Sự thôi thúc và hấp dẫn trong sáng tác về người Công an Nhân dân

Trại sáng tác về đề tài 'Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống' vừa được khai mạc tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Với 35 cây bút văn xuôi của cả nước tham gia, trại sáng tác hứa hẹn sẽ có nhiều tác phẩm mới ở thể loại văn xuôi, đặc biệt là tiểu thuyết.

Các tác giả tham gia Trại sáng tác.

* Một trại sáng tác chuyên đề về Công an Nhân dân

Đây là Trại sáng tác thứ hai nằm trong Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ V (giai đoạn 2022 - 2025), do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Với các lần tổ chức cuộc thi, cuộc vận động sáng tác trước đây, nhiều tác phẩm xuất sắc về người chiến sĩ công an nhân dân (CAND), vì an ninh cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân đã xuất hiện cùng với những tên tuổi lớn như: tiểu thuyết Đêm yên tĩnh của nhà văn Hữu Mai, Yêu tinh của Hồ Phương, Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời của Nguyễn Thị Ngọc Hải, Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn… Tiếp theo đó, các thế hệ nhà văn trẻ hơn đã đĩnh đạc bước lên văn đàn như: Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, DiLy, Giản Tư Hải, Đào Trung Hiếu, Đức Anh...

Trại sáng tác lần này dành cho 35 tác giả đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhất là khu vực phía Nam. Các thế hệ cầm bút đã gặp nhau tại trại sáng tác với niềm hứng khởi và sự quyết tâm rất lớn, bởi trại sáng tác được tổ chức với “mục tiêu kép”, không chỉ “đặt hàng” đối với người viết những tác phẩm nóng hổi, mang đậm hơi thở cuộc sống, mà còn nâng cao chất lượng sáng tác về đề tài người chiến sĩ CAND, thực hiện một cách thiết thực Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”; trong đó, tích cực xây dựng lực lượng sáng tác, truyền thông của chính lực lượng CAND.

* Sự thôi thúc không ngừng

Đề tài CAND không dễ viết nhưng luôn luôn có sự hấp dẫn và thôi thúc những người cầm bút. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng Chủ tịch Hội đồng giải thưởng cuộc thi - đã có sự ví von đầy ý nghĩa khi cho rằng: “Sự bình yên của cuộc sống đã đã thôi thúc những người chiến sĩ CAND phải cống hiến, hy sinh; và thôi thúc người cầm bút phải đứng vào hàng ngũ những người chiến sĩ”.

Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ V (giai đoạn 2022 - 2025) dành cho một số thể loại văn xuôi, đặc biệt là tiểu thuyết mang đến một thách thức lớn, tạo một “sân chơi” đầy cảm hứng và cũng rất nhọc nhằn đối với người viết.

Đại tá Trần Cao Kiều, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản CAND, Ủy viên Thường trực cuộc thi, cho biết, lực lượng công an luôn gánh vác rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhưng suy cho cùng vẫn là vì hạnh phúc của nhân dân, vì bình yên, ổn định của cuộc sống. Trong việc thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng ấy, các nhà văn luôn là những người đồng hành, hỗ trợ cho công tác tuyên truyền, quảng bá, nhằm vận động người dân thực hiện pháp luật, phòng chống tội phạm, chống diễn biến hòa bình, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch… Các chiến sĩ cũng là những con người bằng xương bằng thịt, nhiều lo toan trong đời sống thường ngày, nhiều tâm tư, tình cảm cần chia sẻ, bộc bạch. Vì vậy, họ cũng có thể dao động, sai lầm, sa ngã. “Để lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh, hoàn thành mọi nhiệm vụ thì Công an cần phải thấu hiểu mình, đặc biệt cần có sự thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ, ủng hộ của nhân dân. Văn học chính là cánh cửa kỳ diệu mở ra sự thấu hiểu đó”, đại tá Trần Cao Kiều chia sẻ.

* Sự hấp dẫn và thử thách

Tham gia trại sáng tác, các tác giả đã bày tỏ quan điểm sáng tác của mình cùng những mong muốn đối với Ban tổ chức để có thể tiếp cận đề tài, nhân vật một cách thuận lợi nhằm sáng tác có hiệu quả. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng viết về đề tài người chiến sĩ CAND, cũng như viết về sự bình yên trong cuộc sống nhân dân vừa hấp dẫn, vừa là sự thử thách to lớn đối với người cầm bút.

Sự hấp dẫn và thử thách này đến từ nhiều khía cạnh. Trong đó, việc khai thác, tìm hiểu các nguyên mẫu nhân vật, tái hiện những câu chuyện, xây dựng nên hình tượng mới mẻ, hiện đại và thuyết phục người đọc… luôn là những “đề bài” khó, kể cả đối với người đã có bề dày tác phẩm, đồng hành lâu năm với người chiến sĩ CAND.

Nhà văn Trầm Hương cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất của người viết là tiếp cận tư liệu có tính xác thực, thuyết phục, và những con người thật, việc thật (là nguyên mẫu tác phẩm, và cũng là tấm gương tích cực soi sáng cho người đọc, mang thông điệp tươi đẹp cho đời sống, xã hội). Bà khẳng định: Đối với người viết, tư liệu quý như vàng, và cũng phải tìm kiếm, trả giá bằng vàng, nhất là những tấm lòng vàng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có nhiều gợi ý, như: nhà văn làm rõ hơn, truyền đi được vẻ đẹp bên trong bộ sắc phục, thuộc về bản chất người CAND, họ đã dấn thân vì lý tưởng nhân văn, vì xã hội nhân văn mà người dân Việt Nam hằng tin tưởng, mong ước. Ông nhấn mạnh: “Người viết cần có sự mạnh dạn để có thể lý giải vì sao một con người bình thường có thể phạm tội… và lý giải (đến cả ngàn lần) vì sao một cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh lại sa ngã, và cũng phạm tội!”

Thượng tá Phạm Thị Mỹ Nương - Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Công an Nhân dân - tin tưởng rằng trại sáng tác sẽ thu được về nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, đưa hình tượng nhân vật người chiến sĩ CAND đến gần hơn với đông đảo nhân dân, góp phần xây dựng nền văn học CAND trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam.

Tiểu Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202404/su-thoi-thuc-va-hap-dan-trong-sang-tac-ve-nguoi-cong-an-nhan-dan-22255f2/