gram mỗi met. Chúng cần phải mỏng và nhẹ hơn bất kỳ loại giấy nào trên thế giới lúc bấy giờ. Mất hai năm để thử nghiệm và thay đổi quy trình, cuối cùng Chinzei cũng đã thành công.

Loại tengujo mỏng nhất thế giới này có đường kính giống như một sợi kozo: 0,02 milimet. Thậm chí, chúng còn mỏng hơn cả da người và không công ty nào có thể sao chép kĩ thuật tạo ra nó.

Hiện tại, tengujo mỏng nhất thế giới đang được bán cho các bảo tàng ở khắp nơi mục đích bảo vệ giấy như Thư viện Quốc hội Mỹ, bảo tàng Louvre, bảo tàng Anh và Trung tâm Nghệ thuật nước Anh của Đại học Yale.

Đại Việt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-menh-cua-loai-giay-mong-nhat-the-gioi-post1081784.html