Sứ mệnh khó khăn của ông Kerry

Đặc phái viên tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry đang có chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về môi trường do Tổng thống Joe Biden chủ trì vào cuối tháng này. Tuy nhiên, việc thuyết phục quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới tích cực tham gia chiến dịch chống biến đổi khí hậu của Mỹ là điều được dự báo rất khó khăn đối với ông Kerry, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng chính trị hiện nay giữa 2 nước.

Ông Kerry (trái) trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập hồi năm 2016. Ảnh: SCMP

Ông Kerry (trái) trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập hồi năm 2016. Ảnh: SCMP

Là 2 quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, hành động mà Mỹ và Trung Quốc đưa ra giữ vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn thảm họa khí hậu. Hiện Mỹ đang gần đạt được các thỏa thuận với Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada để đẩy nhanh mục tiêu carbon trung tính, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái cam kết Bắc Kinh sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060, với lượng phát thải đạt đỉnh trước năm 2030.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, ông Kerry có cuộc hội đàm với đặc phái viên nước này về biến đổi khí hậu Giải Chấn Hoa để bàn “về nhiều vấn đề, gồm hợp tác Trung - Mỹ trong vấn đề biến đổi khí hậu và hội nghị các bên tham gia Công ước khí hậu lần thứ 26 (COP26)”.

Chuyến thăm của ông Kerry được xem là cơ hội để Bắc Kinh và Washington gác lại những căng thẳng về chính trị để tập trung vào lĩnh vực hợp tác về khí hậu tiềm năng. Song dường như đây là sứ mệnh đầy khó khăn của ông Kerry, bởi theo CNN, một phái đoàn khác của Mỹ cũng đến thăm Đài Loan, cùng với lúc ông Kerry đặt chân đến Trung Quốc, khiến Bắc Kinh “nổi đóa”. Chính động thái này đã cho thấy nhiều điểm bất đồng trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành hướng dẫn mới, trong đó “khuyến khích Chính phủ Mỹ tương tác với Đài Loan, qua đó phản ánh mối quan hệ không chính thức ngày càng ấm nồng” giữa Washington và Đài Bắc. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Palau John Hennessey-Niland hồi tháng 3 đã trở thành đại sứ Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến Đài Loan, khiến Bắc Kinh cảm thấy “không vui”.

Mặc dù triển vọng cải thiện quan hệ song phương là mong manh nhưng giới bình luận 2 nước vẫn coi chính sách khí hậu là lĩnh vực mà Washington và Bắc Kinh có thể hợp tác và thể hiện vai trò lãnh đạo chung. Liu Yuanling, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng bất chấp những mâu thuẫn trong cuộc đối thoại cấp cao ở bang Alaska hồi tháng 3, giới chức Trung Quốc vẫn khẳng định rằng 2 bên có thể hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Về phần mình, ông Kerry cũng thừa nhận những thách thức tiềm tàng đối với vai trò của ông trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung ngày càng leo thang. “Đúng là chúng tôi có sự bất đồng lớn với Trung Quốc về một số vấn đề chủ chốt nhưng vấn đề khí hậu lại là chuyện khác. Nếu không chúng ta sẽ làm tổn thương đến chính người dân nước mình” - ông Kerry phát biểu với CNN.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mục tiêu cắt giảm khí thải đầy tham vọng của Trung Quốc là bất khả thi, bởi quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới cần phải đóng cửa gần 600 nhà máy điện than trong 10 năm tới. Trong khi đó, chính quyền Biden chưa công bố mức cắt giảm khí thải mới của Mỹ theo Hiệp định Paris. Chính quyền Barack Obama trước đây cam kết cắt giảm 26-28% mức khí thải vào năm 2025 (so với mức năm 2005). Mức cắt giảm này của Mỹ thấp hơn yêu cầu của các nước lớn và tổ chức bảo vệ môi trường. Liên minh châu Âu cam kết cắt giảm ít nhất 55% vào năm 2030. Có nguồn tin cho biết lần này, Mỹ đang đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính ít nhất 50% vào năm 2030.

Trong chuyến công du Trung Quốc, ông Kerry được cho sẽ thuyết phục Chủ tịch Tập Cận Bình nhận lời mời của Tổng thống Biden tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến chống biến đổi khí hậu do Mỹ tổ chức vào cuối tháng này. Ông Tập hôm 16-4 đã tham dự hội nghị tương tự với Pháp và Đức theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tuy nhiên, quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung hiện nay có thể khiến ông Tập từ chối tham dự hội nghị của ông Biden.

Hoàn cầu Thời báo hôm 15-4 nói rằng Mỹ và Trung Quốc phải là đối tác đàm phán bình đẳng và Bắc Kinh sẽ không tham gia chiến dịch khí hậu do Washington làm trung tâm. Báo này còn bình luận chuyến đi của ông Kerry bị lu mờ bởi quyết định của Nhật Bản xả nước thải phóng xạ của nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển với sự ủng hộ của đồng minh Mỹ. “Sự ủng hộ của Mỹ đối với Nhật Bản cho thấy ý đồ ích kỷ trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Washington, đó là đặt lợi ích chiến lược hẹp hòi của mình lên trên lợi ích của người dân trong khu vực và thậm chí là sức khỏe và sự an toàn của nhân loại”, Hoàn cầu Thời báo dẫn lời chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế của Trung Quốc bình luận.

TRÍ VĂN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/su-menh-kho-khan-cua-ong-kerry-a132340.html