Sư Thích Thanh Toàn nói có thể lấy vợ, ăn chơi thoải mái: 'Chỉ có người không bình thường mới phát ngôn như vậy'

Hòa thượng Thích Gia Quang cho rằng sư Thích Thanh Toàn có đầu óc 'không bình thường' mới phát ngôn như vậy và là 'con sâu' làm ảnh hưởng hình ảnh Phật giáo.

Clip: Sư Thích Thanh Toàn sám hối và khoe tài sản trị giá 200-300 tỷ đồng xôn xao dư luận

Sau nghi vấn gạ tình nữ phóng viên, sư thầy Thích Thanh Toàn - Trụ trì chùa Nga Hoàng (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) xin xả giới hoàn tục, từ bỏ mọi chức danh trong Phật giáo. Tuy nhiên, vị Trụ trì chùa Nga Hoàng mong muốn giữ lại toàn bộ tài sản có trị giá khoảng 200-300 tỷ đồng và nói có thể cưới vợ, ăn chơi thoải mái sau khi hoàn tục. Phát ngôn phản cảm này của vị đại đức ngay lập tức nhận được sự phê phán gay gắt từ dư luận.

Trả lời VTC News, Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban thông tin truyền thông, người phát ngôn Giáo hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) cho biết, GHPGVN rất buồn và đáng tiếc về những vấn đề xung quanh lời nói của sư Thích Thanh Toàn.

Vị Hòa thượng này cho rằng, đó là những “con sâu làm rầu nồi canh”, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và hình ảnh của Phật giáo Việt Nam.

- Thầy đánh giá thế nào về phát ngôn của sư Thích Thanh Toàn: "Tài sản có 300 tỷ, nếu muốn có thể lấy vợ, ăn chơi thoải mái"?

Với tư cách là một người tu hành đạo pháp, tôi cho rằng, sư Thích Thanh Toàn không nên có những lời lẽ thiếu suy nghĩ như thế. Đây là biểu hiện của con người có vấn đề về nhận thức, có đầu óc "không bình thường".

Những lời lẽ thiếu suy nghĩ của sư Thích Thanh Toàn là biểu hiện của con người có vấn đề về nhận thức, có đầu óc không bình thường.

Hòa thượng Thích Gia Quang

Về hành vi của sư Thích Thanh Toàn được báo Phụ nữ TP.HCM đăng tải, GHPGVN đã có ý kiến với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Tam Đảo để xác minh và làm rõ nội dung tố cáo.

Sau bê bối trên, vị Trụ trì chùa Nga Hoàng bị bãi nhiệm chức danh Trụ trì chùa Nga Hoàng và đã xin xả giới hoàn tục.

GHPGVN rất buồn và đáng tiếc cho những vấn đề xung quanh sư Thích Thanh Toàn.

Trong thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ tổ chức họp báo để thông tin cho các cơ quan truyền thông đại chúng trên cả nước nắm rõ hơn về quan điểm của GHPGVN.

- Từ câu nói của sư Toàn, dư luận cho rằng hiện nay làm sư cũng là một nghề và đó là cách “Start up” nhanh giàu nhất. Cứ đi làm sư rồi sau đó mắc lỗi lại xin hoàn tục và sẽ có một khối tài sản lớn tới vài tỷ, vài trăm tỷ, hàng nghìn tỷ đồng, thưa thầy?

Hoàn toàn không có việc đó. Đó là lối suy nghĩ cục bộ, thiếu khách quan. Chúng ta cần nhìn tổng thể những hoạt động mà Phật giáo Việt Nam đã đóng góp cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kháng chiến và trong quá trình đổi mới.

Trong những năm gần đây, Phật giáo Việt Nam đã tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa đối với nhân dân và đất nước như giúp đỡ đồng bào lũ lụt miền Trung và Tây Bắc, cầu siêu cho anh hùng, liệt sỹ Trường Sa, giúp đỡ trẻ em nghèo khó... Những đóng góp quan trọng đó đã được Đảng và Nhà nước khẳng định và ghi nhận.

Hàng triệu tín đồ phật tử đang góp sức mình vào công cuộc xây dựng và vinh danh đất nước Việt Nam. Đó là những điều mà nhân dân cả nước đều hoàn toàn công nhận.

- Trường hợp như sư Thích Thanh Toàn không còn quá hiếm khiến người dân bắt đầu có cách nhìn khác về những người theo đạo Phật, thưa thầy?

Quả đúng như vậy. Những “con sâu” này đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của Phật giáo Việt Nam.

Tuy đây chỉ là thiểu số, nhưng những việc làm và phát ngôn của họ lại gây tác động tiêu cực tới uy tín của Phật giáo Việt Nam, làm cho nhân dân có cái nhìn sai lệch về đức tin và bổn mệnh của các tín đồ Phật giáo.

Sư thầy Thích Thanh Toàn bị bãi nhiệm chức Trụ trì chùa Nga Hoàng sau nghi vấn gạ tình nữ phóng viên.

Sư thầy Thích Thanh Toàn bị bãi nhiệm chức Trụ trì chùa Nga Hoàng sau nghi vấn gạ tình nữ phóng viên.

- Thậm chí không ít luồng dư luận từng hồ nghi "đời sao, chùa vậy". Ví dụ như vẫn tồn tại việc chạy chức, chạy quyền, chạy chùa. Thầy từng nghe nói chưa?

Tôi khẳng định là không có hành vi “chạy chức, chạy quyền” này trong GHPGVN.

Hiện nay, tất cả tăng ni, phật tử trong cả nước đều làm việc, tu hành theo Hiến chương GHPGVN và nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN. Tất cả đều làm theo lời dạy của Phật, khi quy y Tam Bảo.
- Gần đây, có không ít câu chuyện làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm vốn có của chốn Phật môn. Làm thế nào để chùa thật sự là chùa, là điểm tựa cho chúng sinh thập phương tầm về tu học?

Theo tôi, để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần đánh giá tổng thế quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam và nâng cao tổ chức, hoạt động của Hội đồng trị sự Phật giáo cả nước.

Như chúng ta đã biết, GHPGVN ra đời là sự kết tinh trí tuệ, là nguyện vọng chân chính của tăng ni, phật tử trong cả nước và là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam.

Hiện nay, GHPGVN hoạt động theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, trên cơ sở kính ngưỡng, phụng hành giáo pháp, giới luật Phật chế và tuân thủ pháp luật.

Do đó, để Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển, cần phát huy, làm sâu sắc thêm tôn chỉ của GHPGVN. Đó là “lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng sinh, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ Dân tộc,Tổ quốc và nhân loại chúng sinh”.

Minh Tuấn

Nguồn VTC: https://vtc.vn/su-thich-thanh-toan-noi-co-the-lay-vo-an-choi-thoai-mai-chi-co-nguoi-khong-binh-thuong-moi-phat-ngon-nhu-vay-d503290.html