Sự thật bất ngờ về cuộc đời Tôn Tử

Là người nước Tề nhưng lập công lao, sự nghiệp hiển hách cho nhà Ngô là một trong những điều thú vị về cuộc đời, sự nghiệp của Tôn Tử.

Tôn Tử (hay còn gọi Tôn Vũ) được đánh giá là "ông tổ của binh pháp", lưu danh sử sách với cuốn binh thư mang tên Binh pháp Tôn Tử (The Art of War). Ông có mối quan tâm lớn đến chiến tranh và được đánh giá là nhà cầm quân giỏi. Ít ai biết được rằng, Tôn Tử là người nước Tề, sau sang nước Ngô lập danh, lập nghiệp lừng lẫy thời đó. Cuộc đời, sự nghiệp của Tôn Tử là một trong những vấn đề được người đời hết sức quan tâm.

Tôn Tử có tên chữ là Trưởng Khanh sinh năm 535 TCN và mất năm 496 TCN. Ông sinh vào thời Xuân Thu - thời đại hỗn loạn trong lịch sử Trung Quốc. Đây cũng là cơ hội để Tôn Tử thể hiện tài cầm quân của mình cũng như chứng minh hiệu quả của cuốn binh pháp do mình viết.

Với tài cầm quân, Tôn Tử đã phò tá cho nước Ngô liên tục giành được thắng lợi, từ đó làm cho nước Ngô trở nên hùng mạnh khiến nhiều nước phải quy thuận trở thành chư hầu.

Tôn Tử - bậc thầy quân sự nổi tiếng Trung Quốc.

Tôn Tử - bậc thầy quân sự nổi tiếng Trung Quốc.

Binh pháp Tôn Tử là cuốn binh thư hoàn chỉnh nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử Trung Quốc cũng như trên thế giới. Tôn Tử đã dâng cuốn Binh pháp Tôn Tử gồm 13 chương của mình cho vua Ngô là Hạp Lư. Vua Hạp Lư đánh giá cao Tôn Tử nhưng vẫn muốn thử xem binh pháp của ông hiệu quả đến đâu nên đã đưa ra một thử thách cho Tôn Tử là làm sao huấn luyện, đào tạo 180 thê thiếp trong cung cấm của mình như những người lính thực thụ.

Tôn Tử đã chấp nhận nhiệm vụ đó. Ông đã chia 180 thê thiếp của nhà vua thành 2 nhóm và cử 1 người làm chỉ huy. Kế đến, Tôn Tử bắt đầu huấn luyện những nữ nhân của nhà vua kỷ luật quân đội.

Tuy nhiên, những mỹ nhân trong cung cười đùa khúc khích khi nghe Tôn Tử hạ lệnh. Sau vài lần ra lệnh và nhắc nhở của Tôn Tử mà những thê thiếp đó vẫn cười đùa nên ông đã ra lệnh chém đầu 2 chỉ huy để thị uy kỷ cương quân đội. Sau đó, dưới sự chỉ huy của ông, tất cả thê thiếp đều thực hiện huấn luyện nghiêm chỉnh, phục tùng hiệu lệnh của Tôn Tử, khiến nhà vua Hạp Lư khâm phục.

Mặc dù là tác giả cuốn binh thư nổi tiếng thế giới nhưng Tôn Tử không ủng hộ chiến tranh. Ông cho rằng các nước nên tránh gây ra chiến sự.

Theo Tôn Tử, nếu như xảy ra chiến tranh thì nên kết thúc cuộc chiến một cách nhanh nhất bởi nếu cuộc chiến kéo dài thì nó không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nước bại trận mà còn cả với nước chiến thắng.

Hiện cuốn Binh pháp Tôn Tử được dịch ra hơn 100 thứ tiếng và lưu truyền ở nhiều nước. Cuốn binh thư này không chỉ đượcứng dụng trong quân sự mà còn được vận dụng rộng rãi trong kinh tế, thương mại, quản lý, ngoại giao.

Theo Tâm Anh/Kiến thức

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/su-that-bat-ngo-ve-cuoc-doi-ton-tu/20190831082756854