Sự quá khích của phong trào Me Too

Cuốn sách 'Đây là lạc thú' của Mary Gaitskill viết về cơn đau nhức nhối đến chân thật về sự quá khích của phong trào Me Too dẫn đến những hệ lụy không ngờ tới.

Phong trào Me Too nổ ra vào năm 2017 đã đánh dấu một bước ngoặt lớn cho làn sóng đấu tranh nữ quyền. Tuy nhiên nó cũng tạo ra thực trạng quá khích. Điều này được thể hiện rõ trong cuốn tiểu thuyết Đây là lạc thú.

Bí ẩn sau bức bình phong

Trong cuốn She Said (tựa Việt: Muôn trùng sự thật), hai nhà báo đã thổi bùng lên phong trào Me Too - Jodi Kantor và Megan Twohey - từng đưa ra những lời cảnh báo. Rằng một khi Me Too trở nên hung hăng và đi quá xa thì nó có thể quay ngược bánh xe tiến bộ, làm cho phong trào trở nên hỗn loạn và mất dần đi ý nghĩa của mình.

Đó là hiện thân của một tình trạng mà hành động nào có phần thân mật dù không chủ ý cũng bị quy kết thành ra quấy rối. Nam giới ở xã hội "mới" cảm thấy ngột ngạt, bởi lẽ họ không thể biết khi nào cáo buộc sẽ rơi trúng mình. Đó cũng chính là thế giới mà Đây là lạc thú của Mary Gaitskill sẽ khắc họa nên.

 Cuốn tiểu thuyết Đây là lạc thú của Mary Gaitskill. Ảnh: Tuấn Anh.

Cuốn tiểu thuyết Đây là lạc thú của Mary Gaitskill. Ảnh: Tuấn Anh.

Tác phẩm được kể xen kẽ giữa hai giọng kể, một của Margot và một của Quin, người bạn thân thiết trong giới xuất bản của cô. Lấy bối cảnh phong trào Me Too đang dần lan rộng, Đây là lạc thú đặt Quin vào trong tình trạng phải chịu cáo buộc lạm dụng từ những đồng nghiệp nữ của mình.

Đứng trước người bạn thân thiết, người cô hằng tin là mình đã hiểu thấu hết, liệu Margot sẽ phải phản ứng ra sao? Cô sẽ trung thành với tình bạn này, hay gia nhập vào binh đoàn những "nữ chiến binh Amazon" thiện chiến quét sạch hết sự mong manh của chính nam tính trên mặt đất này?

Đây là lạc thú mở ra câu hỏi như thế. Về cách chúng ta mắc kẹt trong thế lưỡng nan, về sự quá khích của phong trào này, về những tác động mà nó đem lại cũng như sẽ cho ta thấy ranh giới giữa việc vô tội và bị vu khống là rất nhạt nhòa.

Những sự hiểu lầm dẫn đến hệ quả không ngờ

Trả lời câu hỏi về thế lưỡng nan không phải là một hành động có phần dễ dàng, nhất là khi nó khoác lên mình dáng vẻ vô hình. Có lẽ vì thế mà Gaitskill đã tạo nên một nhân vật dễ gây hiểu lầm, cũng là một “con mồi béo tốt” cho làn sóng quá khích "săn lùng" đối tượng.

Theo đó Quinlan M.Saunders ở tuổi trung tuần là người đàn ông làm việc trong giới xuất bản có cả danh tiếng cũng như tiền tài. Anh là người gần gũi, thanh lịch và hiến dâng mình cho một mục đích là cố hiểu thấu đối phương mong muốn điều gì. Vì đối với anh, việc hiểu con người là một sứ mệnh có phần tối thượng.

Anh là một "kẻ hút người", là người hay đưa lời khuyên cho những rắc rối mà phụ nữ vẫn thường gặp phải. Với anh khoái cảm là điều thiêng liêng, do đó anh không ngần ngại đề cập với họ về những điều này.

Đó có thể là lý do anh có thể giúp cô thư ký Caitlin thay đổi kiểu tóc, trang phục để cải thiện ngoại hình. Anh cũng giúp Hortense, một cô gái khác, biết tới khoái cảm mà những đụng chạm có thể tạo ra. Anh là cá nhân theo thuyết tôn thờ vị thần tự nhiên, cũng như những gì thuộc về bản năng.

Chính việc nghe theo cái bản năng ấy đã đưa đời anh vào mớ hỗn độn. Những màn đùa cợt, châm chọc của anh sớm bị vu khống thành trò ve vãn. Trong khi lòng yêu mến thì lại chuyển thành hành động đàn áp. Và rồi cuối cùng vai trò "tử tế" cho thần tự nhiên cũng bị quy kết thành việc xâm phạm.

Nhưng không một ai hiểu hết điều đó. Không phải ai cũng như Margot để biết về những quan tâm cũng như con người phóng túng của anh. Bọn họ hung hăng lên án, để ngay cả người anh từng nâng đỡ cũng ký vào trong lá đơn mà không hề biết tên anh có sẵn ở đó vì nó… quá dài, và vì là thư trực tuyến nên không thể nào rút lại chữ ký.

Hẳn nhiên thật khó để bất cứ ai có thể nhìn thấy được mối quan hệ hơn hai thập kỷ của anh cùng Margot. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, Mary Gaitskill đã vén tấm màn của những phù hoa, để ta thấy tự trong bản chất chính làn sóng này cũng đang chứa đựng nhiều sự cuồng loạn.

Đằng sau "cơn bão" hoang tàn

Margot trong tác phẩm này đang phải vật lộn giữa hai lựa chọn. Liệu cô nên ký vào kiến nghị thư để rồi "dìm chết" người bạn thân thiết của mình, hay sẽ chiến đấu chống lời đàm tếu? Rốt cuộc rồi thì cô sẽ về đâu?

Và ngã ba ấy không có đường ra. Đến cuối tác phẩm, Gaitskill cũng không cho thấy nhân vật của mình rồi sẽ chọn gì. Đây là lạc thú chỉ mang nhiệm vụ duy nhất là cho ta thấy những gì đằng sau một cơn cuồng loạn. Đó là những ánh mắt ngập tràn tội lỗi, là một cá nhân bị đẩy ra khỏi xã hội và những hệ quả không thể đoán định ảnh hưởng đến gia đình họ.

Dù biết mình không có lỗi, nhưng Quin không thể che giấu bản thân đang bị hủy hoại. Đó là người vợ trẻ trung Carolina tỏ vẻ ghê tởm không muốn vào văn phòng anh. Là đứa con thơ Lucia với tuổi thanh xuân đang chờ đợi nó, và thật khó biết ảnh hưởng sẽ lớn thế nào một khi cô bé bước chân ra đời.

Như Carolina tỏ bày "Em không quan tâm việc minh oan. Em không muốn thắng. Em chỉ muốn gia đình mình được để yên". Sau những tổn thương mà họ gặp phải, nỗi đau lớn nhất không chỉ thuộc về người bị vu oan, mà đó còn là gia đình của họ, sự mất kết nối của họ và những tình thương không còn ở đó.

Nhà văn Mary Gaitskill. Ảnh: New York Times.

Thế nhưng Gaitskill sau cùng cũng đã dựng nên một Quin mạnh mẽ vượt lên, và không quan tâm đến những gì xảy đến với mình. Anh vẫn quay lại với những giá trị đạo đức quan trọng. Anh lại mỉm cười với ai từng tố cáo mình.

Gaitskill cho ta cảm giác nhân vật của bà vẫn sẽ chạm vào những người phụ nữ nếu như họ cần. Vì đó là những biểu hiện của sự quan tâm, của một con người trọn vẹn đạo đức.

Đây là lạc thú là một tiểu thuyết có dung lượng ngắn nhưng đã mang đến góc nhìn khác lạ về làn sóng đấu tranh nữ quyền. Qua tác phẩm này Gaitskill đã khiến chúng ta một lần nhìn lại về bản chất của vấn đề, về sức ảnh hưởng mà nó tạo ra, cũng như những gì mà nó hủy hoại khi dần trở nên điên cuồng.

Mary Gaitskill (1954) là nhà văn Mỹ nổi tiếng ở mảng truyện ngắn. Các tác phẩm của bà đã được đề cử cũng như chiến thắng các giải thưởng danh giá như PEN/Faulkner, giải Sách Quốc gia… cũng như thường xuyên xuất hiện trong các tuyển tập truyện ngắn Mỹ hay nhất và Tuyển tập truyện ngắn đoạt giải O. Henry. Các tác phẩm của bà xoay quanh chủ đề tình yêu, tình dục, ma túy… cũng như tâm lý thống trị và sự phục tùng.

Tuấn Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-qua-khich-cua-phong-trao-me-too-post1344450.html