Sự thật về nỗi khổ của học sinh

Học sinh rất dễ bị căng thẳng tâm lý do học hành, thi cử, bị so sánh với bạn bè, thậm chí không ít em có hành vi hủy hoại bản thân.

Theo nghiên cứu của TS Thái Thanh Trúc (giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM) cùng các đồng nghiệp thực hiện, có hơn 35% học sinh bị stress, gần 60% học sinh rơi vào trạng thái lo âu và gần 39% học sinh bị trầm cảm.

Cũng theo nghiên cứu này, thì học sinh gia đình kinh tế mức nghèo bị stress cao hơn 1,5 lần học sinh nhà khá giả, và học sinh khối lớp 12 bị stress nhiều hơn 1,29 lần so với khối lớp 10...

Kết quả trên được thực hiện trên gần 1.100 học sinh khối lớp 10, 11, 12 của 3 trường THPT ở TP.HCM.

Báo Thanh niên dẫn nghiên cứu của TS Thái Thanh Trúc cho hay, trong nghiên cứu này không hỏi về thu nhập và kinh tế của gia đình học sinh, mà hỏi về cảm nhận của học sinh về kinh tế gia đình.

Thực tế cho thấy nhiều gia đình có thu nhập không cao nhưng học sinh cảm nhận như thế là đủ và phần nào đó hài lòng về nó thì ít dẫn đến stress. Ngược lại, có gia đình thu nhập cao nhưng học sinh cảm nhận như thế là chưa đủ và không thoải mái về việc đó thì nhiều khả năng dẫn đến stress.

Học sinh càng gặp khó khăn về tâm lý thì dễ có hành vi tự hủy hoại bản thân. Ảnh minh họa

"Chính những cảm nhận này mới là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến stress chứ không phải bản thân thu nhập của gia đình. Học sinh thường hay đặt, để, so sánh hoàn cảnh kinh tế của mình và gia đình trong môi trường xã hội, môi trường học tập nên nếu thấy sự 'thua sút' của mình sẽ có thể dẫn đến stress", ông Trúc cho hay.

Theo nghiên cứu, học sinh lớp 12 gặp phải stress nhiều hơn do nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố tác động.

"Tuy nhiên, áp lực thi cử cuối cấp là một trong các nguyên nhân chính. Các nghiên cứu trước đây của tôi, và kể cả trong y văn đều thể hiện điều này", ông Trúc cho biết.

Những kết quả mà TS Thái Thanh Trúc cùng các đồng nghiệp đưa ra khá tương đồng với kết quả nghiên cứu của giảng viên Đỗ Văn Đoạt (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) dù ông Đoạt chỉ thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ trên 290 học sinh THCS và THPT của Hà Nội.

Theo nghiên cứu này, có hơn 90% khẳng định có các giai đoạn căng thẳng trong quá trình học thi chuyển cấp ở một hoặc nhiều thời điểm nào đó. Học sinh ngoại thành cảm thấy căng thẳng nhiều hơn một chút so với học sinh nội thành.

Những học sinh được hỗ trợ tài chính nhiều căng thẳng hơn so với những học sinh được hỗ trợ tài chính ít hơn. Điều này thể hiện sự kiểm soát về tài chính, những cam kết được thiết lập trong gia đình cũng là yếu tố gia tăng mức độ căng thẳng ở học sinh.

Các biểu hiện căng thẳng như: tâm trạng kém, không có khả năng tập trung, ưu phiền, thay đổi giấc ngủ thường xuyên và cô đơn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các vấn đề khác.

Điều nghiêm trọng hơn, khi các học sinh gặp khó khăn về tâm lý dễ bị rối loạn tâm thần, nặng hơn như trầm cảm và có thể dẫn đến có ý nghĩ tiêu cực như tự làm tổn thương bản thân hay tự tử.

Theo nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Y dược TP.HCM, có các dấu hiệu học sinh bị stress mà chỉ có sự quan tâm theo dõi qua thời gian mới có thể thấy được như: trước giờ không có nhưng nay học sinh lại hay gây hấn, dễ nổi loạn, tức giận không kiểm soát hoặc dễ khóc, buồn chán, lo lắng, không tập trung và kể cả trầm cảm.

Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ mang tên "Hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh THCS và biện pháp phòng ngừa", do PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, làm chủ nhiệm cùng 9 cộng sự khác cũng đã chỉ ra điều này.

Theo nhóm nghiên cứu, tình trạng trên dễ thấy ở các học sinh lớp 6 là lớp đầu cấp và lớp 9 là lớp cuối cấp chuẩn bị thi cử. Ngoài ra, một số học sinh kỳ vọng quá cao vào bản thân mình nên khi không được thì thất vọng, một số em bị bạn bè công kích, ép buộc hoặc bắt chước theo trào lưu tôn thờ cảm xúc.

Hành vi tự hủy hoại bản thân mà nhóm nghiên cứu chỉ ra bao gồm việc tự làm đau bản thân, suy nghĩ bi quan về cuộc sống, bỏ bê bản thân mình, cảm thấy mệt mỏi chán nản với các dấu hiệu cụ thể về mặt thể xác và lâm sàng nhưng nhiều khi chính chủ thể không nhận ra.

Biểu hiện này tập trung ở các hành vi như không quan tâm đến sức khỏe, tính mạng bản thân, từ chối các hình thức bảo vệ (không đội mũ bảo hiểm, áo phao…); tự cắt xén, bức tóc, tự khắc lên da thịt, tự đầu độc, tự cán mình; đau khổ trong im lặng, không thể hiện cảm xúc của mình. Thậm chí mức độ cao hơn là có ý muốn tự tử và thực hiện hành vi tự tử.

Qua khảo sát 1.043 học sinh THCS ở TP.HCM và Bình Dương trong 2 năm, nhóm nghiên cứu đã sàng lọc được 280 em có hành vi tự hủy hoại bản thân, chiếm 26,8%. Đáng chú ý trong số này chủ yếu là học sinh khá, giỏi.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/su-that-ve-noi-kho-cua-hoc-sinh-3369808/