Sự nguy hiểm của vi rút hợp bào

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội đưa thông tin về vi rút hợp bào như một loại vi rút mới xuất hiện gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, loại vi rút này đã xuất hiện và tồn tại từ rất lâu. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã trao đổi cùng bác sĩ Lương Xuân Kiên, Trưởng Khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vi rút hợp bào.

- Xin bác sĩ cho biết, vi rút hợp bào gây những bệnh gì, chúng có nguy hiểm không?

+ Vi rút hợp bào RSV (Respiratory Syncytical Virus) là loại vi rút thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với khả năng lây lan mạnh. Điều đáng nói, loại vi rút này khiến một tỉ lệ nhỏ trẻ bị tăng nặng triệu chứng thành thở khò khè, dần tiến triển thành viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi rất nguy hiểm; thậm chí, có thể dẫn đến tử vong do suy hô hấp. Bệnh này có thể gặp quanh năm nhưng thường là vào mùa cuối thu sang đông ở các tỉnh phía Bắc.

Khám bệnh cho trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Thực tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thời gian gần đây không có ca bệnh viêm phổi nặng nào nghi do vi rút; tuy nhiên cũng không thể chủ quan với vi rút hợp bào cũng như các loại vi rút gây cảm cúm khác.

Nhóm có nguy cơ cao đối với việc lây nhiễm vi rút hợp bào thường là trẻ sinh non, sinh nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai; trẻ sơ sinh dưới 8-10 tuần tuổi; trẻ dưới hai tuổi mắc bệnh tim, phổi bẩm sinh; trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu do tình trạng sức khỏe yếu hoặc đang dùng thuốc trong giai đoạn điều trị.

- Khi bị nhiễm vi rút này, người bệnh có triệu chứng gì, thưa bác sĩ?

+ Sau khi trẻ bị lây nhiễm vi rút hợp bào thường có triệu chứng giống cảm cúm thông thường, như: Ho, ngạt mũi hoặc chảy nước mũi, đau họng, đau tai và kèm theo có sốt trong khoảng 1 tuần.

Nếu tiến triển nặng hơn, trẻ thở nhanh hơn bình thường; sốt cao; thở khò khè và chảy nước mũi; ho nhiều; trẻ có thể nghẹt thở hoặc nôn do ho nhiều; có đờm vàng hoặc đờm xanh, xám; trẻ quấy khóc và không nhanh nhẹn; bỏ bú; có biểu hiện thiếu nước nghiêm trọng, như: Không có nước mắt, không đi tiểu suốt 6 giờ, da nhăn nheo... Khi trẻ có triệu chứng trên cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị. Đặc biệt, cần khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện để cấp cứu nếu trẻ thở nhanh, có biểu hiện tím tái ở môi và đầu chi.

Trẻ được lấy máu làm xét nghiệm tìm vi rút gây bệnh để tăng hiệu quả điều trị. Trong ảnh: Lấy máu xét nghiệm tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh.

Với trẻ bị nhiễm vi rút hợp bào nhưng có các biểu hiện bệnh nhẹ, không có biến chứng thì có thể để trẻ chăm sóc tại nhà sau khi được thăm khám, tư vấn của bác sĩ. Quá trình chăm sóc tại nhà cần chú ý làm thông thoáng mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn. Sử dụng máy tạo ẩm để giữ không khí ẩm và sạch trong phòng. Tiếp tục cho trẻ bú, ăn uống đầy đủ chất; tuy nhiên nên chia nhỏ thành nhiều cữ bú, bữa ăn để trẻ đỡ bị nôn ói khi ho nhiều. Đặc biệt, cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước và giúp trẻ làm loãng đờm, dịu ho.

- Bệnh phòng ngừa ra sao, thưa bác sĩ?

+ Do vi rút hợp bào dễ lây lan qua tiếp xúc với người hoặc được truyền do tiếp xúc trực tiếp với các bề mặt bị ô nhiễm hoặc các chất tiết của các bệnh nhân, trong khi chưa có vắc xin phòng vi rút này, bởi vậy việc phòng bệnh hết sức quan trọng để tránh lây lan thành dịch.

Cần hạn chế tiếp xúc với người bị cảm cúm hoặc có các triệu chứng tương tự cảm cúm. Nếu tiếp xúc, cần đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc, chăm sóc người bệnh cần rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn. Thường xuyên lau chùi bề mặt, các dụng cụ có thể lây nhiễm.

Không để người khác chạm tay vào trẻ khi chưa rửa tay. Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người. Không hút thuốc lá gần trẻ. Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, vận động nhẹ nhàng. Với trẻ có nguy cơ cao, hạn chế cho ra khỏi nhà; cách ly trẻ với người bị cảm cúm; giữ ấm cho trẻ. Khi trẻ đi chơi về, có thể vệ sinh mắt, mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Khi trẻ bị bệnh cần cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan sang trẻ khác.

- Xin cám ơn bác sĩ!

Thu Nguyệt (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/doi-song/201810/su-nguy-hiem-cua-vi-rut-hop-bao-2403832/