Sự thật đầu tư BOT giao thông: Lợi lớn từ các dự án

BOT giao thông có làm tăng chi phí, tác động xấu đến cuộc sống người dân?

Cầu Rạch Miễu được đầu tư theo hình thức BOT khi đưa vào khai thác đã giúp Bến Tre không còn bị cô lập, mang lại hiệu quả rõ rệt về KT-XH - Ảnh: C12

Cầu Rạch Miễu được đầu tư theo hình thức BOT khi đưa vào khai thác đã giúp Bến Tre không còn bị cô lập, mang lại hiệu quả rõ rệt về KT-XH - Ảnh: C12

Đổi đời nhờ BOT giao thông

Đã bao đời nay, Bến Tre được ví như một “ốc đảo” bị cô lập với bên ngoài khi lưu thông đường bộ bị chia cắt. Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, nếu không thực hiện theo hình thức BOT, chưa biết bao giờ Bến Tre mới xây dựng được một cây cầu tầm cỡ như Rạch Miễu, phá được thế bị cô lập.

Theo ông Trọng, chỉ tính riêng du lịch, năm 2008 chưa có cầu Rạch Miễu, du khách đến Bến Tre chỉ khoảng 377.000 lượt mỗi năm. Thế nhưng, năm 2016, tổng khách du lịch đến Bến Tre đã tăng gấp nhiều lần và đạt trên 1.150.000 lượt. Nguồn thu từ các hoạt động du lịch đạt 860 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ với địa phương thuần nông như Bến Tre.

"Tuy còn tồn tại một số bất cập ở một vài tuyến đường nhưng có thể khẳng định BOT giao thông là chủ trương đúng để phát triển hạ tầng giao thông..."

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN

Cũng trên tuyến QL60, cầu Cổ Chiên được lập kế hoạch đầu tư với trên 3.000 tỷ đồng bằng vốn ngân sách từ năm 2011. Khi dự án mới triển khai được một số hạng mục nhỏ ở hai bờ lại phải tạm dừng vì hết vốn. Dự án bị đình hoãn một thời gian dài và không biết ngày nào có vốn để tái khởi động. Trước tình hình đó, Chính phủ cho phép chuyển đổi sang hình thức đầu tư BOT kết hợp ngân sách Nhà nước. Đầu tháng 8/2013, cầu Cổ Chiên được tái khởi động và đến tháng 5/2015 dự án hoàn thành.

Ông Cao Văn Trọng cho biết, trước đây, tỉnh muốn mời gọi nhà đầu tư đến làm ăn trên địa bàn rất khó khăn vì đường sá cách trở. Từ khi cầu Rạch Miễu, Cổ Chiên hoàn thành đã tạo hành lang kết nối với TP.HCM và các địa phương khác rất thuận lợi trong đi lại, vận chuyển hàng hóa.

“Bến Tre những năm gần đây có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh, thể hiện rõ nhất là khu vực đô thị và trung tâm TP Bến Tre. Nhiều nhà máy, xí nghiệp được xây dựng dọc các trục lộ chính như QL60, QL57… Đặc biệt, trong 5 năm qua, cả hai Khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp đã được lấp đầy rất nhanh. Nếu Bộ GTVT không chuyển sang đầu tư theo hình thức BOT, phá thế cô lập về đường sá, Bến Tre không thể phát triển như hôm nay”, ông Trọng nói.

Còn ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chia sẻ, nếu không chuyển dự án cầu Cổ Chiên sang hình thức BOT mà chỉ chờ ngân sách, chưa biết khi nào dự án mới có cầu.

“Nếu như trước đây người dân Trà Vinh muốn lên TP HCM để chữa bệnh phải vòng lên QL1 với hơn 4 giờ, nay đi theo QL60 qua Bến Tre, Tiền Giang, rút ngắn hơn 70km và chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Chỉ riêng việc rút ngắn thời gian cũng đã thấy được hiệu quả của dự án đối với đời sống người dân. Cùng với đó, rất nhiều nhà đầu tư đã về Trà Vinh tìm hiểu đầu tư, kinh tế địa phương cũng phát triển đi lên”, ông Hoàng nói.

Ở một dự án khác là hầm đường bộ Đèo Cả, công trình đầu tư theo hình thức BOT. Ngày thông hầm mới đây, người vui nhất là cánh lái xe Bắc - Nam, bởi trước đây mỗi lần leo đèo Cả là một lần ám ảnh chết chóc, tốn thời gian, nhiên liệu. Anh Nguyên Văn Nam (Khánh Hòa) vừa lái xe qua hầm tâm sự: “Nay dù mất hơn 50 nghìn đồng một lần qua hầm tôi vẫn lời so với đi đường cũ”.

Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng đầu tư 62 dự án theo hình thức PPP, gấp nhiều lần những năm trước cộng lại. Trong số này có 58 dự án BOT (TMĐT: 170.355 tỷ đồng) và 4 dự án BT (TMĐT: 16.305 tỷ đồng). Các dự án BOT giao thông đã làm thay đổi bộ mặt giao thông cả nước, gần như chấm dứt tình trạng đường hỏng triền miên, mặt đường xuống cấp, ùn tắc trên các quốc lộ... khiến người dân đi lại vất vả, mất thời gian.

Còn Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Tấn Việt khẳng định: “Đèo Cả mang đến cơ hội phát triển thông thương, liên kết vùng, kết nối giữa KKT Nam Phú Yên và Vân Phong (Khánh Hòa) cũng như các KCN Bình Định, và xu hướng phát triển mạnh mẽ du lịch thời gian tới. Hầm đường bộ khơi thông, mở toang thế “cô lập”, bao đời nay của Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, tạo đà cho cả miền Trung cất cánh”.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ĐBQH Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT TASCO cho rằng, ai cũng biết đường đến đâu giàu đến đấy. Ở Việt Nam, lãnh đạo địa phương đều nhận thức rõ điều này và khát khao làm BOT. Có đường giao thông, kinh tế mới phát triển được. “Tôi làm doanh nghiệp, được nhiều tỉnh mời xã hội hóa đầu tư về giao thông. Vì ai cũng thấy lợi ích BOT đưa lại”, ông Dũng nói.

“Nghĩ lại thời bao cấp, quê tôi ở Hải Hậu đi từ huyện lên Hà Nội phải ngủ đêm ở Nam Định. Sau đó, chạy từ Nam Định lên Hà Nội phải nghỉ ăn trưa giữa đường. Trước đó, phải thức từ 3 – 4 giờ sáng chờ mua vé, đi mấy chặng mới đến Hà Nội. Còn giờ, chỉ mất có 2 tiếng rưỡi. Lợi ích của giao thông là quá rõ ràng”, ông Dũng chia sẻ thêm.

Đi từ Bắc vào Nam bớt 10 tiếng chạy xe

Ông Trần Xuân Sanh, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, QL1 được cải tạo từ năm 2000, sau hơn 10 năm đưa vào khai thác, tuyến QL1 chỉ có quy mô hai làn xe cơ giới, mặt đường ngày càng xuống cấp, lưu lượng xe gia tăng đột biến khiến mạch máu giao thông quốc gia ngày càng chật hẹp. Nếu không đầu tư BOT thì không thể có tiền mở rộng QL1 như hôm nay. “Sau khi các dự án được đưa vào khai thác, mà trong đó rất nhiều đoạn được đầu tư BOT, QL1 từ Hà Nội - Cần Thơ với 4 làn xe đã giảm thời gian chạy xe ít nhất 7-10 giờ và tạo điều kiện đáng kể để người dân phát triển KT-XH, thúc đẩy giao thương”, ông Sanh nói.

Là doanh nghiệp vận tải khách có 88 xe chạy tuyến Bắc - Nam, ông Vũ Đức Hoàng, Phó giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long cho biết, sau khi tuyến QL1 được mở rộng, nâng cấp đem lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp, giúp rút ngắn thời gian chạy xe. “Trước đây, xe của doanh nghiệp chạy tuyến này phải mất khoảng 40-52 giờ, nay chỉ mất khoảng 36-40 giờ, từ đó góp phần giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xe chạy được êm thuận hơn”, ông Hoàng nói.

Mỗi ngày, hàng chục đầu xe khách của Công ty TNHH Vận tải Sơn Tùng (Quy Nhơn) chạy tuyến cố định Quy Nhơn - Đà Nẵng và Quy Nhơn – Nha Trang. Theo ông Trần Sơn Tùng, Giám đốc công ty này, từ khi QL1 hoàn thành nâng cấp, mở rộng đến nay, đơn vị đã đầu tư thêm gần chục đầu xe, nâng tổng số xe trên tuyến lên 30 chiếc. Dù mất tiền đóng phí BOT, nhưng bù lại doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều từ hạ tầng đường sá khang trang, đồng bộ, đi lại thuận lợi, hoạt động kinh doanh khởi sắc.

Tính riêng tuyến Quy Nhơn - Đà Nẵng trên hành trình 300km, có 5 trạm thu phí BOT, mỗi tháng, 23 đầu xe (loại 16 chỗ và xe giường nằm) của nhà xe Sơn Tùng đóng gần 207 triệu đồng phí BOT. Tuy nhiên, ông Tùng phân tích: “Hiệu quả rất rõ, đóng phí vẫn lợi lớn. Trước đây, từ Quy Nhơn đi Đà Nẵng mất khoảng 7 tiếng, nay chỉ còn trên dưới 6 tiếng, hành trình các xe đều ổn định lịch trình đi đến, hạn chế tối đa cảnh tắc đường; tiêu hao nhiên liệu 81 lít/chuyến nay còn 75 lít/chuyến, giảm hao mòn phương tiện. Chưa kể QL1 cũ chật hẹp, xuống cấp, ổ gà nhiều nên hành khách chủ yếu lựa chọn tàu hỏa. Giờ đường tốt, phương tiện chất lượng, khách đi ô tô nhiều hơn. Hầu hết các chuyến xe Quy Nhơn - Đà Nẵng đều kín chỗ, doanh nghiệp hoạt động ổn định hơn”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, tuy còn tồn tại một số bất cập ở một vài tuyến đường nhưng có thể khẳng định BOT giao thông là chủ trương đúng để phát triển hạ tầng giao thông. Đề cập đến thông tin xe chạy tuyến Bắc – Nam hết 20 triệu đồng tiền xăng dầu và 93 triệu đồng tiền phí BOT mà dư luận gần đây phản ánh, ông Thanh cho rằng, đây là thông tin không chính xác và đã được Tổng cục Đường bộ VN phản bác.

Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, xe lớn nhất đi từ Bắc vào Nam chỉ hết hơn 4,8 triệu đồng, không có chuyện hết 93 triệu đồng như một số thông tin phản ánh.

TNGT đều giảm sâu nhờ đường mới

Đánh giá tình hình TNGT từ khi tuyến QL1 được mở rộng, nâng cấp, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, TNGT ở tất cả các địa phương có dự án mở rộng, nâng cấp QL1 đi qua đều giảm rất sâu. Đặc biệt là những vụ tai nạn đối đầu thảm khốc làm nhiều người thương vong giảm rõ rệt.

“Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, dù là số phương tiện, nhu cầu đi lại gia tăng, tốc độ khai thác trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nói chung và trên tuyến QL1 nâng lên, nhưng TNGT lại giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, đặc biệt là trên tuyến QL1”, ông Hùng nói và lấy ví dụ như tỉnh Quảng Bình năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, xảy ra 132 vụ TNGT, làm 66 người chết, bị thương 128 người. So với cùng kỳ, giảm 185 vụ, giảm 30 người chết và giảm 207 người bị thương.

“Có được điều này nhờ tuyến QL1 được nâng cấp, mở rộng 4 làn xe đồng bộ, trong đó có nhiều dự án BOT”, ông Hùng nói.

Chia sẻ thêm, lãnh đạo Ban ATGT tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa cũng cho biết, QL1 hoàn thành nâng cấp góp phần xóa hàng loạt điểm đen TNGT. Tính riêng tại Bình Định, 9 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 192 vụ TNGT, làm 112 người chết, 126 người bị thương. So với cùng kì năm 2016 giảm 54 vụ, 31 người chết và 48 người bị thương. Tương tự tại Khánh Hòa, những tháng đầu năm, QL1 qua Khánh Hòa chỉ xảy ra 37 vụ TNGT, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2016.

Linh Hoài - Duy Trần - Thắng Phan

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/su-that-dau-tu-bot-giao-thong-loi-lon-tu-cac-du-an-d224767.html