Sự thấu hiểu văn hóa là trụ cột thắt chặt quan hệ hữu nghị

VH- 'Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam'và 'Giao lưu văn hóa Hội An-Nhật Bản lần thứ 16' (gọi tắt Sự kiện) đã khép lại tại đêm bế mạc vào hôm qua 19.8 với chương trình giao lưu nghệ thuật đầy cảm xúc lưu luyến của những bạn Nhật Bản và Quảng Nam.

Biểu diễn trống của đoàn trống Minori Daiko - tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) tại sự kiện

Ông Sugi Ryotaro, Đại sứ đặc biệt Nhật Bản – ASEAN, Đại sứ đặc biệt Nhật - Việt, là người có thời gian rất dài gắn bó với Việt Nam nói chung, Quảng Nam và Hội An nói riêng đã gửi một thông điệp sâu sắc nhân “Những ngày giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Quảng Nam”. Thông điệp được mở đầu bằng kỷ niệm khoảng 20 năm trước, khi lần đầu tiên ông đến tổ chức lễ hội tại Hội An đã treo cờ cá chép tại Chùa Cầu và trang trí đèn lồng, chuông gió khắp trong thành phố. Vài năm trước, khi tới thăm lại Hội An, ông cảm thấy vô cùng vinh hạnh khi được biết rằng đến nay cứ mỗi lần tổ chức lễ hội, Hội An vẫn gìn giữ cẩn thận cũng như duy trì đều đặn việc trang trí cờ cá chép và đèn lồng mà khi xưa ông đã trao tặng.

Trong thông điệp của mình, ông cũng nhắc lại năm 1989 ông đến Việt Nam lần đầu và đã gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Chính phủ Việt Nam Đỗ Mười. Ngài đại sứ đặc biệt chia sẻ: Khi đó, tôi đã hứa sẽ lấy sức mạnh của văn hóa làm trụ cột thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam và nói rằng “để xây dựng quan hệ hữu nghị, bên cạnh chính trị và kinh tế không thể thiếu sự thấu hiểu về văn hóa. Sự thấu hiểu, tôn trọng và giao lưu lẫn nhau là điều quan trọng, do đó sức mạnh của văn hóa phải được coi trọng”. Quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày nay là kết quả được xây đắp nên từ những hoạt động giao lưu văn hóa thường xuyên và liên tục suốt nhiều năm qua. Ngài đại sứ đặc biệt cũng hy vọng qua sự kiện lần này, mọi người sẽ có thể cảm nhận văn hóa của hai nước Việt Nam và Nhật Bản, thấu hiểu và khắc sâu hơn nữa mối giao lưu giữa hai nước.

Một điểm đặc biệt của sự kiện lần này chính là ngoài đại diện 5 thành phố đến từ Nhật Bản là Nagasaki (tỉnh Nagasaki), Sakai (tỉnh Osaka), Oda (tỉnh Shimane), Matsusaka (tỉnh Mie) và Minamiboso (tỉnh Chiba) còn có sự tham gia của 3 tỉnh, thành khác của Việt Nam là Điện Biên, Hà Nội, TP.Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp). Các tỉnh, thành cùng tham gia trưng bày các sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống địa phương mình, giao lưu nghệ thuật và tăng cường kết nối du lịch giữa với các tỉnh, thành trong nước với nhau và với đối tác Nhật Bản

Du khách Nhật Bản tại Hội An

Tại sự kiện lần này, nhiều cơ hội kết nối hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế giữa Nhật Bản với tỉnh Quảng Nam cũng đã được khơi mở và mang nhiều tín hiệu đáng mừng.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Umeda Kunio, cho biết doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng và đã tăng cường xúc tiến vào khu vực này. Những sự kiện giao lưu như thế này sẽ là cơ hội để Quảng Nam chứng minh thế mạnh của địa phương và Đại sứ quán sẽ là cầu nối kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, hợp tác nhiều hơn nữa với Quảng Nam và Việt Nam. Hy vọng với mối quan hệ lâu đời, quan hệ hữu nghị hợp tác và kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và Nhật Bản - Quảng Nam sẽ nâng lên tầm cao mới và ngày càng bền vững.

Bên cạnh đó, dù có nhiều lợi thế về văn hóa, lịch sử, nhất là mối quan hệ trong quá khứ với Nhật Bản nhưng tỷ lệ khách Nhật chiếm vị trí chưa cao trong cơ cấu khách du lịch của Quảng Nam. Năm 2016, có 58.968 lượt khách Nhật đến tham quan lưu trú (chiếm tỷ lệ 5,9% trong cơ cấu khách du lịch của Quảng Nam). Năm 2017 giảm chỉ còn 46.121 lượt (3,81%). Trong 6 tháng đầu năm 2018, chỉ có khoảng 30.696 lượt khách Nhật trong tổng số 820.000 lượt khách quốc tế lưu trú tại Quảng Nam.

Ở một góc độ khác, chính quyền tỉnh Quảng Nam nói chung, TP Hội An nói riêng kỳ vọng những sự kiện giao lưu văn hóa như thế này sẽ là cơ hội để giới thiệu sản phẩm và tiềm năng du lịch Hội An, Quảng Nam đến du khách Nhật Bản.

Nhiều chuyên gia du lịch cũng kỳ vọng thị trường này sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới dựa vào những yếu tố phù hợp với tâm lý của khách Nhật mà Quảng Nam đang có như: Sức hút của những Di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn, văn hóa ẩm thực địa phương, không gian yên tĩnh thích hợp nghỉ dưỡng. Đặc biệt, việc khai thác các đường bay trực tiếp kết nối Đà Nẵng-Osaka; Đà Nẵng-Tokyo sẽ đóng vai trò quan trọng đưa khách đến miền Trung, lan tỏa ra các nơi khác.

KHÁNH CHI

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/su-thau-hieu-van-hoa-la-tru-cot-that-chat-quan-he-huu-nghi