Sự sụp đổ của đế chế giảm cân

Jenny Craig sẽ đóng cửa hàng trăm cửa hàng ở khu vực Bắc Mỹ, kết thúc kỷ nguyên kéo dài 40 năm của đế chế giảm cân khổng lồ.

 Một khách hàng tham gia chương trình giảm cân của Jenny Craig. Ảnh: Jenny Craig.

Một khách hàng tham gia chương trình giảm cân của Jenny Craig. Ảnh: Jenny Craig.

Ngày 4/5, công ty dinh dưỡng và hỗ trợ giảm cân Jenny Craig thông báo đóng cửa các cơ sở ở khu vực Bắc Mỹ “do không có khả năng đảm bảo nguồn tài chính bổ sung”, theo NBC News. Tuy nhiên, mọi hoạt động kinh doanh ở Australia của công ty này sẽ không bị ảnh hưởng.

Vài ngày trước đó, có thông tin cho rằng công ty Jenny Craig đã mắc khoản nợ khoảng 250 triệu USD, đang ráo riết tìm kiếm người mua và thậm chí cân nhắc nộp đơn xin phá sản, News.com.au đưa tin.

Thương hiệu dinh dưỡng và hỗ trợ giảm cân chuẩn bị đóng cửa các chi nhánh ở khu vực Bắc Mỹ. Ảnh: Mario Beauregarde/The Canadian Press.

Jenny Craig được thành lập vào năm 1983 tại Melbourne (Australia) bởi cặp vợ chồng người Mỹ Jenny và Sidney Craig. Năm 1985, họ đã mở rộng chương trình giảm cân sang thị trường Mỹ. Trong những năm qua, công ty thu hút hàng triệu khách hàng trên toàn thế giới bằng những thực đơn được thiết kế đặc biệt giúp giảm cân.

Năm 2019, công ty đã được H.I.G Capital mua lại và hiện có khoảng 1.000 nhân viên, với khoảng 500 cửa hàng ở Mỹ và Canada.

Suốt lịch sử 4 thập kỷ, Jenny Craig nổi tiếng với việc chi hàng trăm nghìn USD để được hỗ trợ giảm cân cho các ngôi sao nổi tiếng thế giới, như Mariah Carey, Rebel Wilson, Magda Szubanski và Mel B (Spice Girls). Sau đó, họ sử dụng những hành trình giảm cân này như câu chuyện thành công của thương hiệu.

Nhưng đồng thời, công ty dinh dưỡng và hỗ trợ giảm cân này cũng vướng phải nhiều tranh cãi. Năm 2018, Jenny Craig phải trả gần 38.000 USD tiền phạt vì bị cáo buộc lừa dối người tiêu dùng Australia với quảng cáo “giảm 10kg với giá 10 USD”.

Từ tháng 12/2017 đến tháng 2/2018, công ty đã quảng cáo trên truyền hình rằng mọi người có thể giảm đến 10 kg cân nặng với phí tham gia chỉ 10 USD, nhưng không ghi rõ rằng họ phải mất một khoản phí bổ sung để mua thực phẩm, theo cơ quan giám sát tiêu dùng Australia.

Diễn viên hài người Australia Magda Szubanski từng là phát ngôn viên của Jenny Craig.

“Thực tế, khách hàng sẽ phải chi nhiều hơn mức 10 USD,” Sarah Court, thành viên Ủy ban Người tiêu dùng và Cạnh tranh Australia (ACCC), cho biết vào thời điểm đó.

Năm 2013, diễn viên hài người Mỹ Mara Shapshay công bố kế hoạch khởi kiện Jenny Craig, cáo buộc các sản phẩm giảm cân khiến cô bị sảy thai và để lại cho cô 1.000 viên sỏi mật.

Công ty kiên quyết phủ nhận các cáo buộc vào thời điểm đó. Nói với Daily Mail, người phát ngôn công ty cho biết Jenny Craig rất thông cảm với những người mắc các bệnh lý, “nhưng thật vô trách nhiệm khi cho rằng chương trình giảm cân của chúng tôi là nguyên nhân dẫn đến vấn đề đó”.

Phía công ty cho biết chương trình giảm cân của Jenny Craig được thiết kế bởi các chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký hành nghề, với sự tư vấn chặt chẽ của ban cố vấn y tế và phản ánh hướng dẫn của các tổ chức y tế lớn.

Jenny Craig có hàng trăm chi nhánh trên thế giới. Ảnh: 6ABC.

Các khách hàng theo chương trình Jenny Craig trung bình giảm 1-2 pound (0,4-0,9kg) mỗi tuần. Đây là tốc độ giảm cân an toàn nhờ thực đơn cân bằng dinh dưỡng.

“Vụ kiện này rõ ràng là nỗ lực kích động công chúng và tìm kiếm thỏa thuận đền bù nhanh chóng”, người đại diện nói. Sau đó, nguyên đơn Shapshay xác nhận từ bỏ vụ kiện.

Năm 2011, diễn viên Magda Szubanski chấm dứt hợp đồng đại diện cho công ty sau khi bà tăng trở lại 36 kg - bằng với số cân nặng khi mới tham gia chương trình giảm cân.

Nhưng năm 2014, bà tái ký hợp đồng với Jenny Craig với số tiền thù lao hậu hĩnh. Thỏa thuận mới này bị chỉ trích nặng nề, cho rằng công ty đang trao thưởng cho “những người thừa cân và béo trở lại”.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-sup-do-cua-de-che-giam-can-post1428074.html