Sự sốt sắng khó hiểu của Thi hành án Bình Chánh

Chi cục Thi hành án dân sự liên tục có công văn đề nghị giám đốc thẩm bản án; VKSND Cấp cao thì cho rằng phải tôn trọng quyền tự quyết của các đương sự trong vụ án.

VKSND Cấp cao tại TP.HCM vừa có công văn gửi Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Bình Chánh, TP.HCM khẳng định không cần thiết phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các đồng nguyên đơn trong gia đình ông Nguyễn Bá Tòng.

Thi hành án chủ động kiến nghị giám đốc thẩm

Theo hồ sơ, tháng 9-2014, TAND TP.HCM xử phúc thẩm, buộc bà Nguyễn Thị Thiện có trách nhiệm trả lại cho bảy thừa kế, trong đó có ông Tòng, bốn thửa đất có tổng diện tích hơn 4.900 m2.

Bản án còn tuyên UBND huyện Bình Chánh có trách nhiệm hủy giấy chứng nhận đã cấp cho bà Thiện; ông Tòng và các đồng thừa kế căn cứ vào bản án này liên hệ với cơ quan có thẩm quyền UBND huyện Bình Chánh để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng…

Năm 2015, Chi cục THADS huyện Bình Chánh đã tổ chức giao đất cho ông Tòng và các thừa kế, đến tháng 4-2016 ông Tòng được cấp đầy đủ giấy chứng nhận theo bản án đã tuyên.

Bỗng dưng cuối tháng 12-2016, Chi cục THADS huyện Bình Chánh cho rằng có thửa đất được ông Lê Văn Chiến, Lê Văn Ngọc đã xây dựng công trình vào năm 2001-2002 và một công trình được xây dựng vào năm 2007 nhưng tòa không giải quyết. Do đó, cơ quan này có công văn gửi các cơ quan chức năng đề nghị tạm thời chưa giải quyết đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với ba thửa đất liên quan đến phần đất đã cấp giấy chứng nhận cho ông Tòng.

Đồng thời, Chi cục THADS còn có công văn kiến nghị TAND Cấp cao và VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ông Nguyễn Bá Tòng nói cách làm việc của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Chánh gây thiệt hại lớn cho gia đình ông. Ảnh: KT

Ông Nguyễn Bá Tòng nói cách làm việc của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Chánh gây thiệt hại lớn cho gia đình ông. Ảnh: KT

Tòa, Viện đã trả lời, THA vẫn tiếp tục hỏi

Đầu năm 2018, TAND Cấp cao có văn bản trả lời “không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm”.

Tương tự, tháng 7-2018, VKSND Cấp cao cũng trả lời hồ sơ vụ án hiện nay do TAND Cấp cao thụ lý giải quyết. Theo Viện, tháng 10-2017, VKSND Cấp cao đã thông báo để Chi cục THADS huyện Bình Chánh biết và theo dõi kết quả giải quyết của TAND Cấp cao tại TP.HCM.

Thấy chưa thỏa đáng với câu trả lời, Chi cục THADS huyện Bình Chánh lại có công văn “đề nghị VKSND Cấp cao cho biết có tiếp tục xem xét kiến nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm nữa không để chi cục có cơ sở tiếp tục tổ chức THA”.

Bên cạnh đó, chi cục này tổ chức cuộc họp với Phòng TN&MT và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bình Chánh để bàn về tính pháp lý của các quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Tòng theo bản án phúc thẩm. Tại buổi làm việc, các bên thống nhất chờ kết quả xem xét kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Cấp cao tại TP.HCM.

Phải tôn trọng bản án có hiệu lực pháp luật

Trong công văn gửi Chi cục THADS huyện Bình Chánh mới đây, VKSND Cấp cao cho rằng trong quá trình giải quyết vụ án, tòa án hai cấp đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ và ghi nhận đầy đủ hiện trạng tài sản trên phần đất tranh chấp. Tại thời điểm tòa án xem xét tại chỗ, không có công trình nào của ông Lê Văn Chiến, ông Lê Văn Ngọc nên tòa án không xem xét, xử lý là đúng.

Cuối cùng VKS cho rằng hồ sơ vụ án đã được giải quyết gần năm năm, các đương sự không có đơn đề nghị kháng nghị bản án có hiệu lực pháp luật. Để đảm bảo tính ổn định, hiệu lực của bản án phải được công nhận và tôn trọng, cũng như bảo đảm quyền tự quyết của các đương sự theo quy định tại Điều 5 và Điều 19 BLTTDS 2015, VKS thấy không cần thiết phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

“Không hiểu vì sao thi hành án lại làm khó”

PV đã liên hệ với Chi cục THADS huyện Bình Chánh để tìm hiểu thêm nội tình vụ việc nhưng lãnh đạo cơ quan này cho biết không thể trả lời báo chí vì bị hạn chế về phát ngôn.

Theo thông tin mà PV tìm hiểu, sắp tới có khả năng Chi cục THADS huyện Bình Chánh sẽ tổ chức buổi họp ban, ngành để xác định, nếu giấy chứng nhận đã cấp cho ông Tòng còn hiệu lực thì chi cục sẽ giải tỏa ngăn chặn.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Tòng tỏ ra mệt mỏi về cách làm việc của Chi cục THADS huyện Bình Chánh. “Vì việc ngăn chặn này nên tôi không thể giao dịch được và phải bồi thường tiền cọc cho người mua đất. Chúng tôi đã phải mất nhiều năm với nhiều phiên tòa mới thắng kiện nhưng nay lại bị THA làm khó. Không biết đến bao giờ gia đình tôi mới có thể yên tâm ổn định cuộc sống” - ông Tòng nói.

NGÂN NGA

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/su-sot-sang-kho-hieu-cua-thi-hanh-an-binh-chanh-811411.html