Sứ mệnh khó khăn

Liên hợp quốc (LHQ) gần đây liên tục xúc tiến những nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm tháo gỡ 'nút thắt' trong các cuộc khủng hoảng và xung đột ở khu vực Trung Ðông. Những tín hiệu tích cực đã được phát đi từ Yemen, Libya... Song, con đường đi tới hòa bình và ổn định tại các nước này vẫn còn nhiều gian nan.

Sau những nỗ lực hòa giải của LHQ, Chính phủ Yemen và lực lượng nổi dậy Houthi đã nhất trí đợt đầu rút quân khỏi thành phố cảng chiến lược Hodeidah bên bờ Biển Ðỏ. Theo thỏa thuận ngừng bắn do LHQ bảo trợ ký tháng 12-2018 ở Thụy Ðiển, việc rút quân sẽ được tiến hành trong vòng hai tuần sau khi ngừng bắn có hiệu lực, song hạn chót này đã bị bỏ lỡ. Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn mong manh này đánh dấu bước đầu hướng tới việc chấm dứt cuộc chiến đẫm máu gần bốn năm qua làm hơn 10 nghìn người chết và đẩy quốc gia nghèo trên bán đảo A-rập vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Tuyên bố rút quân giai đoạn đầu là kết quả của vòng đàm phán thứ tư diễn ra mới đây tại Hodeidah giữa Chính phủ Yemen và quân nổi dậy Houthi. LHQ cũng làm trung gian cho một loạt cuộc đàm phán riêng rẽ về việc trao đổi hàng nghìn tù nhân, coi đây là một biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng trong tiến trình hòa bình ở Yemen. Việc chấm dứt xung đột ở Hodeidah là vấn đề "sống còn" đối với tiến trình hòa bình Yemen, bởi đây là cảng biển được coi là cửa ngõ cho các hoạt động nhập khẩu hàng hóa và đưa hàng cứu trợ vào Yemen. LHQ hy vọng giảm xung đột tại Hodeidah sẽ cho phép viện trợ lương thực và thuốc men đến hàng triệu người dân đang chìm trong đói khổ. Ðặc phái viên LHQ Martin Griffiths và người phụ trách công tác cứu trợ khẩn cấp của LHQ, ông Mark Lowcock cảnh báo, lương thực cứu trợ cho hàng triệu người Yemen hiện lưu trữ ở kho lớn Biển Ðỏ có nguy cơ bị hỏng do các nhân viên cứu trợ của LHQ vẫn không thể tiếp cận khu vực này để vận chuyển lương thực ra ngoài do tình hình quá nguy hiểm.

Phái đoàn của LHQ tại Yemen bày tỏ lạc quan về những tiến bộ trong đàm phán. Tuy nhiên, để các thỏa thuận được thực hiện như cam kết không phải dễ dàng. Thực tế, cả phiến quân Houthi và quân đội chính phủ được sự hậu thuẫn của liên minh quân sự do A-rập Xê-út dẫn đầu liên tục cáo buộc lẫn nhau nhiều lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và cho rằng các điều khoản thỏa thuận có nhiều kẽ hở. Trước tình hình đó, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết tăng số quan sát viên nhằm đánh giá tình hình chính xác hơn. Hội đồng Bảo an đã thành lập ủy ban giám sát thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội Chính phủ Yemen và phiến quân Houthi.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng kéo dài ở Libya vẫn chưa tìm được lối thoát, mặc dù các nhà trung gian hòa giải LHQ đã nỗ lực ủng hộ Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) ở quốc gia Bắc Phi này. Việc các nhà lãnh đạo chính trị chủ chốt ở Libya cam kết sẽ thực hiện theo tiến trình chính trị do LHQ bảo trợ, bao gồm tổ chức một hội nghị quốc gia, bầu cử quốc hội và tổng thống vào giữa năm 2019, được đánh giá là bước tiến trong nỗ lực trung gian nhằm chấm dứt bế tắc chính trị ở Libya. Tuy nhiên, trong bối cảnh vẫn tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm GNA được quốc tế công nhận hoạt động tại Tripoli và một chính quyền ở miền đông, do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo, tình hình an ninh hiện nay ở Libya vẫn diễn biến phức tạp. Bạo lực, xung đột xảy ra tràn lan trong khi giá cả nhiên liệu và nhu yếu phẩm leo thang. Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến quan hệ giữa GNA và chính quyền ở miền đông ngày càng căng thẳng và tiếp tục xảy ra xung đột giữa hai bên. Hiện khu vực biên giới của Libya với một số quốc gia láng giềng bị biến thành nơi ẩn náu của các nhóm phiến quân, trở thành mối đe dọa an ninh với cả khu vực.

Lối thoát cho các cuộc khủng hoảng ở khu vực Trung Ðông - Bắc Phi phần nào được mở ra, nhờ những nỗ lực tích cực của LHQ. Tuy nhiên, trước mắt vẫn là những khó khăn thách thức để các bên liên quan thực hiện cam kết và LHQ còn quá nhiều việc phải làm trong sứ mệnh tìm kiếm hòa bình ở khu vực vốn luôn là điểm nóng xung đột.

Mỹ Anh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/39255302-su-menh-kho-khan.html