Sự thật màn phô diễn hào nhoáng của ba tàu sân bay Mỹ ở Thái Bình Dương

Trong khi khả năng quân sự đang bị thách thức, Mỹ cũng phải đối mặt với nguy cơ 'tự chảy máu đến chết' trước khi đối đầu với kẻ thù ở chiến trường.

Việc đưa 3 tàu sân bay đến Thái Bình Dương được cho là cách điều động không hợp lý của Mỹ.

Song song với chuyến công du dài ngày của Tổng thống Donald Trump đến châu Á, ba nhóm tấn công tàu sân bay của Mỹ cũng có mặt tại Thái Bình Dương.

Đó là một màn trình diễn sức mạnh quân sự tuyệt vời của Mỹ cũng như một lời nhắc nhở về tầm ảnh hưởng toàn cầu của quốc gia này trên mọi điểm nóng.

Nhưng cùng với đó là một tín hiệu khác cho thấy, lực lượng của đất nước hùng mạnh nhất thế giới dường như đang được phân bổ không hợp lý.

Yêu cầu ba tàu sân bay đến Thái Bình Dương như một giải pháp chiến lược vừa đe dọa vừa phòng bị của Washington trước nguy cơ đến từ Triều Tiên.

Tuy nhiên, việc kéo đi một loạt các con bài chiến lược từ các khu vực xung đột tiềm năng khác, trong đó có vùng Vịnh, có lẽ không phải một giải pháp hay, theo cây bút Peter Apps của Reuters.

Trong bối cảnh đang phải đối mặt với hàng loạt các điểm nóng nhức nhối trên toàn cầu, năng lực quân sự của Mỹ lại đang bị đánh giá là yếu kém hơn trước.

Báo cáo từ Học viện Chiến tranh (Mỹ) hồi tháng 6 mô tả sức mạnh quân sự của nước này bằng hai từ “rách nát” và thẳng thừng kết luận, thời đại của Mỹ về tính ưu việt quân sự toàn cầu kể từ sau sự sụp đổ của bức tường Berlin đã kết thúc.

Lực lượng vũ trang của cường quốc số một thế giới đã có một loạt các chiến lược để giải quyết tình trạng nói trên nhưng nhiều chuyên gia vẫn đánh giá, nếu một cuộc chiến xảy ra, Mỹ sẽ không thể hiện được ánh hào quang năm xưa.

Sau vụ khủng bố 11/9, nguồn lực quân sự của Mỹ tập trung quá lớn vào một chỗ, chủ yếu là Iraq và Afghanistan. Kể từ sau thời điểm đó, nền quân sự Mỹ ăn vào ngân sách lên tới con số 5,6 nghìn tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại, theo nghiên cứu của Đại học Brown. Trong khi công nghệ quân sự trong vài năm qua không có nhiều đột phá.

Điều này đồng nghĩa với việc mỗi người dân Mỹ gánh trên vai hơn 23.000 USD tiền thuế, bao gồm cả các khoản chi cho cuộc sống các cựu chiến binh trong tương lai.

Ở thời đỉnh cao của Mỹ, những cuộc chiến tranh mà nước này chiếm ưu thế vượt trội đều được lập kế hoạch, ước tính khối lượng công việc, tiền bạc một cách rất khoa học, tỉ mỉ. Nhưng trong thời kỳ hiện đại, những đặc tính này đã biến mất.

Phát biểu tại Hiệp hội Quân đội Mỹ tại Washington hồi đầu tháng này, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley đánh giá, thành công của liên quân do Mỹ dẫn đầu chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria cho thấy tính hiệu quả của các kế hoạch cải cách mới đề ra.

Có quá nhiều sự cố khiến quân nhân Mỹ thiệt mạng trong thời gian gần đây.

Nhưng bên cạnh đó đã có những thất bại đáng kể và gây lãng phí tiền bạc không kém ở Afghanistan, nơi lực lượng địa phương được Mỹ rót 70 tỷ USD tiền ủng hộ kể từ năm 2001, nhưng tình hình vẫn không thay đổi.

Đáng ngại hơn, trong năm ngoái, tình trạng quân nhân Mỹ bị thiệt mạng vì tai nạn, thay vì hy sinh trên các chiến trường đang tăng cao.

Đây là hậu quả từ một loạt các sự cố xảy ra ngay cả đối với các vũ khí tân tiến nhất bao gồm tàu khu trục USS Fitzgerald và McCain.

Thậm chí giới phân tích còn cho rằng, tình trạng binh sĩ Mỹ hiện tại là chưa cần ra trận nhưng đã nằm trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Điều này sẽ khiến cho Mỹ trở nên yếu thế và mất ý chí hơn khi đối đầu với tình hình căng thẳng với Trung Quốc và Triều Tiên ở châu Á.

Bên cạnh đó, việc phân bổ nguồn lực không hợp lý cũng là một trong những điểm yếu của Washington.

Ở châu Âu, sự so kè với Nga đã dẫn đến quyết định triển khai quân sự ở quy mô chưa từng có từ sau Chiến tranh Lạnh.

Bộ binh, máy bay, tàu chiến và tàu ngầm hiện đại hiện đang có mặt trong hầu hết các bài tập trận liên tục để trấn an các đồng minh và thăm dò phản ứng với Moscow.

Ngân sách của Lầu Năm Góc là 825 tỷ USD trong năm nay. Không chỉ lớn gấp nhiều lần bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, con số này sẽ còn gia tăng trong các năm sau.

Ngược lại, ngân sách của Trung Quốc và Nga lần lượt là 146 tỷ USD và 70 tỷ USD nhưng họ không đi theo cách tiếp cận “bao quát toàn cầu” của Mỹ.

Bắc Kinh và Moscow đang ngày càng tập trung vào các khu vực có lợi ích lớn nhất của riêng mình.

Cả hai đã tích cực đi sâu nghiên cứu các kỹ thuật và chiến thuật hiện đại như chiến tranh mạng và tên lửa mà giới quan sát Mỹ lo lắng có thể cung cấp cho họ những lợi thế trong bất kỳ cuộc chiến tranh cục bộ nào.

Trong khi khả năng quân sự của Mỹ đang dần yếu kém hơn trước, nước này giờ đây phải đối mặt với nguy cơ “tự chảy máu đến chết” trước khi đối đầu với kẻ thù ở chiến trường.

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/su-that-man-pho-dien-cua-ba-tau-san-bay-my-o-thai-binh-duong-a347241.html