Sự thật về Ấn Độ

Công nghệ thông tin ở Ấn Độ đã làm cho thế giới biết rằng nước này không chỉ có đền thờ Taj Mahal và thuật thôi miên rắn. Nhưng Ấn Độ không chỉ có thế...

“Nửa sự thật"... còn lại Động lực chính đối với tăng trưởng kinh tế Ấn Độ là công nghệ thông tin. Hệ thống giáo dục của nước này có đẳng cấp quốc tế, nổi tiếng với các trường đại học đẳng cấp cao. Cũng nằm trong nhóm BRIC, nhưng Ấn Độ vẫn bị xếp "thua" Trung Quốc nhiều thập kỷ. Và tăng trưởng dân số không kiểm soát đang là một gánh nặng của nước này. Đó là những hiểu biết cơ bản của thế giới về một " tân cường quốc" châu Á. Nhưng những hiểu biết trên vừa được Business Week chứng minh rằng đều chỉ là "một nửa của sự thật". Nền kinh tế Ấn Độ không "thua xa" Trung Quốc tới mức như người ta nghĩ. Năm 2008, GDP của Trung Quốc cao hơn 3 lần so với Ấn Độ. Nếu GDP của Ấn Độ tăng trưởng 8-9% trong thập kỷ tới như dự báo thì tới năm 2020, quy mô của nền kinh tế nước này sẽ ngang bằng với kinh tế Trung Quốc năm 2008. Như vậy, Ấn Độ chỉ cách Trung Quốc khoảng 12-14 năm, thay vì vài thập kỷ. Khoảng cách này đúng bằng khoảng thời gian khi Trung Quốc bắt đầu cải cách vào giữa năm 1978, và năm 1991 khi Ấn Độ cũng bắt tay vào thực hiện chiến lược tương tự. Nổi lên là một cường quốc công nghệ thông tin (IT) và các dịch vụ IT với tăng trưởng ngành IT lên tới 25%/năm, nhưng thực tế nền kinh tế nước này vẫn đang được đóng góp chủ yếu bởi các ngành sản xuất và dịch vụ khác. 72 tỷ USD doanh thu từ IT chỉ đóng góp vỏn vẹn 4% GDP của Ấn Độ trong năm 2009. Và đóng góp của ngành này vào việc tạo công ăn việc làm cũng chỉ là khoảng 10 triệu việc làm trong tổng lực lượng lao động lên tới 700 triệu người. Ấn Độ cũng nổi tiếng là cái nôi đào tạo hàng loạt giám đốc điều hành và lãnh đạo cao cấp cho các doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Vào học ở Viện Công nghệ Ấn Độ hay Viện Quản lý Ấn Độ còn khó khăn hơn cả vào Havard của Mỹ. Thế nhưng, tỷ lệ biết chữ ở người trưởng thành hiện chỉ đạt mức 61%, so với mức 91% của Trung Quốc và 89% của Brazil. Ấn Độ nhấn mạnh việc phát triển giáo dục bậc cao mà quên mất phần còn lại của cả hệ thống giáo dục. Đó là lý do nước này đang cần nhiều thợ hơn là thầy. Người ta cũng lo ngại về nền chính trị dân chủ cao độ ở nước này sẽ gây khó khăn cho việc cải thiện nhanh chóng hệ thống cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, nó chỉ khó khăn cho việc cải tạo bộ mặt đô thị, nhưng cơ sở hạ tầng còn bao gồm cả cảng biển, sân bay, viễn thông... Ấn Độ hiện đang chi 8% - GDP cho cơ sở hạ tầng, và dự kiến sẽ tăng mức này lên 9% (Trung Quốc đang chi 8,5% GDP), cho thấy Ấn Độ sẽ trở thành một công xưởng trước khi những thành phố của nước này có được vẻ ngoài hiện đại hơn. Là một trong những nước đông dân nhất thế giới nhưng Ấn Độ lại không hề có một chính sách hạn chế sinh đẻ nào, điều này thường khiến người ta liên tưởng Ấn Độ với những thành phố đông chật dân nghèo. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng dân số của nước này giảm nhanh chóng, dự tính sẽ chỉ còn 0,6%/năm trong thời gian tới, bằng với mức của Trung Quốc hiện nay. Tăng trưởng dân số của Ấn Độ đang tự điều chỉnh, chứ không phải một gánh nặng dai dẳng. Không thua kém Trung Quốc Gần đây, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Financial Times, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh biểu lộ, viễn cảnh kinh tế Ấn độ đủ sức sánh vai cùng kinh tế Trung Quốc. Đây được cho là lời nhận định mà ít khi phía Ấn Độ công khai. Ông cho rằng, nền kinh tế nước mình tuy chậm nhưng lại là những bước đi bền vững, chắc chắn. Bất cứ nhà kinh doanh nào cũng bị hấp dẫn bởi quy mô của Trung Quốc, nhưng họ đang bỏ qua cơ hội thực sự khác ở châu Á. Bởi thực tế, thị trường Trung Quốc vẫn là điều đáng "thất vọng" đối với những nhà kinh doanh nào muốn khai thác lợi thế đông dân. Trong tỷ lệ GDP, tiêu dùng của Trung Quốc vẫn ở mức thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn, ít nhất là thấp hơn 1/3. Trong khi đó, động lực cho sự phục hồi đến từ mọi người dân Ấn Độ. Nhu cầu tiêu dùng trong nước chiếm tới 2/3 nền kinh tế, gấp đôi Trung Quốc. Theo Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Keck, 3/4 vốn của Trung Quốc đi vào các công ty nhà nước. Kết quả lợi nhuận doanh nghiệp có xu hướng nằm trong tay nhà nước, chứ không phải người dân. Còn mô hình từ dưới lên của Ấn Độ lại cho thấy sự ngược lại. Lợi nhuận từ các doanh nghiệp Ấn Độ, dù lớn hay nhỏ, đều chủ yếu đi đến túi của người dân. Ấn Độ tự hào về tầng lớp trung lưu độc lập ngày càng nhiều với khoảng 300 triệu người. Một nửa người Trung Quốc và 2/3 Ấn Độ sống ở nông thôn, tức là có khoảng 700 triệu người ở mỗi nước. Nhưng, một nửa nông thôn Trung Quốc đang tụt lại phía sau trong khi tăng trưởng kinh tế ở nông thôn Ấn Độ đã vượt qua khu vực thành thị gần 40% trong hơn 1 thập kỷ qua. Nông thôn Ấn Độ chiếm một nửa GDP của nước này, đóng góp tới 2/3 tăng trưởng chung, trong khi ở Trung Quốc chỉ chiếm 1/3 GDP và tạo ra 15% tăng trưởng. Cuộc khủng hoảng tài chính đang đẩy nhanh sự chuyển đổi vị thế kinh tế thế giới. Theo một báo cáo của PricewaterhouseCoopers, Ấn Độ có thể vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, tính trên sức mua tương đương, vào năm 2012. An Sinh

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/KinhTe/2010/3/BEDC69CAD82A64B4/