Sự thật Nhật bỏ hệ thống phòng thủ tỷ USD với Mỹ

Theo Asian Nikkei Review, Bộ Quốc phòng Nhật có thể phải chi 1,89 tỷ USD và mất nhiều năm để khắc phục sự cố hệ thống đẩy của lá chắn Aegis Ashore.

Giới lãnh đạo quốc phòng Nhật Bản vừa phát hiện lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ và Nhật hợp tác sản xuất có thể khiến thỏa thuận quốc phòng trị giá hàng tỷ USD bị hủy bỏ.

Hệ thống Aegis Ashore.

Hệ thống Aegis Ashore.

Nhật Bản đã quyết định hợp tác cùng Mỹ phát triển hệ thống phòng thủ Aegis Ashore trị giá 4,2 tỷ USD. Nhưng mới đây Tokyo mới phát hiện những hệ thống đẩy của những quả đạn thuộc hệ thống này có thể rơi xuống theo một vòng cung rộng hơn nhiều so với các ước tính trước đó.

Chính vì vậy phần đẩy của tên lửa có thể gây nguy hiểm lớn cho các khu dân cư gần đó ở tỉnh Yamaguchi và Akita, nơi đặt hệ thống. Các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản chỉ biết về sai sót trước khi thông báo cho bộ trưởng Kono.

Trong cuộc họp tại văn phòng Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 3/8, Bộ trưởng Taro Kono nổi cáu với cấp dưới khi nói rằng: "Tại sao không phát hiện ra điều đó sớm hơn?".

Dù lỗ hổng được Nhật Bản tiết lộ chỉ là phần đẩy của tên lửa gây nguy hiểm của dân cư gần đó nhưng CNN dẫn nguồn tin quân sự Mỹ tiết lộ một số thông tin đã cho thấy một sự thật khác khiến thỏa thuận tỷ đô với Mỹ có nguy cơ bị đổ vỡ.

Theo nguồn tin này, tính đến đầu năm 2019, đạn tên lửa SM-3 Block IIA (vũ khí của hệ thống Aegis Ashore) đã thử nghiệm 5 lần nhưng chỉ 1 lần trong số đó tên lửa đánh chặn thành công mục tiêu.

Chính vì vậy, thay vì dùng đạn SM-3 Block IIA như kế hoạch bản đầu, nhiều khả năng Nhật sẽ chuyển sang mua tên lửa đa năng SM-6 cũng của Mỹ.

Để hoàn thành nhiệm vụ kép (phòng thủ và chống hạm), SM-6 được tích hợp hệ thống kết nối mạng và radar dò tìm chủ động, được thiết kế để tấn công các mục tiêu ngoài tầm quan sát radar của tàu.

Sử dụng hệ thống tác chiến kiểm soát hỏa lực hỗn hợp của hải quân, một tàu chiến lớp Aegis có thể tấn công các mục tiêu ngoài đường chân trời nhờ dùng dữ liệu chỉ thị mục tiêu từ máy bay cảnh báo sớm E-2D.

Phạm vi hoạt động của một radar dải tần S trên chiến hạm lớp Aegis đạt khoảng 402,3 km đối với mục tiêu bay ở độ cao 9,1 km. Trong trường hợp mục tiêu bay thấp hơn, tầm dò của radar cũng bị thu hẹp và đây chính là lúc máy bay cảnh báo sớm E-2D phát huy tác dụng.

Nhà sản xuất Mỹ cho rằng, tầm bắn của tên lửa SM-6 còn có thể vượt qua phạm vi 402 km. Đầu đạn của SM-6 tương đối nhỏ, nhưng với khả năng đánh chặn được tên lửa đạn đạo, SM-6 hoàn toàn đủ sức tiêu diệt chiến hạm của đối phương chỉ sau một lần bắn trúng.

Ngọc Hòa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/su-that-nhat-bo-he-thong-phong-thu-ty-usd-voi-my-3416079/