Sự thật việc Bộ Giao thông đề nghị bảo hộ cho Vietnam Airlines

Thông tin về việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị bảo hộ cho hãng hàng không Vietnam Airlines đang thu hút sự quan tấm lớn của dư luận. Vậy đâu là sự thật của thông tin này?

 Thông tin Vietnam Airlines được Bộ GTVT đề xuất bảo hộ được dư luận đặc biệt quan tâm. (Ảnh: Lê Thanh)

Thông tin Vietnam Airlines được Bộ GTVT đề xuất bảo hộ được dư luận đặc biệt quan tâm. (Ảnh: Lê Thanh)

Trong những ngày qua, trên một số trang báo và mạng xã hội đăng tải thông tin về việc Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam xây dựng chính sách bảo hộ dành cho hãng hàng không Quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines (VNA). Nhiều ý kiến cho rằng, việc bảo hộ này có nguy cơ phạm luật và đi ngược lại với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường với nền tảng cạnh tranh công bằng.

Bảo hộ VNA là sai luật?

Chuyên gia pháp lý đầu tiên lên tiếng về vấn đề này là Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. Theo Luật sư Đức, việc Bộ GTVT đang giao Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu, thiết kế chính sách bảo hộ cho VNA là vi phạm nhiều luật như: Luật Cạnh tranh, Luật Hàng không dân dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và vi phạm các cam kết, hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.

Phân tích thêm về luận điểm của mình, LS Đức cho hay, tại khoản 4 Điều 5 Luật Đầu tư năm 2014 quy định: “Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư”. Còn tại Luật Hàng không dân dụng năm 2014, Điều 14 của luật này cũng quy định nguyên tắc hoạt động hàng không dân dụng là “cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động hàng không dân dụng”.

Ngoài ra, có thể kể tới Điều 53 của Luật Hàng không dân dụng năm 2014 cũng quy định rõ, khi điều phối giờ cất cánh, hạ cánh, Bộ GTVT phải “bảo đảm công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử”.

Văn bản số 2875 có nội dung được cho là Bộ GTVT đề xuất bảo hộ cho VNA. (Ảnh: Quý Nguyễn)

“Bộ muốn bảo hộ VNA trong việc phân bổ slot (khung giờ cất hạ cánh của các hãng hàng không), kiểm soát tăng trưởng vận tải hàng không nội địa để giúp hãng này phát triển bền vững, giữ vị thế chủ đạo thì rõ ràng là sai luật” - Luật sư Đức nói, đồng thời khẳng định quan điểm, Nhà nước không thể tạo dựng vị trí nòng cốt cho một ngành nào đó, hay một doanh nghiệp nào đó bằng chính sách bảo hộ phân biệt đối xử dù trên thực tế, không ít cơ quan quản lý nhà nước vẫn coi doanh nghiệp nhà nước là “con đẻ” nên đã dành cho những ưu ái dưới nhiều cách thức.

Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, thông tin về việc Bộ GTVT muốn xây dựng chính sách bảo hộ cho VNA bắt nguồn từ một nội dung trong văn bản số 2875/BGTVT-QLXD ngày 26/3/2020 báo cáo phục vụ cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Trong đó, phần chỉ đạo của ngành GTVT trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19 đối với ngành Hàng không, khi đề cập đến những đề xuất của DN thuộc thẩm quyền Bộ GTVT đang xem xét, xử lý có đoạn: “Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền về nghiên cứu chính sách bảo hộ đối với hãng hàng không quốc gia trong vấn đề phân bổ slot, kiểm soát tăng trưởng vận tải hàng không nội địa để giúp hãng hàng không quốc gia phát triển bền vững, chiếm vị thế chủ đạo”.

“Chính sách bảo hộ cho các hãng bay có sự khác nhau tại nhiều nước trên thế giới. Như tại Mỹ thì hoàn toàn không có chính sách bảo hộ nhưng Trung Quốc thì có. Riêng với trường hợp của VNA, kể cả Bộ GTVT có đề xuất bảo hộ cho VNA đi chăng nữa thì cũng không có gì sai. Bởi đây là chính sách bảo hộ trong tình huống có đại dịch hoành hành. Đã là bảo hộ trong trường hợp đại dịch thì không thể nói là việc bảo hộ này có vi phạm các quy định về cạnh tranh trong kinh doanh hay không. Khi có đại dịch, người ta phải cứu những cái gì cần cứu nhất. Không thể nói đến câu chuyện cạnh tranh kinh doanh ở đây được”.

TS Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia Giao thông

Chuyển ý kiến DN chứ không phải đề xuất bảo hộ

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Uông Việt Dũng - Phó Chánh Văn phòng Bộ GTVT. Ông Dũng khẳng định, việc căn cứ vào một số nội dung trong văn bản số 2875/BGTVT-QLXD ngày 26/3/2020 để quy chụp rằng Bộ GTVT muốn bảo hộ cho VNA là không chính xác.

“Đây chỉ là những đề xuất của DN gửi về Bộ GTVT và Bộ có trách nhiệm tổng hợp để báo cáo Thủ tướng theo đúng yêu cầu chứ hoàn toàn không phải là ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT” - ông Dũng nói.

Phó Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết thêm, hiện VNA cũng như các Tổng Công ty, tập đoàn kinh tế thuộc quản lý của Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp nên tất cả những gói cứu trợ hay giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho những DN này về nguyên tắc đều phải được đề xuất từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Còn từ trươc đến nay, trong các đề xuất của mình, Bộ GTVT luôn đưa ra những kiến nghị tháo gỡ chung cho tất cả ngành Hàng không chứ không riêng cho hãng bay nào.

“Tôi có thể khẳng định Bộ GTVT chưa bao giờ ra một cái văn bản nào về việc tháo gỡ khó khăn cho riêng VNA” - ông Dũng nhấn mạnh.

Văn bản mới nhất số 3329 của Bộ GTVT. (Ảnh: Quý Nguyễn)

Theo ông Dũng, Bộ GTVT bao giờ cũng tiến hành tổng hợp lại tất cả những ý kiến kiến nghị của các DN gửi về. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, gần như chỉ có mỗi VNA là DN báo cáo cụ thể về những thiệt hại với những số liệu cụ thể và những kiến nghị cụ thể của họ. Đó cũng là một trong những lý do trong văn bản số 2875/BGTVT-QLXD ngày 26/3/2020, phần đề xuất kiến nghị của DN, Bộ GTVT chỉ đề cập tới trường hợp kiến nghị của VNA.

“Văn bản 2875 có tính thời điểm. Tức là vào thời điểm đó hãng bay nào có đề xuất gì thì Bộ sẽ tổng hợp ý kiến đó để báo cáo lên trên” - ông Dũng nói và cho biết thêm, đến ngày 8/4, tại văn bản mới nhất liên quan đến việc kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành Hàng không bị thiệt hại bởi Covid-19.

Cụ thể, văn bản số 3329/BGTVT-VT, Bộ GTVT đã đề xuất giải pháp tổng hòa cho tất cả các hãng bay, đó là tạo điều kiện cho các hãng hàng không sau thời gian hết dịch liên quan đến việc sử dụng slot tại các cảng hàng không. Đặc biệt, Bộ GTVT nhấn mạnh, không áp dụng việc tính slot lịch sử trong việc phẩn bổ slot cho các hãng hàng không Việt Nam.

“Quyết định 236/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển GTVT ngành Hàng không đến 2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó xác định đến năm 2020 VNA vẫn là hãng hàng không giữ vai trò chủ đạo trong thị phần các doanh nghiệp hàng không. Quyết định cũng nhấn mạnh vẫn phải phát triển đồng đều các hãng hàng không. Bộ GTVT vẫn luôn tuân thủ tuyệt đối nhữn quy định trong Luật Hàng không dân dụng và Quyết định 236/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Làm sao để đảm bảo hài hòa, phát triển lành mạnh các ngành hàng không, phát triển công bằng dành cho tất cả các doanh nghiệp” - Phó Chánh Văn phòng Bộ GTVT Uông Việt Dũng.

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/su-that-viec-bo-giao-thong-de-nghi-bao-ho-cho-vietnam-airlines-381324.html