Sự thật mất... người

Một học sinh dám đứng lên nói sự thật để có được quyền lợi tối thiểu không chỉ cho riêng mình mà cho cả tập thể nhưng lại bị chính tập thể ấy ghét bỏ, điều này có lạ lùng không?

Chưa đến thời gian nghỉ giữa học kỳ, thế nhưng một học sinh lớp 11 ở TP. HCM đã được chuyển sang trường khác một cách nhanh chóng chỉ vài ngày sau khi đề đạt nguyện vọng. Sở dĩ có thể thực hiện được “tiến độ công việc” nhanh đến thế là do trường hợp chuyển trường của em học sinh này được lãnh đạo UBND TP. HCM trực tiếp chỉ đạo cho Sở GD-ĐT TP. HCM thi hành. Nếu không theo dõi thông tin thời sự hàng ngày, bạn có thể đoán rằng em học sinh nói trên thuộc dạng “con ông cháu cha”, cậy quen biết để xin chuyển sang trường tốt hơn chẳng hạn. Thực tế không phải vậy. Em học sinh xin chuyển trường bởi bị học sinh cùng lớp, học sinh cùng trường kỳ thị, cô lập, và rất nhiều khả năng em này còn bị cả đội ngũ giáo viên của trường (công khai hoặc ngấm ngầm) coi là tội đồ. Đây là một vụ việc rất hiếm có xảy trong trong ngành giáo dục và khiến người ta liên tưởng đến thầy giáo Đỗ Việt Khoa của 12 năm trước, dám đứng lên tố cáo những quy định ngầm của ngành giáo dục và bị coi “như hủi”, để rồi phải ngậm ngùi chia tay nghề giáo.

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo ngành giáo dục – đào tạo TP. HCM với học sinh tiêu biểu của thành phố hôm 23/3 vừa qua, em Phạm Song Toàn, học sinh lớp 11A1 trường THPT Long Thới đã tiết lộ cô giáo dạy môn toán ở lớp em đã không hề nói gì với học sinh, những khi cô này có tiết dạy tại lớp 11A1, mà chỉ lẳng lặng viết lên bảng cho học sinh chép rồi sau đó học sinh tự học. Sự việc diễn ra hàng tháng trời nhưng học sinh sợ không dám nói, cô chủ nhiệm, nhà trường không hề hay biết. Tiết lộ của em Phạm Song Toàn đã khiến dư luận bàng hoàng xen lẫn phẫn nộ bởi đây là hành vi phản giáo dục, có lẽ là chưa từng xảy ra từ trước đến nay. Ngoài việc không truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách tử tế, cách đối xử với học sinh của giáo viên dạy toán nói trên còn mang dáng dấp của hành vi khủng bố tinh thần các học trò của mình. Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để xem xét kỷ luật cô giáo này, đồng thời cũng xem xét trách nhiệm của nhà trường. Việc xử lý nghiêm khắc là cần thiết mặc dù chuyện đã rồi và học sinh đã bị thiệt thòi.

Hành động của em Phạm Song Toàn rõ ràng đã khiến lớp 11A1 thoát khỏi tình cảnh có cô giáo toán mà như không, đồng thời học sinh cũng không bị căng thẳng mỗi khi lớp có tiết học toán nữa. Thế nhưng mọi sự hóa ra khác hẳn. Em bị một số bạn cùng lớp đả kích trên mạng, cho rằng em là “đồ hớt lẻo”, trong khi nhà trường vì chuyện này hẳn sẽ ảnh hưởng tới thành tích thi đua nên dù đội ngũ giáo viên và lãnh đạo nhà trường chưa tỏ thái độ gì thì áp lực với em là rất lớn, bởi thay vì ngay lập tức đình chỉ việc dạy của cô giáo toán thì nhà trường cho rằng cần phải “nhân văn” với giáo viên này, đồng nghĩa với việc cô giáo sẽ chịu kỷ luật tí chút rồi tiếp tục đi dạy, nhiều khả năng vẫn dạy lớp 11A1 nói trên.

Một học sinh dám đứng lên nói sự thật để có được quyền lợi tối thiểu không chỉ cho riêng mình mà cho cả tập thể nhưng lại bị chính tập thể ấy ghét bỏ, điều này có lạ lùng không? Câu trả lời là không hề, ở xã hội chúng ta hiện nay. Có nhiều lý do để đi tới kết luận như vậy. Xin bắt đầu từ quan niệm về sự khiêm tốn. Khiêm tốn, theo nghĩa đại chúng nhất, là kẻ cả. Tuy nhiên ở xã hội hiện nay, khiêm tốn thường được hiểu và chấp nhận theo cách biết mười mà nói một, hai. Quan niệm như thế lắm khi làm người ta rơi vào cảnh huống hài hước. Chẳng hạn hỏi một em học sinh học ra sao, nếu nhận được câu trả lời “cũng bình thường ạ”, người hỏi và thậm chí cả phụ huynh học sinh thường rơi vào tâm trạng hài lòng, không hỏi thêm, mặc dù thực tế thì em này học rất giỏi, học bạ chỉ toàn điểm 10. Xét ở một góc độ khác, quan niệm khiêm tốn như vậy có thể dẫn tới sự không thành thật. Lâu dần, việc không thành thật hoặc khiêm tốn một cách giả tạo trước người khác sẽ thành nếp và người ta thậm chí sẽ không thành thật với chính bản thân mình. Những học sinh thi lấy học bổng ở Anh, Mỹ rất rõ điều này khi được yêu cầu phải ghi rõ những điểm mạnh của mình, từ cái nhỏ nhặt nhất, để có thể vững tin tuyên bố rằng “khiêm tốn mà nói, tôi rất giỏi việc ấy” chứ không phải là “có gì đâu, tôi cũng ăn may ấy mà”.

Cung cách ứng xử theo kiểu cũ: “Người khôn ăn nói nửa chừng” cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới hành vi của từng cá nhân trong đời sống xã hội. Có thể thấy hành vi này thể hiện ở khắp nơi, trên các phương tiện truyền thông, trong giao tiếp hàng ngày. Những cách nói vòng vo, mượn chuyện này nói chuyện khác, nói nửa vời... được cổ súy và trở thành một thứ “chuẩn mực” chung về lối ứng xử. Đáp ứng được “chuẩn mực” ấy mới là điều quan trọng, là “biết cách sống”, còn lợi ích và giá trị của việc nói ra sự thật chỉ được xếp vào hàng thứ yếu.

Trở lại với trường hợp của em học sinh Phạm Song Toàn, việc lãnh đạo UBND TP. HCM yêu cầu các cơ quan sở ban ngành lập tức chuyển trường cho em là giải pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người nói ra sự thật. Điều trăn trở là với bối cảnh xã hội như hiện nay, chẳng có gì đảm bảo em Toàn sẽ không bị kỳ thị hay cô lập ở môi trường mới bởi tin tức ngày nay lan truyền trên mạng internet với tốc độ ánh sáng. Nếu những trải nghiệm “làm sao để sống sót” khiến em học sinh ấy phát hiện ra rằng từ nay trong đời tốt nhất là đừng bao giờ nói ra sự thật, kể cả nếu có “chết” thì cũng “chết chùm. Chẳng biết từ bao giờ, tư duy “bầy đàn” ăn sâu vào cách nghĩ từ phụ huynh đến học sinh và lây sang giáo dục. Nếu cứ “tốt khoe xấu che” có lẽ lúc bước ra “ánh sáng”, mọi việc trong tối đã bung bét cả, có lẽ vì thế mà bọn trẻ khao khát và thích thú “Avenger” của điện ảnh Mỹ chăng.

Quang Minh

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/su-that-mat-nguoi-80949.html