Sự nghiệp quốc tế cao cả của nhân dân Việt Nam (kỳ 3)

45 năm là khoảng lùi thời gian đủ để nhìn nhận, đánh giá đầy đủ mức độ tàn bạo và tội ác của chế độ diệt chủng Pol Pot, đồng thời làm rõ thêm hành động cao cả của Việt Nam đã cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Phán xét rõ ràng về một giai đoạn bi thương

Sự tàn bạo đến mức khủng khiếp của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ không ai có thể quên. Thời gian trôi đi nhưng những chứng tích tội ác của chế độ được mô tả như “quái thai của lịch sử” thì vẫn hiển hiện. Đó là hơn 300 nghìn trang tài liệu gồm những mệnh lệnh hành quyết, các tấm ảnh về những vụ tra tấn hoặc ám sát, biên bản hỏi cung, những hồ sơ báo cáo về những người bị giam giữ. Đó là hơn 9.000 hố chôn tập thể chứa nửa triệu tử thi mà người ta đã khai quật. Đó là dấu tích của những trại tập trung, nơi hàng triệu người từng bị đày đọa như thời Trung cổ cho đến chết trong cuộc thử nghiệm kỳ quái của Khmer Đỏ. Chỉ trong gần 4 năm nắm quyền ở Campuchia, từ ngày 17-4-1975 đến 6-1-1979, 1,7 triệu trong số 8 triệu người Campuchia thời đó bị giết hại (tức là cứ 5 người Campuchia thì có 1 người bị giết). Trong số đó, ước tính có khoảng 20.000 nạn nhân thuộc cộng đồng thiểu số người Việt và từ 100.000-500.000 nạn nhân thuộc cộng đồng thiểu số người Chăm.

Nhân dân Campuchia mừng đón quân tình nguyện Việt Nam đến giải phóng

Chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đã để lại những trang lịch sử đen tối về một đất nước bị tàn phá tan hoang và một dân tộc bị sát hại đến cùng cực. Chính phủ và nhân dân Campuchia cùng dư luận thế giới đòi hỏi phải đưa ra ánh sáng công lý những tội ác diệt chủng, chống lại loài người của bọn cầm đầu chế độ Campuchia Dân chủ. Những tên đồ tề Khmer Đỏ cùng những thế lực hậu thuẫn của chúng đã ra sức chối tội, tìm mọi cách ngăn cản việc vạch trần tội ác khủng khiếp do bọn chúng gây nên. Nhưng cuối cùng, Tòa án quốc tế xét xử tội ác của Khmer Đỏ (ECCC) đã được thành lập. Đây là tòa án đặc biệt do Liên hợp quốc và Chính phủ Campuchia lập ra từ năm 2006, nhằm xét xử tội ác diệt chủng do tập đoàn lãnh đạo Khmer Đỏ gây ra.

Sau hơn 10 năm tiến hành, tháng 11-2018, Tòa án đã đưa ra bản phán quyết và tuyên án những tên đầu sỏ của chế độ Campuchia Dân chủ. Theo kết luận của Hội đồng xét xử, bè lũ cầm đầu Khmer Đỏ đã thực hiện các tội ác chống lại loài người, bao gồm giết người, diệt chủng, trục xuất, nô dịch, tù đày, tra tấn, đàn áp chính trị, tôn giáo và chủng tộc và những hành vi vô nhân đạo khác thông qua việc chà đạp nhân phẩm, bắt cóc thủ tiêu, di dân cưỡng bức, cưỡng hôn và cưỡng hiếp trong bối cảnh hôn nhân bắt buộc. Thực hiện tội ác diệt chủng bằng cách giết các thành viên của nhóm sắc tộc, quốc gia và chủng tộc Việt Nam. Vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva về tội giết người, tra tấn, đối xử vô nhân đạo, cố tình gây đau khổ hoặc tổn thương nghiêm trọng cơ thể hoặc sức khỏe, tước quyền được xét xử công bằng, thường xuyên và giam cầm bất hợp pháp đối với những người được bảo vệ theo Công ước Geneva tại Trung tâm an ninh S-21. Trợ giúp và xúi giục tội ác chống lại loài người có tính chất cố ý tại các hợp tác xã, các công trường, khuyến khích và trợ giúp về mặt tinh thần, thúc giục bọn tay sai thực hiện các chính sách của giới lãnh đạo…

Nuon Chea và Khieu Samphan, những nhân vật trong hàng ngũ lãnh đạo tối cao của Khmer Đỏ đã cùng Pol Pot thực thi quyền quyết định cuối cùng, bị Hội đồng xét xử tuyên án chung thân. Nhân vật số một của chế độ diệt chủng ở Campuchia là Pol Pot đã qua đời trước đó vào năm 1998. 2 nhân vật đã qua đời trong quá trình tố tụng là Ieng Sary và Ieng Thirith. Nhân vật còn lại là Kaing Guek Eav, còn gọi là “đồ tể” Duch, cai ngục tại nhà tù Tuol Sleng khét tiếng nhất dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, bị tuyên án chung thân vào năm 2012 và qua đời vào năm 2020. Lịch sử cuối cùng cũng đã có lời phán xét rõ ràng về một giai đoạn bi thương mà dân tộc Campuchia phải trải qua.

Người dân ở Ratanakiri, phía Đông Bắc Campuchia đón chào bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia năm 1979

Chân lý thuộc về bộ đội tình nguyện Việt Nam

Phán quyết của ECCC còn làm sáng rõ một sự thật lịch sử là, chính Việt Nam đã cứu dân tộc Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng. Thủ tướng Campuchia Hunsen đã chỉ rõ việc Tòa án đặc biệt của Liên hợp quốc xét xử tội ác Khmer Đỏ được thiết lập đồng nghĩa với chân lý thuộc về bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp Campuchia. Ông khẳng định: “Sự thật hiển nhiên là Campuchia có chế độ diệt chủng và cũng có lực lượng chính trị và quân sự chống lại chế độ này với sự giúp đỡ quý báu của Việt Nam. Lực lượng quân sự Việt Nam có mặt tại Campuchia là nhằm đáp ứng yêu cầu của nhân dân Campuchia”.

Ấy thế nhưng vẫn có những kẻ cố tình đánh tráo lịch sử. Chúng bác bỏ vai trò của Việt Nam trong việc cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot. Ngày chiến thắng 7-1-1979 lật đổ chế độ Khmer Đỏ bị bọn chúng dựng lên thành ngày Campuchia bị chiếm đóng. Sự tráo trở và xúc phạm lịch sử này công khai đến mức Thủ tướng Campuchia Hun Sen phẫn nộ và phản ứng: “Ngày chiến thắng 7-1 là sự thật lịch sử. Những kẻ cực đoan và những nhóm người vô đạo cần phải công nhận thực tế lịch sử này. Nếu như họ không dám chấp nhận sự thật chân lý đó thì họ là những con vật chứ không phải con người”. Thủ tướng Hunsen cho biết: “Lúc đó trên thế giới không nước nào giúp Campuchia, mà chỉ có lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam đã giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và ngăn chặn chế độ Pol Pot quay trở lại. Khi chúng tôi vững mạnh, Việt Nam đã rút quân”.

Người dân Thủ đô Phnom Penh tiễn cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế lên đường về nước

Đại Tăng thống Tep Vong cũng khẳng định không bao giờ có chuyện Việt Nam xâm lược Campuchia. Đại tăng thống nhấn mạnh: “Nếu Việt Nam vào Campuchia vì mưu mô ác độc thì chúng tôi không có thành quả như ngày hôm nay. Những người cho rằng Việt Nam xấu, người đó mới là xấu”.

Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin thì cho rằng sau khi chế độ diệt chủng Pol Pot bị đánh đổ ngày 7-1-1979, đáng lẽ nhân dân Campuchia phải được hưởng sự ổn định, hòa bình, được ủng hộ để khôi phục lại đất nước. Thế nhưng chính bọn diệt chủng Pol Pot lại được một số thế lực trải thảm nhung chào đón. Chủ tịch Quốc hội Campuchia khẳng định: “Đây là sự bất công đối với nhân dân Campuchia chúng tôi. Chúng tôi chưa đòi hỏi những thế lực đã từng ủng hộ chế độ diệt chủng Pol Pot xin lỗi và cũng chưa đòi các thế lực đã dùng máy bay ném bom thả hàng triệu tấn bom ở đất nước Campuchia bồi thường vì tất cả những vấn đề này đã tạc vào lịch sử cả rồi. Tội ác của chế độ diệt chủng đang được tuyên truyền phổ biến cho toàn dân Campuchia cũng như nhân dân trên toàn thế giới nhận thức rõ về vấn đề này”.

Phát biểu vào tháng 1-2012 tại Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 tại Đồng Nai, nơi khai sinh của lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia, Thủ tướng Hun Sen khẳng định: “Nhân dân Campuchia có niềm tin, chỉ có tiên, có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên, Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”.

Thực tiễn đã chứng minh chân lý sáng ngời: Xóa bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot, bảo vệ chủ quyền đất nước, giúp dân tộc Campuchia hồi sinh, là sự nghiệp quốc tế cao cả của nhân dân Việt Nam. Chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot đã góp phần giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

(Còn nữa)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/su-nghiep-quoc-te-cao-ca-cua-nhan-dan-viet-nam-ky-3-post563494.antd