Sự thất bại của 'gã khổng lồ'

Công ty mẹ của Google là Alphabet mới đây đã quyết định tạm khóa dịch vụ Google+ (Google Plus) sau một sự cố bảo mật khiến hơn 500.000 thông tin tài khoản của khách hàng có thể lọt vào tay các nhà phát triển bên thứ ba.

Cụ thể, lỗ hổng trong một tập lệnh API đã cho phép các nhà phát triển ứng dụng truy xuất dữ liệu riêng của 496.951 người dùng tham gia Google+ trong khoảng từ năm 2015 đến 2018. Nói cách khác, bất cứ ai cũng có thể xem thông tin về hồ sơ, tên đầy đủ, địa chỉ thư điện tử, ngày sinh, giới tính, hình ảnh, nơi sinh sống, nghề nghiệp và trạng thái hôn nhân... của các tài khoản Google+ này. Sau khi thông tin được phát ra, cổ phiếu Alphabet giảm 1% xuống 1.155,92 USD/cổ phiếu. Sự kiện này đánh dấu cột mốc đáng buồn của Google+ sau 7 năm hoạt động kém hiệu quả.

Google+ là thất bại của Google sau nhiều năm bám đuổi và tìm cách lật đổ mạng xã hội Facebook.

Tuy chưa tìm thấy chứng cứ cụ thể về việc liệu những dữ liệu bị đánh cắp có bị lạm dụng hay không nhưng Google đang lên kế hoạch đóng cửa mạng xã hội Google+ vĩnh viễn trong 10 tháng tới. Lỗ hổng được phát hiện dựa vào một đánh giá nội bộ chuyên để kiểm tra quyền truy cập vào dữ liệu người dùng, thông qua tài khoản Google của các nhà phát triển phần mềm thuộc bên thứ ba.

Thực tế, sự cố đã được phát hiện vào tháng 3-2018 nhưng không được công ty tiết lộ cũng như thông báo quy trình sửa lại bởi không muốn bị giám sát về quy định từ các nhà lập pháp. Bên cạnh đó, hãng lo ngại sẽ bị so sánh với khủng hoảng của Cambridge Analytica từ Facebook.

Trong khi đại diện của Google cho biết vẫn thường xuyên thông báo cho người dùng khi có bất cứ vấn đề về bảo mật hoặc sai sót trong dữ liệu nhưng trên thực tế, niềm tin của người dùng đã cạn kiệt. Vì vậy, Google đang ngày càng đối mặt với những cáo buộc về cách làm việc có phần "tắc trách".

Google+ đã được “gã khổng lồ” tìm kiếm ra mắt rầm rộ vào năm 2011 với mục đích cạnh tranh với Facebook. Google+ đã sao chép mạng xã hội lớn nhất thế giới với các tính năng như cập nhật trạng thái, nút News Feed và cho phép người dùng lập ra các nhóm từ bạn bè, đồng nghiệp, gia đình của họ, gọi là các "vòng kết nối". Qua mạng xã hội Google+ lúc bấy giờ, người dùng quảng cáo nội dung dựa trên thông tin họ đã chia sẻ về bạn bè cũng như nhiều tính năng tương tác khác.

Thế nhưng, Google+ chưa bao giờ thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng. Được biết, Google có khoảng 2 tỷ người sử dụng trên thế giới, nhưng chỉ có 400 triệu người sở hữu tài khoản Google+ và hầu hết trong số đó sử dụng mạng xã hội này dưới dạng kết nối doanh nghiệp hoặc các trang blog.

Sau 7 năm hoạt động, Google+ có mức sử dụng và tỷ lệ tương tác thấp. Cụ thể là 90% các phiên sử dụng Google+ kéo dài chưa đến 5 giây. Kể từ tháng 8 năm nay, Google đã lên kế hoạch loại bỏ phiên bản Google+ miễn phí với hy vọng thay đổi cách hoạt động, gia tăng khả năng bảo mật, tránh những sai lầm như Facebook.

Dẫu vậy, cuộc khủng hoảng của Google+ được đánh giá là "giọt nước tràn ly" khiến Google không thể kiên nhẫn lâu hơn với sự hoạt động kém hiệu quả của mạng xã hội được kỳ vọng sẽ lật đổ sự thống trị của Facebook. Vì vậy, Google+ sẽ chính thức chấm dứt mọi dịch vụ trong vòng 10 tháng kể từ ngày 9-10.

Ra mắt sau Facebook, Instagram, nhưng Google+ một lần nữa cho thấy sự thất bại của Google trong nỗ lực xây dựng một nền tảng mạng xã hội dù sở hữu rất nhiều người sử dụng dịch vụ cũng như số lượng người dùng điện thoại Android trên thế giới. Dự kiến, CEO của Google, Sundar Pichai sẽ là người ngồi ở vị trí "ghế nóng" trong một phiên điều trần trước Quốc hội vào tháng 11 tới, sau thời điểm diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ của nước Mỹ.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Cong-nghe/915382/su-that-bai-cua-ga-khong-lo