Sự thật về hòn đá 'biết đi' và 'khử tà quỷ' ở Thừa Thiên Huế?

Trong một đêm trăng, người dân làng An Thành xưa vô tình nhìn thấy một tảng đá lớn nổi trên sông.

Trên hòn đá còn được khắc chữ Hán. Thấy kỳ lạ nên người dân vớt tảng đá lớn ấy rồi đặt ngay bên đình làng để hương khói. Hơn 300 năm, từ ngày hòn đá xuất hiện, hàng loạt câu chuyện ly kỳ xảy ra. Nhiều người cho rằng, đây là “tảng đá thần” vì “đá bình thường làm sao mà nổi được trên mặt nước”.

Tảng đá nổi được dân làng An Thành thờ phụng hơn 300 năm nay

Tảng đá nổi được dân làng An Thành thờ phụng hơn 300 năm nay

Kỳ lạ chuyện đá nổi trên mặt nước

Hơn 300 năm nay, người dân làng An Thành (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn truyền nhau những câu chuyện kỳ bí về tảng đá nổi. Trong một lần ghé thăm vùng đất Quảng Thành, chúng tôi vô tình được nghe kể những câu chuyện kỳ lạ về tảng đá ấy. Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, chúng tôi đã lần theo lời chỉ dẫn của người dân tới nơi tảng đá được thờ.

Băng qua con kênh nhỏ, chạy dọc theo con đường liên thôn, chúng tôi đến được đình làng An Thành. Tảng đá nổi được người dân lập bàn thờ, hương khói ngay trong khuôn viên đình làng. Theo lời kể nhiều bô lão, hòn đá này là “hòn đá thần” và có rất nhiều chuyện kỳ lạ, bí ẩn mà “chẳng ai giải thích được”.

Chuyện kể rằng, cách đây hơn 300 năm khi làng An Thành vừa mới được thành lập. Một hôm, chẳng biết từ đâu lại trôi về một tảng đá lớn. Chuyện kỳ lạ hơn nữa là tảng đá ấy lại nổi trên mặt nước. Từ những lời kể bí ẩn ấy, người dân làng An Thành sùng bái và thờ phụng, người dân dựng mái che bàn thờ để tỏ lòng thành với đứng linh thiêng. Tất cả họ, ai nấy đều rất tin vào sự linh thiêng của tảng đá ấy.

Theo quan sát của PV, tảng đá nổi mà người dân sùng bái ấy có chiều cao gần 1m, rộng khoảng 40cm. Nhiều người còn cho biết, tảng đá nổi được thờ phụng ngay đình làng An Thành vì nó trôi về ngay trước mặt đình. Lúc trôi về, trên tảng đá đã được khắc 3 chữ Hán.

Ông Hứa Xuân Đông (ngụ làng An Thành) cho biết: “Hòn đá ấy có lâu lắm rồi. Từ nhỏ đã nghe các cụ kể lại chuyện vì sao có tảng đá đó. Ngày xưa, tự nhiên ở đâu trôi về một tảng đá, thấy nó nổi trên mặt nước nên các cụ lấy về thờ. Nghe thì thấy phi lý nhưng dân ở đây ai cũng tin vì có nhiều chuyện kỳ lạ ở chỗ hòn đá ấy lắm”.

Những câu chuyện kỳ bí lưu truyền trong làng

Nhiều người cho biết, thời gian đầu khi tảng đá nổi xuất hiện người dân mang nó đặt sát bờ sông rồi lo hương khói. Nằm giữa trời, mưa gió liên miên nên dân làng sợ bắt tội. Bà con trong làng mới làm lễ đưa “ngài” về đình, rồi lập mái thờ, phân công người hương hỏa mỗi ngày.

Từ ngày tảng đá nổi ấy được mang về, hàng loạt câu chuyện kỳ lạ xảy ra. Theo lời của nhiều người dân, đã có không ít người trong làng bị hòn đá ấy “oán” vì lỡ đắc tội với thần linh. Tuy nằm trong khuôn viên của đình làng, nhưng tảng đá nổi lại được đặt sát con đường đi ra đồng. Cứ mỗi lần ra đồng, người dân phải đi ngang tảng đá ấy. Và ai nấy đều phải cúi đầu “đi nhanh không lại sợ thần về bắt tội”.

Cô Hương hoảng hốt kể lại chuyện “ngài” về đuổi đi

Bà Bùi Thị Tuyết (người dân làng An Thành) cho biết: “Hòn đá ấy linh thiêng lắm, người dân ở trong làng đi qua đó phải đi nhanh. Chẳng ai dám hó hé gì nhiều ở khu vực đó. Ai cũng sợ, quanh xóm đây có mấy người từng chứng kiến mấy chuyện kỳ lạ ở tảng đá thần ấy rồi”.

Cũng theo lời bà Tuyết, cách đây hai năm khi đoạn sông Bồ đang làm bờ kè. Vào buổi trưa nắng, mấy người thợ làm kè hay ra ngoài đình ngủ. Trưa hôm ấy, người thợ nhỏ tuổi nhất trong số ấy mang võng ra treo ngủ gần chỗ tảng đá. Đang ngủ say thì có người hiện về đuổi đi. Người thợ mở mắt ra hoảng hốt chạy vào bà Tuyết.

Bà Tuyết kể lại: “Lúc đó tôi đang ngủ thì thằng đó chạy vào, mặt mày tái nhợt. Cái mặt nó xanh ngắt luôn. Hoảng hốt gọi tôi rồi nói: “Con đang ngủ tự nhiên có ai vô đuổi. Ông đó già lắm rồi, mang bộ đồ màu đỏ, tóc với râu dài lắm, bạc trắng luôn”. Nghe nói vậy là tôi biết ngài về rồi, trước đây cũng có nhiều người nói như rứa rồi. Ngủ như thế nào đó, đụng chạm tới ngài, thì ngài mới đuổi đi”. Bà Tuyết cho biết thêm, từ sau vụ việc ấy nhóm công nhân chẳng bao giờ dám ra chỗ đình nghỉ lại nữa.

Tiếp xúc với một số bô lão trong làng, các cụ còn cho biết rằng “ngày xưa khi còn chiến tranh, quân giặc thấy dân ở đây sùng bài tảng đá ấy quá, nên chúng vác búa ra đập”. Tuy nhiên, tảng đá ấy rất cứng nên không thể đập vỡ, nhiều người liên tiếp thay nhau dập vỡ tảng đá nhưng nó chỉ bị sứt hai miếng nhỏ trên đỉnh. Không thể phá vỡ được tảng đá nên bọn giặc bỏ về. Đêm hôm ấy, không biết lý do gì mà bỗng nhiên gác canh của bọn giặc cháy dữ dội, bị thương nặng đến mấy người.

Bà Tuyết cho biết, gia đình bà sống gần đình cũng từng chứng kiến nhiều vụ việc. Trẻ nhỏ ra đình chơi hoang, trèo lên tảng đá nên tối về đều phát bệnh, đau ốm mấy ngày liền. Bà Tuyết giới thiệu cho chúng tôi đến gặp cô Nguyễn Thị Hương, là người từng gặp “ngài”. Cô Hương cho biết: “Lúc đó tôi còn nhỏ lắm, khi đó đang giữ em nhỏ. Trưa nóng quá nên tôi ra đình chơi. Do nằm gần chỗ tảng đá gió mát quá nên tôi ngủ quên. Đang ngủ thì có ai đó bước tới, mang áo đỏ, tóc và râu dài, bạc trắng. Bảo rằng: “Con gái mà ăn nằm thế này đây à? Tránh đi chỗ khác mau, nhanh lên!”. Mở mắt ra chẳng thấy ai, tôi sợ quá chạy thẳng về nhà”.

Cô Hương cũng cho biết thêm, lúc còn nhỏ cũng từng chứng kiến hòn đá bốc cháy dữ dội. Trong một lần đi ra đồng, đứng cách tảng đá không xa thấy có gì đó kỳ lạ. Quan sát một lúc thì thấy tảng đá nổi mà người dân thờ cúng phun lửa lên dữ dội. Từ đỉnh tảng đá bốc lữa lên cao khoảng gần nửa mét, rồi ở trên tạo thành một vòng xoáy. Cháy khoảng 15 giây thì kết thúc.

“Khi đó trời chập choạng, gần tối rồi. Khi tôi băng qua chỗ đó để về nhà thì thấy lửa cháy ghê lắm. Lúc đó, tôi nghĩ thà tranh hay củi khô cháy thì không có gì lạ, đằng này đá mà bốc cháy thì chắc chắn có điềm chẳng lành rồi. Chứng kiến cảnh đó mà tôi phát hoảng luôn. Do xảy ra quá nhiều chuyện ly kỳ liên quan đến hòn đá nên người dân ở đây ai cũng tin vào sự linh thiêng của hòn đá”, cô Hương kể lại.

Chỉ là những câu chuyện truyền miệng

Trao đổi với PV, ông Lê Quang Hai, Trưởng thôn An Thành cho biết: “Chuyện hòn đá được người dân trong làng thờ cúng là có thật. Tuy nhiên, những câu chuyện xung quanh chỉ là những lời thiêu dệt thêm. Những câu chuyện về tảng đá nổi được kể từ đời này sang đời khác nên nó được thêm bớt nhiều chi tiết. Chuyện “ngài” về hay những việc kỳ bí liên quan chỉ nghe qua lời nói mà chưa có ai có thể xác minh là có thật hay không. Hòn đá được lập bàn thờ, hương khói chỉ theo khía cạnh văn hóa, chứ không có chuyện hòn đá bắt tội những người vô tình đụng chạm đến thần linh”.

Minh Tú

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/phong-su/su-that-ve-hon-da-biet-di-va-khu-ta-quy-o-thua-thien-hue-17036.html