Sự thật nào sau những cốc sữa ngô... tinh dầu?

Chỉ tạo mùi vị để đánh lừa cảm giác chứ không chứa các chất dinh dưỡng, chưa được chứng nhận an toàn thực phẩm, sản phẩm chưa được phép bán, không rõ nguồn gốc xuất xứ… là những kết luận mà các chuyên gia thực phẩm cho biết về các loại phụ gia mà một số cửa hàng dùng để chế biến sữa ngô hiện nay.

Tinh dầu không rõ nguồn gốc được bày bán tại Cty Mỹ Linh.

Tinh dầu không rõ nguồn gốc được bày bán tại Cty Mỹ Linh.

Những khuyến cáo

Như PV Báo Lao Động đã phản ánh, tại một số cửa hàng bán sữa ngô, người ta đang truyền tai nhau về một công thức chế biến sữa ngô siêu lợi nhuận mà không cần đến ngô, chỉ cần pha trộn các dung dịch bán sẵn trên thị trường như: Tinh dầu ngô, bột sữa ngô, hương ngô, hương sữa... Để tìm hiểu rõ hơn về chất lượng của các sản phẩm này, chúng tôi đã mang theo chai tinh dầu ngô (đóng trong chai lavie loại 500ml) và các loại phụ gia mua được tại một cửa hàng trên phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Tại đây, với thái độ hết sức bất ngờ, TS Trần Thị Hồng Vân - Giám đốc Phòng Quản lý chất lượng của Viện - cho biết, loại tinh dầu và bột sữa ngô này vì không có bất kỳ nhãn mác nào nên không thể xác định nguồn gốc, chất lượng… do đó, bà khuyến cáo các tổ chức, cá nhân tuyệt đối không nên sử dụng để tránh những hệ lụy đáng tiếc.

Còn với các chai phụ gia có tên Hương sữa và Hương ngô đều có màu vàng, là sản phẩm của Cty TNHH Thương mại dịch vụ XNK Mỹ Linh, sau khi tiến hành tra cứu số xác nhận an toàn thực phẩm (ATTP) ghi trên nhãn mác, chúng tôi phát hiện ra rằng, chai Hương sữa không có tên trong danh sách các loại phụ gia thực phẩm được Cục ATTP xác nhận đạt tiêu chuẩn theo quy định. Theo cán bộ nơi đây, những sản phẩm nào có số xác nhận ATTP của Cục ATTP thì được phép sử dụng, còn những loại nào không có số xác nhận hoặc tra cứu không thấy thì chưa được phép lưu hành trên thị trường.

Hành trình tìm nguồn gốc

Bất ngờ trước việc chai Hương ngô và Hương sữa mập mờ về độ an toàn, chúng tôi đã tìm đến địa chỉ số 87 Hàng Bồ của Cty Mỹ Linh - nơi được rỉ tai là địa chỉ hàng đầu cung cấp các loại tinh dầu chế biến đồ uống. Tại đây theo quan sát, luôn tấp nập người mua kẻ bán. Bước vào bên trong, các mùi hương trộn lẫn vào nhau xộc lên ngào ngạt. Các kệ hàng kê san sát, trưng bày đủ các loại tinh dầu và hương thực phẩm như hương táo, hương dừa, hương chanh, hương đậu xanh… màu sắc xanh, đỏ… đựng trong các lọ thủy tinh và được nhân viên ở đây dán bằng một tờ giấy để phân biệt rất đơn giản. Phía dưới sàn nhà là hàng loạt các can trắng, không nhãn mác, chỉ đề tên người nhận, và đang được nhân viên công ty sắp xếp thành hàng đưa ra phía ngoài cửa.

Trao đổi với chúng tôi, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) - cho biết, hiện nay các loại tinh dầu được chiết xuất rất phổ biến trên thế giới, tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có cơ sở nào sản xuất được loại này. Các cơ sở chỉ được phép nhập về, đóng gói và phân phối nhưng phải được Bộ Y tế cấp phép và có giấy chứng nhận rõ ràng.

“Nhưng không hiểu sao, các loại tinh dầu bây giờ lại được bày bán tràn lan đến như vậy, không biết Bộ Y tế đã cấp phép cho các cơ sở này hay chưa mà từ hương trái cây, hương rau, hương các loại củ quả… đến các loại hương trứng, hương thịt, hương sữa… lại nhiều đến như vậy” - ông Thịnh tỏ ra băn khoăn.

Khi đề cập đến vấn đề sữa ngô được chế biến từ tinh dầu, ông Thịnh cho rằng các loại tinh dầu, và phụ gia thực phẩm chỉ được làm từ các chất hóa học tổng hợp chứ không phải tự nhiên. Vì thế, nó chỉ có tác dụng tạo hương chứ không mang lại chất dinh dưỡng gì. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, các loại phụ gia thực phẩm đang được bày bán tràn lan nên tạo nhiều kẽ hở cho các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc được “tung hoành” ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Quyết Thắng - Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm - cho biết: “Đối với các hộ kinh doanh chất phụ gia thực phẩm trên phố Hàng Buồm, phường vẫn tiến hành kiểm tra định kỳ 4 lần/năm, chưa kể các thời điểm nóng như trung thu, lễ tết”.

Tuy vậy, một số hộ kinh doanh chất phụ gia có vỏ bọc bên ngoài là cửa hàng bánh kẹo và buôn bán lén lút các sản phẩm không rõ nguồn gốc nên rất khó phát hiện. Sau khi nhận được phản ánh chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra ngay lập tức. Nếu phát hiện sai phạm, sẽ xử phạt theo đúng quy định của pháp luật”.

NHÓM PV BẠN ĐỌC

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/ban-doc/su-that-nao-sau-nhung-coc-sua-ngo-tinh-dau-576559.ldo