Sự thật về lan đột biến

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như các trang mạng xã hội thi nhau đưa tin về lan đột biến (lan Var - variation). Các giao dịch mua bán lan đột biến thu hút dư luận với giá trị trao đổi hàng tỷ, hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Việc thổi phồng giá trị của lan đột biến không đúng với thực chất khiến cho thị trường lan đột biến thời gian gần đây rối tung, người chơi lan chưa có kinh nghiệm không biết thực hư thế nào.

 Một cây lan đột biến.

Một cây lan đột biến.

Vườn lan đột biến của anh Lê Minh Hoàng.

Lan rừng có nhiều loại như: Thủy tiên, lộng, hài, địa lan, nghinh xuân (ngọc điểm), giáng hương, quế, tam bảo sắc… Khi lan xuất hiện đột biến, chủ nhân thường đặt tên cho cây. Những cái tên như: 5 cánh trắng Hiển Oanh (H.O), Phú Thọ, Hà Tĩnh hay 5 cánh trắng hồng Yên Thủy, hồng Minh Châu… gắn liền với địa danh mà cây lan đột biến xuất hiện. Hiện tại, loại lan đột biến được xem là số 1 Việt Nam là: Phan Trí, Hoàng Long, Hoàng Phan Sư (HSP)…; ở vị trí số 2 là: Xanh Huế, Vị Hoàng Nam Định, Vàng Tây Ninh… Đây là các loại lan đột biến có một không hai, đang được giới chơi lan thừa nhận về độ độc, lạ, đẹp, hiếm của nó.

Theo những người chơi lan chuyên nghiệp, lan đột biến hoàn toàn phát xuất từ lan rừng. Qua quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, người chơi lan phát hiện những mặt hoa đẹp, độc, lạ phát sinh từ quá trình đột biến. Từ đó, họ tạo nên những câu chuyện ly kỳ, khó tin, rồi hình thành thị trường về lan đột biến. Anh Lê Minh Hoàng - một tay chơi lan có thâm niên 15 năm tại Nha Trang cho hay, thị trường lan lâu nay ổn định, giới chơi lan có quy ước riêng, giá trị của lan thế nào người chơi lan biết rõ. Bất cứ chi lan nào cũng có lan đột biến nhưng phổ biến nhất là dòng lan Phi Điệp và lan Kiếm có tỷ lệ đột biến nhiều hơn. Để có 1 mặt hoa đột biến cực kỳ khó, trong 1.000 cá thể họa hoằn mới có 1 - 2 cá thể xuất hiện đột biến. Vì thế, giá trị của lan đột biến vẫn còn là ẩn số, chưa ai có thể thẩm định. Nhưng không phải hoa đột biến nào cũng đẹp và có giá trị. Chỉ có những mặt hoa có thẩm mỹ cao, độc, lạ, được giới chơi lan thừa nhận mới có giá trị cao. Cụ thể như cây số 1 Việt Nam hiện nay là Phan Trí (lan Kiếm) chiều dài 5cm, giá dao động khoảng 400 triệu đồng; cây Xanh Huế (lan Kiếm) dao động 100 triệu đồng/thân; các cây Vị Hoàng Nam Định (lan Kiếm vàng) hay Vàng Tây Ninh (lan Kiếm vàng) 10 - 15 triệu đồng/cây… Vì thế, các cây lan đột biến giá trị tiền tỷ giới thiệu trên các trang mạng vừa qua chủ yếu là tin đồn.

Ông Mai Xuân Thương - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao cho biết, các thông tin về lan đột biến giá trị tiền tỷ, thậm chí cao hơn nữa cho thấy lan nói chung và lan đột biến nói riêng từ thú chơi thuần túy dần trở thành cách kiếm tiền dễ dàng. Các giao dịch về lan và lan đột biến xuất hiện ngày càng nhiều giống như các cuộc đấu giá trong các lĩnh vực khác như bất động sản hay đá quý… Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng các sân chơi lành mạnh, công khai của một số lĩnh vực liên quan tới sở thích cũng cần được Nhà nước nghiên cứu đưa vào luật.

V.L

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/khoahoc-congnghe/202104/su-that-ve-lan-dot-bien-8212044/