Sự ra đời của Đảng đáp ứng nhu cầu bức thiết của lịch sử

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã có bài viết về những thành tựu nổi bật trong quá trình hình thành, phát triển Đảng.

Từ ngày 6/1-7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Hong Kong (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. (Ảnh: Tranh tư liệu/TTXVN)

Từ ngày 6/1-7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Hong Kong (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. (Ảnh: Tranh tư liệu/TTXVN)

Ngày 3/2 tới, cả nước vui mừng chào đón kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2020). Trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền, đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội và tiến hành sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã có hai bài viết về những thành tựu nổi bật trong quá trình hình thành, phát triển Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bài 1: Sự ra đời của Đảng đáp ứng nhu cầu bức thiết của lịch sử

Mùa Xuân năm 1930, từ ngày 6/1 đến 7/2/1930, tại bán đảo Cửu Long, thuộc Hongkong (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức. Hội nghị quyết định thống nhất các tổ chức Cộng sản, thành lập một Đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự thành lập Đảng là thành quả của sự kết hợp chủ nghĩa Marx-Lenin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Cương lĩnh chính trị đầu tiên được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng xác định mục tiêu chiến lược của cách Việt Nam là "Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập," "để đi tới xã hội cộng sản." Việc thành lập Đảng và đường lối cách mạng Việt Nam do Cương lĩnh chính trị đầu tiên đề ra đã đáp ứng những nhu cầu bức thiết của lịch sử và trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Giương cao ngọn cờ chống đế quốc

Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, làm rung chuyển chế độ thống trị của thực dân Pháp và phong kiến. Với cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939), Đảng đã tranh thủ những hình thức hợp pháp, nửa hợp pháp để chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ cho các tầng lớp nhân dân.

Tiếp đó, trong cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945), Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh từng bước hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị Trung ương Tám do lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì (tháng 5/1941), chủ trương giương cao ngọn cờ chống đế quốc, tạm gác khẩu hiệu chống phát xít, khi xác định: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi giải phóng của toàn thể dân tộc."

Trên cơ sở đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng đã thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) nhằm đoàn kết lực lượng của toàn dân tộc để đánh đuổi thực, phát xít. Đồng thời, lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng. Khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), độc chiếm Đông Dương, Ban Thường vụ Trung ương họp Hội nghị mở rộng ở Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), ra Chỉ thị Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (ngày 12/3/1945).

Khi thời cơ cách mạng đến, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập." Đây không chỉ là sự biểu lộ quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, mà còn là nhận định phản ánh sự chuẩn bị lực lượng và thời cơ cách mạng đã chín muồi. Hội nghị toàn quốc của Đảng (13/8/1945) ra quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước.

Tiếp đó, Đại hội đại biểu quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) trong hai ngày 16 và 17/8/1945, biểu thị sự đoàn kết nhất trí của toàn thể dân tộc trong giờ phút quyết định vận mệnh của đất nước, biểu thị lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Ngay sau Đại hội, Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta."

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: Nguyễn Bá Khoản/Tư liệu TTXVN)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chủ động, sáng tạo của các Đảng bộ địa phương, trong khoảng nửa tháng, Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi trên phạm vi cả nước. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phátxít.

Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước dân chủ nhân dân ở Đông Nam Á và là Nhà nước của toàn thể dân tộc Việt Nam. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Mở ra hướng đi mới cho phong trào giải phóng dân tộc

Không chỉ có giá trị và ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam, Cách mạng tháng Tám năm 1945 còn là sự kiện trọng đại của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX. Đó là đòn quyết định phá tung một mắt xích quan trọng và thúc đẩy sự tan rã nhanh chóng của hệ thống thuộc địa; mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ và mở ra hướng đi mới cho phong trào giải phóng dân tộc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám góp phần làm giàu thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Marx-Lenin. Nó chứng tỏ rằng, trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa, do toàn dân nổi dậy, dưới sự lãnh đạo của một Đảng Marx-Lenin, có đường lối đúng đắn hoàn toàn có thể giành thắng lợi.

Trong những năm đầu sau ngày đất nước giành được độc lập, nước Cộng hòa non trẻ phải đối mặt với "thù trong, giặc ngoài." Vượt lên những khó khăn đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện sách lược tạm hòa hoãn với Pháp và Tưởng để duy trì hòa bình nhằm củng cố chính quyền cách mạng, tiến hành diệt "giặc đói," "giặc dốt" và chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống "giặc ngoại xâm" của dân tộc.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tinh thần "... thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...," toàn thể dân tộc Việt Nam một lần nữa bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Trên cơ sở đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, với phương châm: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng; vừa kháng chiến, vừa củng cố hậu phương và với phương pháp tác chiến thích hợp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã anh dũng chiến đấu, lần lượt làm phá sản các chiến lược quân sự của kẻ thù.

Sau chín năm trường kỳ kháng chiến, với nhiều hy sinh, gian khổ, nhưng vô cùng anh dũng và tự hào, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên một Điện Biên lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu." Với thắng lợi này, "lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới."

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, nhưng miền Nam vẫn bị kẻ thù xâm lược. Trước tình hình đó, nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thực hiện nhiệm vụ cao cả này, nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến thần thánh đầy khó khăn, gian khổ nhưng với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do" và với niềm tin sắt đá"... dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn," dân tộc Việt Nam một lần nữa đứng lên đánh đuổi đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình thực tiễn của cách mạng, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, Đảng đã hoạch định đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ và sáng tạo, phù hợp với thực tiễn chiến trường.

Trong chỉ đạo thực tiễn, Đảng chủ trương khởi đầu chiến tranh bằng phương thức thích hợp với hình thức khởi nghĩa từng phần, thông qua phong trào "Đồng khởi," tập trung đánh vào chỗ yếu nhất, sơ hở của địch. Tiếp đó, bằng hình thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị song song, tiến hành ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược trong chiến tranh cách mạng, tập trung đánh bại "quốc sách" ấp chiến lược, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ; động viên và tổ chức cả nước đánh Mỹ, kiên quyết giữ vững chiến lược tiến công, phát huy mạnh mẽ thế tiến công và quyền chủ động chiến trường, đánh thắng quân Mỹ ngay từ trận đầu, đợt đầu, hiệp đầu, liên tiếp đánh bại hai cuộc phản công chiến lược khi Mỹ tiến hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ."

Trên cơ sở phân tích thực tiễn chiến trường, so sánh lực lượng giữa ta và địch, Đảng đã quyết định mở Mặt trận Đường số 9-Bắc Quảng Trị để thu hút và giam chân một lực lượng quân cơ động Mỹ trên chiến trường rừng núi; đồng thời, mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, giáng đòn bất ngờ vào các cơ quan đầu não chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở đô thị, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ, làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cùng với việc tập trung tấn công quân sự trên các chiến trường, Đảng đã mở mặt trận tiến công ngoại giao đúng lúc (từ năm 1967), thực hiện thành công nghệ thuật kết hợp đấu tranh quân sự - chính trị - ngoại giao, mở ra cục diện "vừa đánh, vừa đàm."

Tiếp đó, Đảng tổ chức chỉ đạo thành công cuộc Tiến công chiến lược năm 1972, giành thắng lợi quyết định làm thay đổi cục diện chiến tranh, kết hợp chặt chẽ với đấu tranh ngoại giao kiên quyết và khôn khéo, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân ra khỏi miền Nam, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Các chiến sỹ giải phóng phất cờ chiến thắng trên nóc lô cốt địch ở điểm cao 365 (Quảng Trị), ngày 30/3/1972. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Cuối cùng, Đảng đã kịp thời phát hiện thời cơ chiến lược, kiên quyết chỉ đạo, tổ chức thành công cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trải qua 21 năm chiến đấu dũng cảm, với đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ và sáng tạo, với một phương pháp cách mạng đúng đắn; với phương châm toàn dân đánh Mỹ, cả nước đánh Mỹ, "mỗi người dân là một dũng sĩ diệt Mỹ"; với sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân loại tiến bộ trên thế giới..., quân và dân ta đã đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc; kết thúc cuộc chiến đấu 30 năm giải phóng, giành độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị kéo dài hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta; mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi đó "mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/su-ra-doi-cua-dang-dap-ung-nhu-cau-buc-thiet-cua-lich-su/620843.vnp