Sự thật thông tin ăn nhiều thịt, uống nhiều sữa khiến trẻ dậy thì sớm

Nhiều người cho rằng, uống nhiều sữa hoặc ăn nhiều thịt sẽ khiến trẻ dậy thì sớm. Tuy nhiên, các bác sĩ đã có những phân tích đầy bất ngờ.

Dấu hiệu trẻ dậy thì sớm

Tiến sĩ - Bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh - Phòng khám Nhi - Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết tỷ lệ trẻ dậy thì sớm đang ngày càng tăng. Đây cũng là nỗi lo của nhiều cha mẹ.

Theo TS. Quỳnh, trẻ dậy thì sớm là tình trạng phát triển các đặc điểm sinh dục thứ phát trước 8 tuổi ở nữ và trước 9 tuổi ở nam.

Nhiều phụ huynh cho rằng bé gái có kinh nguyệt mới là dậy thì. Nhưng thực tế, dậy thì sớm là sự phát triển của tuyến vú, lông, chiều cao hoặc hormone trong cơ thể (chẳng hạn như mọc mụn trứng cá)...

Ở bé trai, các dấu hiệu dậy thì sớm khó phát hiện hơn. Bé trai có thể có các dấu hiệu kín đáo hơn như phát triển tinh hoàn, dương vật hoặc nổi mụn, phát triển các khối cơ, vỡ giọng, mọc lông nách, lông mu. Trẻ có hiện tượng cương dương vật, xuất tinh vào ban đêm.

Tình trạng trẻ dậy thì sớm có xu hướng tăng nhanh trong mấy năm gần đây (Ảnh minh họa)

Uống nhiều sữa, ăn nhiều thịt có khiến trẻ dậy thì sớm?

Từ trước tới nay, nhiều người truyền tai nhau cho rằng, trẻ uống nhiều sữa hoặc ăn nhiều thịt sẽ gây dậy thì sớm. Tuy nhiên, TS. Quỳnh khẳng định, thông tin trên là thiếu cơ sở khoa học và không chính xác.

“Những hormon trong sữa và thịt như hormon tăng trưởng bò (rBGH) nhân tạo đều bị phân hủy thành axit amin khi đi qua dạ dày bởi bản chất của nó là peptide. Bản chất của thịt và sữa là protein chứ không phải là steroid (giống như hormon sinh dục). Do đó, thịt và sữa không thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng dậy thì sớm ở trẻ”, bác sĩ Quỳnh nói.

Vị bác sĩ cũng cho biết thêm, đến nay chưa có bằng chứng khoa học cho thấy trẻ dậy thì sớm là do ăn nhiều thịt và uống nhiều sữa. Tuy nhiên, thịt và sữa có thể là nguyên nhân gián tiếp gây ra tình trạng dậy thì sớm đối với những bé gái ăn uống quá nhiều dẫn tới béo phì có nồng độ cao protein leptin trong máu.

Leptin là yếu tố kích thích, giải phóng 3 hormon chính của dậy thì ở bé gái (GnRH, LH và FSH). Do đó, một chế độ ăn uống phù hợp và khoa học là cần thiết cho sự phát triển cân đối của trẻ.

Bổ sung thực phẩm không khoa học, trẻ dễ bị dậy thì sớm (Ảnh minh họa)

Hậu quả của dậy thì sớm

Theo bác sĩ, dậy thì sớm sẽ gây ra hai hậu quả chính:

Thứ nhất, trẻ không phát triển được tối đa chiều cao do hormone sinh dục testosteron, estrogen làm cho xương phát triển nhanh và sụn cốt hóa (đóng đầu xương) rất nhanh, dẫn đến việc trẻ ngừng cao sớm hơn các bạn không dậy thì sớm. Vì vậy, khi con dậy thì sớm, cao sớm, cha mẹ cũng không nên vội mừng.

Thứ hai, sự phát triển quá sớm khi thể chất phát triển nhanh nhưng tri thức của trẻ chưa theo kịp thể chất có thể gây nhiều vấn đề tâm lý cho trẻ, thậm chí trẻ có thể bị lạm dụng tình dục, có thai ngoài ý muốn.

Dậy thì sớm có cần điều trị?

Khi trẻ dậy thì sớm, bác sĩ sẽ xem xét các chỉ định từng trường hợp. TS. Quỳnh cho biết hiện có 50% trẻ dậy thì sớm cần điều trị.

Dựa trên tuổi trẻ dậy thì, tuổi xương của trẻ, các bác sĩ sẽ xác định chỉ định điều trị cho trẻ. Có trẻ chỉ 6 tuổi nhưng tuổi xương lên tới 11 tuổi.

Khi điều trị, trẻ sẽ được dùng thuốc ức chế dậy thì, trẻ có thể tiêm 1 lần/tháng hoặc 1 lần/3 tháng. Trên thế giới, có các loại thuốc ức chế dậy thì tiêm dưới da để dừng các biểu hiện dậy thì sớm ở trẻ.

Khi ngưng điều trị, trẻ sẽ dậy thì trở lại, đa phần trẻ đáp ứng tốt với quá trình điều trị. TS. Quỳnh cho biết thuốc điều trị tương đối an toàn, cha mẹ không nên quá lo lắng khi con được chỉ định điều trị.

"Với trường hợp trẻ dậy thì sớm không cần điều trị hoặc quá thời gian điều trị, cha mẹ cũng không nên lo lắng", bác sĩ Quỳnh nhắn nhủ.

Thúy Ngà

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/su-that-thong-tin-an-nhieu-thit-uong-nhieu-sua-khien-tre-day-thi-som-d181415.html