Sự thật Tomahawk, Kh-101, Kalibr thay vai vũ khí hạt nhân

Xin giới thiệu thêm bài viết của Đại tá hải quân, Tiến sỹ KHQS, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm pháo binh và tên lửa Nga Konstantin Sivkov.

Bài viết về một số vấn đề mang tính lý luận đối với vai trò của vũ khí chính xác cao nói chung và đối với nước Nga nói riêng để những bạn đọc quan tâm tham khảo.

Bài tuy đăng trên “Bình luận quân sự độc lập” (Nga) đầu năm 2017, nhưng có lẽ vẫn có một số thông tin và luận điểm đáng quan tâm.

“Trong bảng liệt kê những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm phát triển Các lực lượng vũ trang Nga mới được công bố có nhiệm vụ trang bị cho Quân đội Nga các hệ thống vũ khí chính xác cao tầm xa.

Nhưng liệu vũ khí chính xác cao có thể thay thế được vũ khí hạt nhân trong lĩnh vực kiềm chế chiến lược hay không. Chúng ta hãy cùng xem xét vấn đề này.

Rất khó tin vào ý tưởng cho rằng trong tương lai vũ khí chính xác cao có thể thay thế vũ khí hạt nhân và sẽ đóng vai trò là nhân tố kiềm chế chiến lược, và việc chuyển đổi chức năng như vậy (giữa vũ khí chính xác cao và vũ khí hạt nhân, nếu có) sẽ làm dịu tình hình căng thẳng trên thế giới, củng cố lòng tin giữa các nước.

Đặc biệt càng khó tin nếu tính tới tuyên bố gần đây nhất của vị Tân tổng thống Mỹ về việc một trong những điều kiện để (Mỹ và các nước Phương Tây) bãi bỏ hoặc cắt giảm một phần các biện pháp cấm vận chống Nga là (hai nước Nga-Mỹ-ND) phải ký kết một Hiệp ước mới tiếp tục cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Hiện nay, trên thế giới có không nhiều mẫu vũ khí chính xác cao tầm xa. Những kiểu vũ khí chính xác cao tầm xa hoàn thiện nhất là các tên lửa “Tomahawk” của Mỹ, “Kalibr” và “Kh-101” của Nga. Tất cả các tên lửa nói trên đều có đầu tác chiến nặng gần 500kg.

Một đầu tác chiến như vậy có thể phá hủy một tòa nhà (cỡ trung bình). Nhưng nếu đó là một dãy nhà lớn hơn, thì cần phải vài quả tên lửa phóng vào các khu khác nhau thì mới có thể đánh sập hoàn dãy nhà đó.

Vũ khí chính xác cao đạt hiệu quả tác chiến cao nhất khi tấn công các mục tiêu kích thước nhỏ, các công trình không kiên cố hoặc kiên cố ở mức trung bình.

Nếu tấn công các mục tiêu có diện tích lớn (mục tiêu diện), thì (hiệu quả của) vũ khí chính xác cao không khác gì so với (hiệu quả tác chiến) của vũ khí thông thường.

Để phá hủy các công trình rất kiên cố cần phải có đầu đạn công suất đặc biệt lớn – từ 2-3 đến 5-10 tấn (thuốc nổ). Hiện chưa nước nào có thể chế tạo được vũ khí chính xác cao tầm xa mang đầu tác chiến có trọng lượng như vậy.

Cũng cần phải tính đến một thực tế nữa là để khắc phục hậu quả của một đòn tấn công sử dụng vũ khí chính xác cao như vậy cần không quá nhiều thời gian– chỉ từ vài ngày đêm đến 3- 6 tháng và với đối phương thì (việc khắc phục hậu quả) do vũ khí chính xác cao gây ra không phải là một nhiệm vụ bất khả thi.

Nếu tạm bỏ sang một bên những chi tiết thứ yếu, thì bản chất của vũ khí chính xác cao chính là đảm bảo khả năng chắc chắn đưa được đầu tác chiến đến mục tiêu với độ chính xác cao, trong một khoảng thời gian cần thiết.

Trong khi đó, về nguyên tắc thì đầu tác chiến hiện đại nhất hiện nay hoàn toàn không khác gì các bom thông thường và đạn dược từ thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Và nếu đã như vậy, thì để có thể đánh giá khả năng vũ khí chính xác cao có thể trở thành một loại công cụ kiềm chế chiến lược hay không, cần phải xuất phát từ những kinh nghiệm của các cuộc xung đột quân sự trong quá khứ.

Trước hết, chúng ta hãy thống nhất với nhau về thuật ngữ. Theo cách hiểu thông thường, để có thể thực hiện được nhiệm vụ “Kiềm chế chiến lược” thì cần phải tạo ra được 3 mối đe dọa, mà cụ thể là:

1/đảm bảo chắc chắn hủy diệt được một tỷ lệ nhất định tiềm lực kinh tế đồng thời tiêu diệt một phần dân số đối phương ở một mức độ đủ để đối phương phải khiếp sợ (nói cách khác– gây cho đối phương những tổn thất không thể chịu đựng nổi),

2/ tiêu diệt các cụm quân chủ yếu của đối phương và

3/ tiêu diệt toàn bộ hoặc đại bộ phận giới tinh hoa chính trị của đối phương (giới lãnh đạo).

Liệu vũ khí chính xác cao tầm xa mang đầu tác chiến thông thường có thể giải quyết được nhiệm vụ thứ nhất không?

Chúng ta có thể đánh giá được qua kinh nghiệm Chiến tranh thế giới lần thứ hai và các cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang tiếp sau đó.

Ngay cả việc sử dụng ồ ạt vũ khí chính xác cao, ví dụ như tại Nam Tư năm 1999, cũng không mang lại những kết quả chính trị rõ rệt. Không quân Phát-xít Đức đã ném xuống khu vực Matxcova 800 quả bom các cỡ từ 250 đến 500 kg, nhưng cũng không gây tác động tiêu cực nhiều tới tính thần của bộ đội và dân chúng, cũng như không gây thiệt hại đáng kể cho tiềm lực kinh tế của Thủ đô Liên Xô.

Quy mô các đòn tấn công của không quân các nước Đồng minh nhằm vào nước Đức còn lớn hơn nhiều.

Mỗi đêm, Không quân đồng minh đã ném xuống các thành phố của Đức tới 5.000 tấn bom các cỡ khác nhau, phần lớn các các bom cỡ 500 và 1000 cân Anh.

Tuy nhiên, các đợt không kích ồ ạt đó cũng không đánh sập được tiềm lực kinh tế của Đức–nước này vẫn sản xuất được một khối lượng vũ khí rất lớn cho đến tận khi kết thúc chiến tranh và các đòn tấn công đường không đó cũng không buộc được giới lãnh đạo Đức Quốc xã phải đầu hàng.

Như vậy, hậu quả các các đợt ném bom trong Chiến tranh thế giới thứ hai còn nặng nề hơn nhiều so với những gì vũ khí chính xác cao tầm xa của cường quốc mạnh nhất thế giới trong lĩnh vực này là Mỹ–và cả NATO, chứ chưa nói đến Nga, gây ra sau Thế giới thứ hai đến nay.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/su-that-tomahawk-kh-101-kalibr-thay-vai-vu-khi-hat-nhan-3357442/