Sự mơ hồ chiến lược của Washington về Ukraine

Washington đang thể hiện thái độ mơ hồ chiến lược khi vừa viện trợ quân sự giúp Ukraine tiếp tục cuộc kháng chiến, vừa tránh leo thang xung đột với Nga.

Không lâu trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley đưa ra một nhận định bi quan khi nói Kyiv có thể thất thủ trong vòng 72 giờ.

Đến lúc này, hơn 100 ngày sau khi chiến sự nổ ra, khi quân đội Ukraine cho thấy không chỉ bảo vệ thành công thủ đô Kyiv, trụ vững ở miền Đông và phản công ở miền Nam, tướng Milley đã phát đi thông điệp rất khác.

Ông Milley nói Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ cuộc kháng chiến của người Ukraine. Vị tướng Mỹ khẳng định Ukraine, chứ không phải bất cứ cường quốc nào khác, sẽ quyết định vận mệnh chiến sự bên trong phạm vi biên giới nước này, theo Financial Times.

Đầu tháng 6, Mỹ lần đầu tuyên bố sẽ gửi hệ thống tên lửa phóng loạt hiện đại HIMARS cho Ukraine. Washington cho biết Kyiv đã cam kết sẽ không sử dụng vũ khí này để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Mơ hồ chiến lược

Các thành công trên chiến trường của quân đội Ukraine đã thổi tâm lý chiến thắng vào một bộ phận chính trị gia ở Washington.

Sau chuyến thăm Kyiv và làm việc với Tổng thống Volodymyr Zelensky, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định nước Mỹ sẽ sát cánh với Ukraine cho tới khi giành được thắng lợi.

54 tỷ USD là giá trị viện trợ Mỹ dành cho Ukraine kể từ đầu chiến sự, điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Trong số này, 40 tỷ USD được lưỡng viện phê chuẩn tuần trước, với khoảng 20 tỷ USD là viện trợ quân sự.

Nhưng đằng sau các diễn ngôn chính trị hùng hồn, Mỹ chưa cho thấy nước này thực sự muốn gì ở Ukraine.

Tài liệu thảo luận nội bộ từ Hội đồng An ninh Quốc gia cho thấy Washington muốn xây dựng "một Ukraine dân chủ, độc lập, có chủ quyền", đồng thời bảo đảm Nga sẽ không đạt được mục tiêu khi phát động chiến dịch quân sự.

Hàng chục phương tiện cơ giới Nga bị phá hủy khi tìm cách vượt sông ở Luhansk. Ảnh: Quân đội Ukraine.

Có rất ít chi tiết có thể làm sáng tỏ định nghĩa Nga không đạt được mục tiêu, hay hình thức nhượng bộ nào mà cuối cùng Washington sẽ đề nghị Kyiv phải thỏa hiệp với Moscow.

"Chúng ta đang nỗ lực giúp Ukraine có nhiều lợi thế nhất trên chiến trường để bảo đảm điều kiện mặc cả thuận lợi tối đa trên bàn đàm phán", tài liệu rò rỉ từ cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho thấy.

Một số chuyên gia cho rằng có thể chính quyền Tổng thống Biden cố ý tỏ ra mơ hồ về mục tiêu thực sự tại Ukraine. "Để những tuyên bố bảo đảm (Ukraine có thể thắng) sẽ linh hoạt, giới chức Mỹ sẽ không làm rõ điều đó", Steven Pifer, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói.

Từ đầu chiến sự, chính quyền ông Biden đang cố gắng theo đuổi cách tiếp cận cân bằng. Một mặt, Mỹ muốn cung cấp viện trợ quân sự hiệu quả cho Ukraine, tránh bất cứ ấn tượng nào rằng Washington ép Kyiv phải nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

Nhưng đồng thời Nhà Trắng đang nỗ lực tập hợp một liên minh quốc tế ủng hộ Ukraine, bao gồm nhiều nước đồng minh châu Âu đã công khai lo ngại tác động từ một cuộc chiến lâu dài gây ra cho nền kinh tế và xã hội châu Âu.

Tăng cường sức ép với Nga

Gói viện trợ quân sự khổng lồ mới được Washington phê duyệt là tín hiệu cho thấy Mỹ cam kết hỗ trợ lâu dài cho Ukraine. Nhưng viện trợ cũng đi kèm những tính toán cẩn trọng.

Mỹ đã gửi số vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine. Giới chức Mỹ cho biết đang thảo luận về các đề xuất mới của Kyiv cho các gói viện trợ tiếp theo.

Quân đội Ukraine coi hỏa lực tầm xa đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến tiêu hao hiện nay, khi hai bên đều tìm cách nã pháo vào nhau và hứng chịu thiệt hại nặng.

Đến nay, Mỹ đã chuyển giao 90 lựu pháo M777 cho Ukraine, thứ vũ khí có tầm bắn và độ chính xác cao hơn so với các loại pháo tự hành tiêu chuẩn của Nga.

Nhưng chính quyền ông Biden đang đối mặt sức ép phải hành động quyết liệt hơn. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rob Portman cùng nhiều nghị sĩ khác kêu gọi Nhà Trắng chuyển giao các hệ thống tên lửa đa nòng cho Ukraine.

Lựu pháo M777 của Mỹ trên chiến trường Ukraine. Ảnh: Quân đội Ukraine.

"Chúng ta không thể tự huyễn hoặc bản thân rằng nếu chúng ta không viện trợ tên lửa đa nòng, Moscow dừng tấn công hoặc nhẹ tay hơn", Thượng nghị sĩ Portman nói.

Mỹ hiện đã chấp nhận viện trợ hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS cho Ukraine. Điều kiện của Washington là Kyiv không sử dụng vũ khí này để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Chính quyền Tổng thống Biden không muốn vũ khí Mỹ viện trợ được Ukraine sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga. Washsington cũng không cung cấp thông tin tình báo về vị trí các tướng lĩnh cấp cao của Nga trên chiến trường.

Giới chức Mỹ khẳng định bất kể chiến sự kết thúc ra sao, các lệnh trừng phạt quốc tế và hạn chế xuất khẩu sẽ gây thiệt hại đến nền kinh tế Nga.

Về chiến lược, hành động của Điện Kremlin khiến cả Thụy Điển và Phần Lan đều nộp đơn gia nhập NATO. Sự phản đối hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là trở ngại nhỏ và có thể giải quyết thông qua đàm phán.

Tuy vậy, giới chức Mỹ cũng thừa nhận Nga có thể làm suy yếu đáng kể Ukraine bằng một cuộc xung đột kéo dài. Việc Nga phong tỏa các cảng ở Biển Đen khiến Ukraine mất khả năng xuất khẩu hàng hóa mà đặc biệt là ngũ cốc.

Các đồng minh lo lắng

Nhiều nước châu Âu cũng có chung nỗi lo sợ trước viễn cảnh một cuộc chiến lâu dài ở Ukraine.

Đến nay, Mỹ đã thành công duy trì sự đoàn kết của NATO và khối phương Tây. Nhưng Arvil Haines, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ, mới đây cảnh báo Quốc hội rằng Điện Kremlin đánh cược vào khả năng sự đồng lòng của phương Tây cuối cùng sẽ tan vỡ.

"Họ tin rằng sự quyết tâm của Mỹ và EU sẽ xói mòn khi đối mặt thiếu hụt thực phẩm, lạm phát và giá nhiên liệu tăng cao", bà Haines nói.

Đã bắt đầu có những sự không ăn khớp trong nội bộ phương Tây. Một số nước như Anh, Ba Lan dường như quyết liệt hơn cả Mỹ, trong khi số khác như Italy, Pháp và Đức hành động thận trọng hơn.

"Có những tiếng nói khó nghe trong lòng châu Âu kêu gọi Ukraine chấp nhận yêu cầu của Nga. Tôi muốn nói rõ rằng chỉ người Ukraine mới có quyền định đoạt số phận đất nước họ", Tổng thống Ba lan Andrzej Duda phát biểu tuần trước.

Tổng thống Zelensky tới thăm tiền tuyến ở Kharkiv hôm 29/5. Ảnh: Reuters.

Ukraine chỉ trích các đề nghị kêu gọi nước này ngừng bắn với Nga trước khi giành lại các lãnh thổ đã mất, bởi cho rằng phương án này sẽ hợp thức hóa những bước tiến của Nga trên chiến trường.

Giới chức Ukraine đã nói về khả năng phản công tái chiếm Donbas, thậm chí Crimea, nếu nhận đủ vũ khí hỗ trợ từ phương Tây.

Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky tuần qua cũng thừa nhận thiệt hại lớn của quân đội Ukraine, với khoảng 100 binh sĩ hy sinh mỗi ngày. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng đã gợi ý rằng Kyiv có thể chấp nhận tình trạng trước khi chiến sự bùng phát hồi tháng 2.

"Tôi sẽ coi việc trở lại đường giới tuyến trước ngày 24/2 là một chiến thắng mà không cần có thêm những mất mát không đáng có", ông Zelensky nói.

Mỹ lúc này đang đứng giữa các nước đồng minh châu Âu. Washington không quá gấp gáp thúc đẩy nối lại hòa đàm, nhưng đồng thời cẩn trọng trước nguy cơ leo thang xung đột.

Giới chức Mỹ tỏ ra không hài lòng trước các phát biểu quá cứng rắn của lãnh đạo Anh về chiến sự ở Ukraine. Nhưng đồng thời, việc Washington hứa để Ukraine tự quyết định đường biên giới cuối cùng cũng khiến một số đồng minh e ngại.

"Điều đó có nghĩa chúng ta trở lại tình hình trước 24/2? Hay đảo ngược kết quả của năm 2014? Không có gì là rõ ràng", cựu Đại sứ Italy tại NATO Stefano Stefanini nhận xét.

Video tên lửa Strela-10 của Nga 'điểm huyệt' drone Ukraine Bộ Quốc phòng Nga ngày 9/6 đăng video cho thấy hành động phối hợp giữa các đơn vị giúp tên lửa phòng không Strela-10 của nước này bắn rơi một chiếc drone của Ukraine.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-mo-ho-chien-luoc-cua-washington-ve-ukraine-post1321806.html