Sự thật bất ngờ vùng đất linh thiêng của người Triều Tiên

Núi Paektu được xem là nơi khai sinh dân tộc Triều Tiên, nơi vương quốc đầu tiên trên bán đảo ra đời, cũng là nơi gắn liền với cuộc cách mạng của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành.

Con tàu đưa du khách đến đài quan sát nằm gần núi Paektu (Bạch Đầu), một trong những địa điểm linh thiêng nhất với người dân Triều Tiên. Núi Paektu được coi là nơi khai sinh dân tộc Triều Tiên, nơi nhà nước đầu tiên trên bán đảo (Gojoseon, 2333 TCN-108 TCN) ra đời. Ảnh: AFP.

Mỗi năm, hàng chục nghìn người Triều Tiên đến tham quan nước Paektu, còn có tên khác là núi Trường Bạch, theo cách gọi của Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Theo thần thoại Triều Tiên, núi Paektu là nơi sinh của Dangun, người lập ra vương quốc Gojoseon (Cổ Triều Tiên). Cha của ông được cho là Hwanung, con trai của Trời, và mẹ của ông là Ungnyeo, một con gấu biến thành người. Ảnh: AFP.

Các vương quốc kế tục trên bán đảo bao gồm Buyeo (Phù Dư), Goguryeo (Cao Câu Ly), Balhae (Bột Hải), Goryeo (Cao Ly) và Joseon (Triều Tiên) đều coi núi Paektu là địa điểm linh thiêng. Ảnh: AFP.

Nằm trên biên giới Trung - Triều, núi Paektu là một núi lửa đang hoạt động cao 2.744 m, cao nhất bán đảo Triều Tiên và vùng đông bắc Trung Quốc. Trên đỉnh núi là hồ Thiên Trì, được tạo ra sau trận phun trào dữ dội của núi lửa này vào năm 946. Ảnh: Wikimedia Commons.

Những người tới đây thường mặc trang phục khaki gợi nhớ hình ảnh những người lính Triều Tiên trong chiến tranh cách đây hơn nửa thế kỷ. Ảnh: AFP.

Rừng rậm bao quanh ngọn núi là căn cứ của quân đội Triều Tiên trong thời kỳ kháng Nhật (1910-1945) cũng như của binh sĩ miền Bắc bán đảo trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Ảnh: AFP.

Ngọn núi được xem căn cứ địa cách mạng gắn liền với hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) và Kim Chính Nhật (Kim Jong Il). Triều Tiên cũng tuyên bố đây là nơi ông Kim Chính Nhật ra đời, dù một số tài liệu nói ông sinh ra tại Liên Xô. Trong ảnh, người tham quan đi trước một bức tranh tường khắc họa hình ảnh ông Kim Nhật Thành và vợ bế con trai Kim Chính Nhật tại lối vào địa điểm được gọi là "Doanh trại bí mật" của ông Kim Nhật Thành trong chiến tranh. Ảnh: AFP.

Tượng ông Kim Nhật Thành được dựng tại "Doanh trại bí mật". Từ nơi này, ông đã đi khắp bán đảo Triều Tiên cũng như đến Trung Quốc "để hoàn thành mục tiêu lịch sử là giải phóng đất nước". Ảnh: AFP.

Một hướng dẫn viên đứng trước phiên bản dựng lại của ngôi nhà được cho là nơi ông Kim Nhật Thành sinh sống tại "Doanh trại bí mật". Ảnh: AFP.

Triều Tiên nói rằng có 216 bậc dẫn lên đỉnh núi, tượng trưng cho ngày sinh của ông Kim Chính Nhật 16/2 (viết theo thứ tự trong tiếng Triều Tiên là 216), song thực tế số bậc nhiều hơn như vậy. Ảnh: AFP.

Núi Paektu đã được khắc họa trên quốc huy Triều Tiên từ năm 1993, cũng như được nhắc đến trong Điều 169 Hiến pháp Triều Tiên, mô tả đây là "ngọn núi linh thiêng của cách mạng". Ảnh: AFP.

Ngọn núi cũng xuất hiện trong quốc ca hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như trong bài dân ca "Arirang" nổi tiếng của người dân bán đảo. Ảnh: AFP.

Thời tiết trên núi rất thất thường, đôi khi khắc nghiệt với nhiệt độ trung bình năm là −4.9 °C. Trong mùa hè, nhiệt độ có thể lên đến 18 °C, còn mùa đông nhiệt độ có thể giảm xuống đến −48 °C. Ảnh: AFP. *) Title do Kiến Thức biên tập lại

Theo Đông Phong/Zing.vn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi-24h/su-that-bat-ngo-vung-dat-linh-thieng-cua-nguoi-trieu-tien-1280383.html