Sử thi Việt Nam (Kỳ 16)

Trân trọng giới thiệu sách 'Sử thi Việt Nam' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành 2017.

Bìa cuốn sách về vua Lê Thánh Tông của Nhà xuất bản Trẻ. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Kỳ 16.

Hào quang tuột đỉnh

Ra đời một triều đại mới ở Thăng Long

Triều Hậu Lê rực rỡ anh hùng

Đỉnh cao của các vương triều phong kiến.

Đại Việt từ đây thẳng tiến

Xây vương triều hùng mạnh hơn xưa

Trải qua tắm máu gội mưa

Non sông vươn lên rực rỡ.

Lê Lợi lên ngôi xưng Lê Thái Tổ

Thăng Long còn gọi Đông Kinh

Lam Sơn Thanh Hóa Tây Kinh.

Quốc gia mở rộng.

Đạo Nho trở thành chính thống

Tư tưởng nước nhà.

Đời Lê Thánh Tông có chí vươn xa

Tiến hành cải cách.

Nhà nước phải là Tôn quân quyền trong sạch

Hiệu quả kiềm chế lẫn nhau

Vua đứng đầu

Bỏ chức Tể tướng

Và các chức hàm Tể tướng

Vua trực tiếp nắm trăm quan.

Lê Thánh Tông gần gũi nhân dân

Đi vi hành khắp tận cùng đất nước

Nắm dân tình trước

Rồi mới ra chiếu chỉ điều hành.

Sáu bộ được Lê Thánh Tông hoàn thiện nhanh

Để thực thi hành pháp

Nghiêm minh

Bộ Hộ, bộ Công, bộ Lại, bộ Hình

Bộ Binh, bộ Lễ.

Con đường tới quan trường không dễ

Thông qua thi đỗ Tiến sĩ, Trạng nguyên

Chọn tài hiền

Trông coi nên quốc gia hùng mạnh.

Đất nước như thiên thần mọc cánh

Đỉnh cao của hưng thịnh vương triều

Làng quê dập dìu

Đàn ca no ấm

Đô Thành huy hoàng nhung gấm

Ngựa xe rộn rã triều đình.

Bốn mươi vạn tinh binh

Thạo nghề chinh chiến.

Triều Lê Thánh Tông chăm lo lập hiến

“Quốc triều hình luật” đỉnh cao

Của pháp chế vương triều

Có những chế định những điều

Thế giới phong kiến đương thời không hề có

Như làm sáng tỏ

Quyền của nữ giới trong hôn nhân.

Lê Thánh Tông còn kiên quyết chống ngoại xâm

Giữ gìn lãnh thổ.

Ông cho rằng đất đai là của bao anh hùng tiên tổ

Đổ bao xương máu dựng nên.

Kẻ nào đớn hèn

Đem một tấc gang làm mồi cho giặc

Sẽ bị xé xác phanh thây.

Nhờ đó có những ngày

Thanh bình thịnh trị

Thế mới hay đất nước yếu hèn hay kỳ vĩ

Đều do chính quyền mà nên.

Nền thịnh trị vững bền

Như cơn gió thoảng.

Kỷ mười sáu nhà Lê khủng hoảng

Nguyên nhân vẫn là vua cháu vua chắt quan cháu quan chắt vô độ chơi bời

Trái với mệnh trời

Vua quan phải chăn dân để giữ nền an dân quốc thái

Đi trái qui luật này nên triều đình suy bại

Năm 1527 Mạc Đăng Dung làm phản cướp ngôi

Máu chảy đầu rơi

Vua Lê Cung Hoàng và Thái hậu Trịnh Thị Loan bị giết

Triều Lê Sơ tồn tại 100 năm bị diệt.

Mạc Đăng Dung xưng là Mạc Thái Tổ lên ngôi

Vật đổi sao dời

Lập ra Triều Mạc.

Đất nước vào thời loạn ly tan tác.

Nguyễn Kim cựu thần nhà Lê

Về miền tây Thanh Hóa chiêu tập hào kiệt kéo về

Lập Lê Trung Hưng Nam triều phạt Mạc.

Nam Triều kéo quân ra Bắc

Chiến tranh binh lửa tương tàn.

Nội chiến làm đầu rơi máu chảy chứa chan.

Đến Ninh Bình chủ soái Nguyễn Kim bị giết

Quyền hành phò Lê Trung Hưng lọt hết

Vào tay Trịnh Kiểm con rể Nguyễn Kim

Hai con trai Nguyễn Kim dần lớn lên

Góp phần phò Lê Trung Hưng diệt Mạc.

Trong một trận chiến quân Nam Triều thua tan tác

Hy sinh tại chiến trường người con cả Nguyễn Uông.

Như con chim trong lồng

Em Nguyễn Uông là Nguyễn Hoàng có nguy cơ bị hại.

Biết không thể nào ở lại

Nguyễn Hoàng xin anh rể (Trịnh Kiểm) vào trấn thủ miền Thuận Hóa xa xôi.

Năm 1558 Nguyễn Hoàng vào miền đất đầy gió cát nắng rơi

Đưa đồng hương Thanh Hóa vào gian nan mở cõi.

Vương quốc Chiêm Thành lúc này đang suy vong hấp hối

Người Việt tiến vào mở đất khai hoang.

Phía nam sông Đồng Nai đất đai hoang hóa sông nước ngập tràn.

Dân xứ Thanh lại cầm thanh gươm đi mở nước.

Bạt ngàn rừng trâm bầu rừng đước

Sông ngòi đồng ruộng bát ngát miền Nam.

Sự nghiệp khai hoang

Thời gian dài hàng thế kỷ.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao văn Liên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/su-thi-viet-nam-ky-16-a18211.html